Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội cho biết có ý kiến đề nghị không tiếp tục áp thuế đặc biệt với xăng, điều hòa vì đây là những hàng hóa thiết yếu.
Nêu ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 26/3, ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đánh thuế phải đúng bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo ông, xăng là mặt hàng thiết yếu, không thể hạn chế sử dụng. Mặt hàng này đang chịu nhiều loại thuế, như bảo vệ môi trường, nhập khẩu, giá trị gia tăng...
"Nếu xác định dùng xăng ảnh hưởng tới môi trường thì tăng thuế bảo vệ môi trường chứ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt", ông Giang nói.
Tại Việt Nam, xăng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 1995. Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học, theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, mức thuế suất ưu đãi với xăng E5 là 8%, E10 là 7%. Các mức này thấp hơn so với thuế suất 10% với xăng khoáng, chẳng hạn RON 95-III loại phổ biến trên thị trường.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật của Quốc hội, phát biểu tại hội nghị, ngày 26/3. Ảnh: Media Quốc hội
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn nhắc lại mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều tiết hành vi tiêu dùng. Với xăng, tại Việt Nam, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, riêng xăng sinh học E5 8% và xăng E10 là 7%; dầu không phải chịu loại thuế này.
Chẳng hạn, xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) hiện ở mức 20.080 đồng một lít. Như vậy, trong mỗi lít xăng hiện có gần 2.000 đồng là thuế tiêu thụ đặc biệt (giá tính trước thuế VAT). Đồng thời, mỗi lít xăng bán ra cũng đang phải chịu thuế bảo vệ môi trường 2.000 đồng, E5 là 1.900 đồng và dầu diesel 1.000 đồng.
Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn vẫn giữ quan điểm rằng mặt hàng này có nguồn gốc hóa thạch, nếu bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không khuyến khích dùng xăng sinh học, sử dụng tiết kiệm. Ông dẫn kinh nghiệm tại nhiều quốc gia như Pháp, Đức, Italy đang thu thuế này ở mức thấp với xăng sinh học.

Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị, ngày 26/3. Ảnh: Media Quốc hội
Năm ngoái, Bộ Công Thương giao các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khoảng 28,43 triệu m3 tấn. Bộ này ước tính năm nay tiêu thụ xăng dầu sẽ tăng hơn 8% so với 2024. Do đó, từ đầu năm cơ quan này giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 29,5 triệu m3, tấn, tức tăng hơn 1 triệu m3, tấn so với năm trước.
Quan điểm của lãnh đạo Bộ Tài chính trùng với Ủy Ban Kinh tế và Tài chính - cơ quan thẩm tra của Quốc hội - tại báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật. Theo cơ quan này, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, việc thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng (gồm xăng E5, E10) là phù hợp, góp phần giảm phát thải và định hướng tiêu dùng tiết kiệm. Do đó, cơ quan này xin cho giữ như dự thảo luật, tức vẫn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng.
Cũng theo dự thảo luật, điều hòa công suất từ 90.000 BTU trở xuống (trường hợp doanh nghiệp, cá nhân tách riêng cục nóng, lạnh điều hòa để bán) vẫn thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như quy định hiện nay.
Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng việc thu thuế này với điều hòa áp dụng nhằm tăng nhận thức việc tiêu dùng tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tại các lần đưa ra thảo luận trước đó ở phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu phản đối việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa. Vì thế ở lần tiếp thu, chỉnh lý này, cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giới hạn lại phạm vi các mặt hàng điều hoà bị đánh thuế đặc biệt.
Góp ý sau đó, các đại biểu Quốc hội chuyên trách lưu ý việc "giới hạn lại phạm vi" vẫn là đánh thuế với điều hòa, trong khi đây là mặt hàng phổ biến, không nên chịu thuế đặc biệt.
"Điều hòa là sản phẩm tiêu dùng phổ biến, đánh thuế cao thì vẫn phải dùng, có hạn chế theo công suất hay gì thì vẫn không thay đổi hành vi người dùng", ông Hoàng Văn Cường, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nói, thêm rằng "cần bỏ điều hòa khỏi diện chịu thuế".
Tương tự ý kiến đại biểu Cường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Pháp luật Nguyễn Trường Giang cũng đề nghị không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa, do đây là hàng thiết yếu.
Thứ trưởng Tài chính Cao Anh Tuấn giải thích trước đây áp thuế do mặt hàng này là xa xỉ, nhưng hiện nay đã phổ biến, các gia đình sử dụng nhiều. "Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ rà soát thêm để có phương án hợp lý", ông nói.
Dự thảo luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 4 chương và 12 điều, đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5 tới.
Anh Minh