Thế vận hội mùa hè Paris 2024 đã khởi tranh tại Pháp tuần qua. Khoảng 10.000 vận động viên, 8,6 triệu vé được bán ra và hàng tỷ người xem truyền hình trên toàn thế giới là các con số ban đầu thể hiện sức hút của sự kiện.

Diễn ra 4 năm một lần với các màn tranh tài của những vận động viên giỏi nhất thế giới, Olympic rất được người hâm mộ quan tâm. Tuy nhiên, bữa tiệc hoàng tráng cũng đi kèm cái giá phải trả "cực kỳ tốn kém", theo CNBC.

Theo Đại học Oxford, từ những năm 1960, mọi thành phố đăng cai thế vận hội đều vượt chi ngân sách ban đầu đáng kể. Có 5 trong số 6 kỳ gần nhất (mùa hè và mùa đông) vượt chi hơn 100%, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, gồm cả Paris.

"Tất cả kỳ thế vận hội đều vượt chi. Không có loại siêu dự án nào khác vượt chi đến vậy, ngay cả việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay lưu trữ chất thải hạt nhân", báo cáo công bố tháng 5 của Đại học Oxford viết.

Theo ước tính hiện tại của nền tảng dữ liệu Statista (Đức), Olympic Paris 2024 tiêu tốn của Pháp khoảng 8,7 tỷ USD, vượt chi 115% ngân sách dự kiến. Con số này không bao gồm các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị và giao thông.

Tình trạng vượt chi của Paris năm nay không phải là tệ nhất lịch sử thế vận hội mùa hè. Hai kỳ vượt "khủng" nhất là Barcelona 1992 và Rio de Janeiro 2016, với tỷ lệ vượt chi lần lượt đến 266% và 352% ngân sách đề ra.

Thế vận hội mùa đông cũng chứng kiến tình trạng vượt chi lớn không kém. Olympic Sochi (Nga) 2014 tiêu tốn kỷ lục 28,9 tỷ USD, vượt chi 289%. Tổng chi phí không bằng nhưng Olympic Lillehammer (Na Uy) 1994 cũng vượt 277%.

Nếu ước tính chi phí đăng cai gồm cả đầu tư cơ sở hạ tầng trực tiếp và gián tiếp cũng như ngân sách vận hành chúng, số tiền còn lớn hơn nhiều lần. Nhà kinh tế học Andrew Zimbalist tại Đại học Smith (Massachusetts, Mỹ), tác giả quyển sách "Circus Maximus" viết về những căng thẳng kinh tế của Olympic và World Cup - ước tính tổng chi của Bắc Kinh dành cho Olympic 2008 hơn 40 tỷ USD, Sochi 2014 hơn 50 tỷ USD và Rio 2016 tầm 20 tỷ USD.

Ông cho biết cuộc đua giành quyền đăng cai cũng khốc liệt gần như chính cuộc thi, với một số thành phố chi hơn 100 triệu USD cho quá trình đấu thầu. Và khi họ giành được, chi phí thường tăng vọt vượt xa ước tính và ngân sách ban đầu.

"Một trong những vấn đề lớn - cho dù bạn đang xem xét câu hỏi về thặng dư hay thâm hụt, hoặc một số câu hỏi tài chính nghiêm ngặt khác - là nếu thực sự muốn biết có bao nhiêu tiền được chi ra và thu về, bạn cần tính tổng tiêu tốn mọi thứ chứ không chỉ gói gọn trong 17 ngày diễn ra sự kiện", ông nói với CNN.

Theo Zimbalist, kể từ 2005, doanh thu mỗi kỳ Olympic tầm 6-8 tỷ USD, khá nhỏ và kém hợp lý so với núi tiền đổ ra. Đó là chưa kể các tính toán chi phí sự kiện rất dễ bị nước đăng cai thao túng. Ngoài chi phí gián tiếp không được đưa vào ngân sách chính thức, một số chi phí hoạt động trực tiếp cũng bị loại khỏi sổ sách.

