Đặc điểm của cây sống đời
Cây sống đời có tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam) Pers, thuộc họ thuốc bỏng (Crassulaceae), là loại cây mọng nước có nguồn gốc từ Madagasca. Ở Việt Nam, cây sống đời còn được gọi với nhiều tên khác nhau như cây bỏng, trường sinh, diệp sinh căn, đả bất tử. Nó là một loại cây vừa làm cây cảnh cho hoa nở đẹp, vừa là một cây thuốc chữa bệnh hàng ngày đơn giản và hiệu quả.
Cây sống đời dễ trồng, là cây mọc hoang dã, chỉ cần bẻ hoặc cắt một lá già cắm xuống đất là được. Đặc biệt, cây sống đời còn có khả năng tạo cây con từ kẽ lá các khía của mép lá. Cây cao cỡ 40-60cm, thân tròn, nhẵn, mọng nước, có đốm tía. Lá mọc đối, chéo chữ thập, đơn hoặc 3-4 lá chét dày, mép khía răng cưa tròn.
Hoa có màu đỏ hay vàng cam, rủ xuống trên một cán dài ở ngọn thân hay ở lá bên cạnh. Hoa ra vào tháng 2 đến tháng 5 đúng dịp mùa xuân.
Hoa sống đời có nhiều loại, trong đó thị trường ưa chuộng gồm các loại sau: sống đời ta (bông lồng đèn), sống đời Đà Lạt (bông trổ lồng đèn nhưng lá lớn), sống đời đỏ (bông nhuyễn, đỏ thẫm trổ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán), sống đời 5 màu (bông nhuyễn, 5 màu trổ tập trung vào dịp Tết Nguyên đán)…
Ý nghĩa cây sống đời
Cây sống đời chứa đựng rất nhiều ý nghĩa và có thể đem làm quà tặng vào dịp lễ Tết.
Gia đình: Cầu chúc cho cả gia đình dồi dào sức khỏe và hạnh phúc. Bên cạnh đó nó còn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và tình đoàn kết của các thành viên trong gia đình.
Bạn bè: Mong muốn tình bạn trong sáng và mãi mãi. Nó tượng trưng cho tình bạn chân thành.
Tình yêu: Những bông hoa tuyệt đẹp sẽ mang đến một tình yêu đẹp và ý nghĩa.
Công việc: Sự sinh tồn mãnh liệt mà không đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ của chậu sống đời tượng trưng cho ý chí vươn lên, cổ vũ tinh thần trong công việc.
Công dụng cây sống đời
Sống đời như một loại thuốc kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn rộng, rất tốt cho một số bệnh về đường ruột và rất nhiều bệnh nội, ngoại khoa và các bệnh nhiễm trùng khác, hoàn toàn không có một tác dụng phụ nào.
Cách trồng cây sống đời
- Có 2 phương pháp nhân giống là: Gieo hạt và giâm lá, giâm cành, tách cây con.
+ Gieo hạt: Gieo hạt trực tiếp lên đất. Hạt được mua tại các cửa hàng bán hạt giống cây cảnh. Tuy nhiên, cách nhân giống này mất nhiều thời gian và không phổ biến.
+ Nhân giống vô tính: giâm lá, giâm cành, tách cây con.
Trong quá trình sinh trưởng, lấy lá hoặc cành để trồng. Cây sẽ phát triển và phát triển thành cây con.
- Trồng cây sống đời:
+ Theo luống: Lên luống cao 25-30cm, sau đó tiến hành gieo trồng cây. Nên trồng xen kẽ với cây có tán rộng, tạo bóng râm để tránh phải làm giàn che.
+ Trồng trong chậu: Đất trồng gồm đất + tro trấu + xơ dừa + vôi bột theo tỉ lệ 1:1:1:1. Khi trồng chú ý trồng cây theo hướng Bắc Nam. Bỏ đất vào chậu và trồng cây lên, dùng bình để tưới tạo độ ẩm cho cây phát triển.
Cách chăm sóc cây sống đời
- Tưới nước: Khi cây còn nhỏ tưới 2 lần mỗi ngày vào sáng và chiều mát. Khi cây có 1-2 tầng nhánh thì tưới 1 lần vào sáng sớm.
- Bón phân: Với cây sống đời phải tiến hành bón phân nhiều lần. Nếu lá còn xanh mướt thì không nên bón. Bón phân lần đầu là sau 5 ngày kể từ khi trồng, bón 0,5-1 chén phân chuồng hoai mục + 1-2 muỗng cà phê bánh dầu/giỏ. 15 ngày tiếp theo ngâm bánh dầu và phân NPK vào nước sau đó tưới lên cây, tránh tình trạng tưới lên hoa ảnh hưởng đến quá trình nở hoa.
- Bấm ngọn: Bấm ngọn đúng thời điểm sẽ tạo điều kiện tốt cho cây phát triển, ra nhiều cành, nhiều hoa. Bấm ngọn bằng cách ngắt bỏ 2-3cm trên ngọn của thân chính. Số lần bấm ngọn trên cây sống đời tùy thuộc giống. Thông thường bấm ngọn 2 lần.
- Phòng trừ sâu bệnh: Cây sống đời thường bị các loại sâu bệnh sau đe dọa: rầy mềm, sâu ăn lá, sâu vẽ bừa, bọ trĩ. Nếu thấy cây có biểu hiện của sâu bệnh, dùng Sherzol, Cyper, Ofunack hoặc Confidor để phun. Trồng cây sống đời không quá khó, chỉ với một số kỹ thuật cơ bản, bạn đã có những chậu sống đời đầy hoa đặt trong phòng làm việc hay trang trí sân vườn ban công đều rất đẹp.
Theo Eva/Khám phá