Năm 2018, Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo cho thấy 55% dân số thế giới đang sống ở khu vực thành thị, dự đoán đến năm 2050 tỷ lệ này sẽ đạt 68%. Theo National Geographic, tăng trưởng đô thị làm ô nhiễm không khí, gây nguy hiểm cho quần thể động vật, giảm độ che phủ của cây xanh đô thị và làm tăng khả năng xảy ra thảm họa môi trường như lũ quét. Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đô thị hóa, các nhà thiết kế đang ngày càng ưu tiên tính bền vững và tối ưu hóa không gian sẵn có với một dấu chân sinh thái (footprint) nhỏ hơn.
Đáp ứng mối quan tâm ngày càng tăng về tính bền vững, nội thất trong tương lai sẽ áp dụng các công nghệ mới và giải pháp thông minh hơn để tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải. Một trong số đó là việc chuyển từ các vật liệu năng lượng cao như xi măng, thủy tinh, gạch, và thép sang các phương án thay thế gồm đá, đất nung, bê tông rỗng và gỗ.
Ví dụ, với ngành công nghiệp xi măng, được EIA liệt kê vào năm 2013 là ngành sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất, việc phụ thuộc ít hơn vào vật liệu này sẽ là một bước quan trọng trong định hướng cuộc sống đô thị bền vững. Do đó, nội thất chuyên nghiệp trong tương lai có thể liên quan đến nội thất bằng đất hoặc bằng gỗ nhiều hơn so với những không gian xám lạnh của thép, bê tông và kính hiện đại.
Roquet Coffee Shop / NUA Arquitectures. Image © Jose Hevia
Xem xét những tuyên ngôn phổ biến của nhiều phong trào kiến trúc hiện đại, chúng ta có thể thấy nội thất trong tương lai sẽ mang rõ hơn tính đặc thù của từng địa phương, phù hợp với khí hậu và cảnh quan của từng khu vực địa lý. Không chỉ sử dụng vật liệu địa phương và tiết kiệm chi phí vận chuyển, những phân tích kỹ lưỡng về khí hậu sẽ cho phép các kiến trúc sư thiết kế hệ thống năng lượng mặt trời và làm mát thụ động để giảm nhu cầu sưởi ấm và điều hòa không khí.
Produtora Kana / AR Arquitetos. Image © Pedro Kok
Trong việc thiết kế không gian mới, kiến trúc sư, kỹ sư và công nhân xây dựng có thể ứng dụng Mô hình thông tin xây dựng (BIM) cho việc lập kế hoạch và bám sát từng chi tiết để giảm chi phí, nâng cao tính bền vững và thúc đẩy sự sáng tạo. Song song với BIM, các phần mềm mô phỏng năng lượng cũng giúp các nhà thiết kế bố trí và tận dụng nguồn năng lượng một cách tối ưu.
“Nhờ có những bản vẽ phối cảnh từ công nghệ BIM, các nhà quản lý dự án có thể làm mọi việc chính xác hơn, nhanh hơn với mức chi phí thấp hơn – sử dụng ít tài nguyên hơn. […] BIM đôi khi còn có thể đẩy nhanh tiến độ thi công, nảy ra cho kiến trúc sư những ý tưởng mới giúp dự án có thể đi xa hơn so với kỳ vọng ban đầu.”
Tiến sĩ Kai Oberste-Ufer (trích trong “A Peek Inside BIM’s World Domination – Dormakaba Blog.” EN – Dormakaba Blog, 21 Jan. 2020)
Dự án cải tạo, mô hình BIM. Image © Laimonas Bogusas
Các công trình xây dựng mới có chi phí cao và tác động đến môi trường, nội thất trong tương lai có thể sẽ không chỉ cho các tòa nhà mới mà còn bao gồm các cấu trúc hiện có được trang bị thêm. Ngành công nghiệp này đã phát triển nhanh chóng, với hơn 500 triệu đô la được chi cho việc trang bị thêm trong các khách sạn cũ chỉ riêng năm 2018. Phần lớn sự chuyển đổi này là thông qua việc tích hợp công nghệ toà nhà thông minh.
Đến năm 2050, với công nghệ IoT (internet of things), các thiết bị nội thất được kỳ vọng sẽ tích hợp chung thành một hệ thống thông minh trong nhà. Hệ thống đèn tự bật tắt, vòi nước tự khóa khi không sử dụng hay những thiết bị sưởi ấm/làm mát tự động sẽ vừa nâng cao mức độ hưởng thụ của con người, vừa giúp kiểm soát năng lượng tiêu hao. Công nghệ tự động này cũng có thể bao gồm các hệ thống bảo mật như các khóa và thẻ chìa khóa sẽ được thay thế bằng các công nghệ truy cập di động. Nói cách khác, nội thất của tương lai sẽ “đắm mình” trong các công nghệ mới.
“Nếu trước đây những ngôi nhà chỉ có những thiết bị đo nhiệt độ thì nay đã có thêm những tính năng mới như đo độ ẩm và nồng độ CO2 để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống. Những dữ liệu sinh trắc học cũng góp phần ngăn ngừa những vi phạm an ninh và bảo đảm an toàn trong trường hợp người nhiễm bệnh di chuyển giữa các tòa nhà.”
Ban biên tập dormakaba (trích trong “How to Teach Your Old Building to Become Smart – Dormakaba Blog.” EN – Dormakaba Blog, 2 Dec. 2019)
Quan tâm đến thiên nhiên và công nghệ cũng được thể hiện ở khía cạnh thẩm mỹ với cách tiếp cận tối giản về vật liệu, chi phí, năng lượng, và xu hướng thiết kế xanh (biophilic design). Có lẽ cũng vì thế mà nội thất sẽ có hình thức ngày càng đơn giản, tế nhị mà vẫn đậm sức sống và tinh thần hiện đại. Cùng với đó là những khu vườn thẳng đứng, mái nhà xanh hay cây cối được trồng trong nhà.
Naman Spa / MIA Design Studio. Image © Oki Hiroyuki
Nhà Mái Đỏ / TAA DESIGN. Image © TAA DESIGN
Trong bối cảnh không gian sống đô thị dần trở nên chật chội, thiết kế đô thị ngày càng đổi mới trong việc sử dụng những không gian đa chức năng. Các không gian đơn có thể chứa một nhà bếp, phòng khách và phòng ngủ cùng một lúc thông qua việc tích hợp hiệu quả và tận dụng ánh sáng tự nhiên. Một cách vô cùng sáng tạo chính là sử dụng những bức tường có thể gập lại, cho phép các không gian biến đổi hoàn toàn. Công ty Skyprint đã phát minh ra loại tường cách âm có thể gập lại theo chiều dọc, phù hợp với diện tích và mục đích sử dụng của nhiều không gian khác nhau.
Kết luận lại, nội thất tương lai sẽ có sự thay đổi đáng kể và tập trung vào 3 yếu tố: tính bền vững, công nghệ và hiệu quả không gian. Ba yếu tố không tách rời, tác động qua lại lẫn nhau tạo nên một không gian tổng hòa đầy đủ tiện nghi cho con người.
Lilly Cao (ArchDaily) – Biên dịch: Đức Tùng (Interior Vietnam)