Như vậy, tổng hạn ngạch gạo Indonesia sẽ nhập năm nay là 3,6 triệu tấn từ các thị trường. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được Bộ Thương mại Indonesia ban hành, sau khi hoàn tất một số thủ tục.
Với quyết định lần này, theo Thương vụ, Indonesia sẽ sớm mở thầu mua thêm gạo, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt. Tháng trước, chính phủ nước này mua 500.000 tấn gạo, trong đó Việt Nam trúng cung ứng hơn 300.000 tấn.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng coi đây là cơ hội cho họ. Tuy vậy, lãnh đạo một đơn vị tại Đồng Tháp cho rằng, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh về giá với nhiều quốc gia. Theo ông, Việt Nam có lợi thế giao hàng nhanh, chất lượng, nhưng giá còn cao. "Nếu các doanh nghiệp đưa ra mức cạnh tranh, khả năng trúng thầu sẽ cao hơn", ông lưu ý.
Trong khi đó cơ quan thương vụ khuyến cáo doanh nghiệp theo dõi và tận dụng cơ hội này để tăng sản lượng xuất khẩu những tháng đầu năm.
Gạo bán tại cửa hàng trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP HCM). Ảnh:Thi Hà
Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, động thái tăng nhập gạo được nhà chức trách nước này đưa ra khi gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước, ảnh hưởng hiện tượng El Nino. Việc này dẫn tới thu hoạch vụ lúa chính chậm 2-3 tháng so với mọi năm, vào tháng 5-6, nguồn cung thiếu và giá tăng.
Hiện, giá bán lẻ gạo tại thị trường này khoảng 80.000 Rp (tương đương 5,17 USD) cho 5 kg, cao hơn 14% mức trần chính phủ đưa ra.
Số liệu của Cơ quan thống kê Indonesia cho thấy tháng 1, nước này nhập 441.930 tấn gạo, tăng hơn 82% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lượng nhập nhiều nhất từ Thái Lan với 237.640 tấn; Pakistan là 129.780 tấn, và Việt Nam 32.340 tấn.
Năm 2023, Indonesia là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, với sản lượng trên 1,1 triệu tấn, tăng 878% so với năm trước đó.
Thi Hà