Statista cho rằng một số địa phương chỉ nhận ra hậu quả "thảm khốc" khi bữa tiệc Olympic tàn, nhưng số ít cẩn trọng hơn. Ví dụ Hamburg (Đức) từng rút lại đơn xin đăng cai năm 2015 vì lý do chi phí sau cuộc trưng cầu dân ý.

2024-07-25T205822Z-1501365144-9045-4591-1722173883.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eShNUJymzWEv-NnuDzBmNw

Biểu tượng Olympic được đặt tại Bảo tàng Louvre ở Pari ngày 25/7. Ảnh: Reuters

Vậy Pháp đang cố gắng giảm tỷ lệ vượt chi bằng cách nào? Lợi thế của Paris là cơ sở hạ tầng có sẵn. Theo S&P Global Ratings, khoảng 95% địa điểm dùng trong thế vận hội đã tồn tại trước khi "kinh đô ánh sáng" giành quyền đăng cai. Chỉ có ba địa điểm được xây mới gồm: Làng Olympic (1,6 tỷ USD), Trung tâm thể thao dưới nước (190 triệu USD) và khu thể dục dụng cụ & cầu lông (150 triệu USD).

Theo Statista, việc đăng cai Olympic là cơ hội để cải thiện cơ sở hạ tầng cho địa phương nhưng di sản lâu dài mà nó để lại cũng có thể là tình trạng bỏ hoang của một số công trình như đã thấy ở Sarajevo (Liên bang Bosnia và Herzegovina), Athens (Hy Lạp) hay Rio (Brazil).

Bản thân Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) biết rõ điều này nên họ kỳ vọng Thế vận hội Paris là thí điểm cách tiếp cận tiết kiệm và xanh hơn. Đây là sự kiện đầu tiên phù hợp với "Chương trình nghị sự 2020" của IOC gồm 40 khuyến nghị nhằm đảm bảo tính khả thi trong tương lai của sự kiện.

Nội dung chính của chương trình là chỉ xây dựng mới một cơ sở thể thao cố định và còn lại dựa vào các công trình sẵn có hoặc tạm thời. Ứng dụng tại Paris, Làng Olympic Paris sẽ được chuyển đổi thành văn phòng và nhà ở.

Victor Matheson, Giáo sư kinh tế của Cao đẳng Holy Cross cho biết đây sẽ là kỳ thế vận hội đầu tiên có tổng chi phí dưới 10 tỷ USD, kể từ Olympic Sydney. "IOC đang cạn kiệt các thành phố sẵn sàng đăng cai sự kiện này. Các thành phố đã thấy khá rõ ràng - theo cách làm cũ - rằng đây là thảm họa tài chính thực sự và vô cùng tốn kém, với rất ít hy vọng kiếm lại tiền trong dài hạn", Giáo sư Matheson giải thích động cơ của IOC.

Nhìn về Olympic Los Angeles 2028, những nỗ lực tương tự cũng đang được tiến hành cho thế vận hội "Không xây dựng". Mỹ dự kiến chỉ dựa vào cơ sở hạ tầng sẵn có của thành phố này. Một số môn như bóng mềm và đua thuyền vượt chướng ngại vật có thể diễn ra ở Oklahoma, cách đó 2.000 km.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng cần những động thái quyết liệt hơn trong tương lai để thế vận hội thực sự bền vững và lành mạnh về tài chính. Amanda Phalin, chuyên gia kinh doanh và kinh tế quốc tế tại Trường Kinh doanh Warrington (Đại học Florida) nói việc xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng thể thao khổng lồ cứ sau 4 năm là không hợp lý về mặt kinh tế.

"Tôi yêu thế vận hội và các sự kiện thể thao nhưng không nghĩ cách nó vận hành hiện nay là mô hình kinh doanh khả thi", bà Amanda Phalin nói. Theo bà và giáo sư Andrew Zimbalist, một ý tưởng có thể đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài thực sự của thế vận hội là chỉ định một thành phố duy nhất hoặc luân phiên giữa một vài thành phố để chuyên dùng đăng cai Olympic.

Phiên An (theo Statista, CNN, CNBC)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022