Chia sẻ bên lề hội nghị hàng không quốc tế (IAS) ngày 28/2, CEO Vietnam Airlines cho biết một trong những thách thức lớn nhất với ngành hàng không hiện nay là chuỗi cung ứng đứt gãy làm thiếu hụt linh kiện, trang thiết bị phục vụ cho máy bay.

Theo ông Hà, hiện nay, cả thế giới có hơn 3.500 máy bay bị ảnh hưởng do vấn đề liên quan đến động cơ Pratt&Whitney sử dụng trên các dòng tàu bay A321/A320neo. Vietnam Airlines có 24 động cơ này, tương đương 12 máy bay A321 phải đưa vào bảo dưỡng. Việc này làm năng lực khai thác đội tàu bay thân hẹp của hãng giảm đến 20%. Bên cạnh đó, động cơ máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines cũng bị ảnh hưởng.

ceo-le-hong-ha-1709110974-1610-1709111214.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HxdNLi9EVxxRqu5gCfNYaw

CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà trả lời bên lề Hội nghị Hàng không Quốc tế (IAS) ngày 28/2. Ảnh: Anh Tú

CEO Vietnam Airlines cho biết trước đây, một động cơ chỉ cần 100-120 ngày để bảo dưỡng, nhưng hiện nay có thể đến 250-300 ngày do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình huống này đòi hỏi Vietnam Airlines phải tăng năng suất hoạt động của các máy bay còn lại nhằm duy trì tải cung ứng, phục vụ nhu cầu của thị trường.

Ngoài Vietnam Airlines, đội bay của Vietjet cũng có thể bị ảnh hưởng vì vấn đề động cơ Pratt&Whitney, nhưng hãng này chưa công bố số liệu chi tiết.

Thiếu tàu bay, giảm tải cung ứng cũng là một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay nội địa đắt đỏ thời gian qua. Nhiều chặng bay trước và sau Tết đều cháy vé, nhưng lượng khách trên thị trường hàng không nội dịp cao điểm này vẫn giảm 13% so với cùng kỳ 2023.

Trước câu hỏi về dự báo giá máy bay nội địa năm nay, ông Hà nói "rất khó đánh giá cụ thể" vì còn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, theo CEO này, mặt bằng giá nội địa năm nay có thể vẫn tương đương năm ngoái khi chưa có sự thay đổi lớn.

Từ năm ngoái, giá vé máy bay nội địa thường neo ở mức cao, nhất là các giai đoạn cao điểm như hè, cuối năm hay gần nhất là Tết Âm lịch vừa qua. Thậm chí, từ ngày 1/3 tới, trần giá vé máy bay nội địa sẽ được điều chỉnh tăng thêm.

Trong đó, đường bay 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần mới 3,4 triệu, tăng 200.000 đồng so với hiện hành. Đường bay từ 1.280 km trở lên như Hà Nội - Phú Quốc có mức trần mới 4 triệu, tăng 250.000 đồng.

CEO Vietnam Airlines đánh giá việc điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay 5% từ ngày 1/3 là cơ hội để các hãng nâng cấp chất lượng dịch vụ ở phân khúc khách hàng có khả năng chi trả cao hơn. Đồng thời, nó cũng giúp doanh nghiệp đưa ra nhiều dải giá rẻ hơn cho khách hàng có khả năng chi trả thấp hoặc vào giai đoạn thấp điểm.

Đây cũng là lần đầu trần giá vé máy bay được điều chỉnh sau 10 năm khi mọi chi phí đầu vào của các hãng hàng không đã thay đổi, lên rất cao vài năm gần đây. Theo ông Hà, Việt Nam là một trong số ít nước còn kiểm soát trần giá vé máy bay, nên trong tương lai sẽ hướng tới việc để thị trường cạnh tranh, tự điều tiết.

Dù vậy, nhiều công ty lữ hành lo ngại khung giá trần mới sẽ khiến giá vé máy bay nội địa vào những dịp cao điểm tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp và khách hàng.

Về ý kiến này, CEO Vietnam Airlines cho biết ngành hàng không một năm chỉ có cao điểm hè và Tết để bù lại cho giai đoạn thấp điểm. Vietnam Airlines sẽ cố gắng có các chính sách giá tốt cho hè năm nay.

Anh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022