Lễ cúng giao thừa còn gọi là lễ Trừ tịch. Đây là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trong Tết Nguyên Đán. Người Việt tin rằng, mỗi năm sẽ có các vị thần Hành binh, Hành khiến, Phán quan cai quản hạ giới khác nhau. Theo đó, cứ hết một năm, vị Hành khiển cai quản trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển cai quản năm mới. Chính vì thế, các gia đình thường làm 2 mâm cúng là mâm cúng quan thần và mâm cúng gia tiên.
Trong đó, mâm cúng quan thần sẽ được đặt ở ngoài trời nhằm tiễn người nhà trời đã cai quản hạ giới và đón vị mới xuống tiếp tục công việc này nên thường thể hiện lòng thành kính.
Nhiều gia đình hiện nay vẫn còn chưa biết nên thực hiện lễ cúng ngoài trời trước hay trong nhà trước. Theo dân gian, gia chủ cần thực hiện việc cúng bái bên ngoài trời trước khi làm lễ cúng giao thừa trong nhà vì cúng giao thừa là cúng vị chư thiên cai quản năm mới và tiễn chư thiên cai quản năm cũ đi.
Ngoài ra, một điều mà nhiều người cũng băn khoăn nữa là cúng giao thừa vào mấy giờ, cúng giao thừa ngoài trời vào thời điểm nào? Theo các chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành), lễ cúng giao thừa được cử hành vào giờ Tý (từ 23 giờ ngày 30 tết đến 1 giờ mồng 1 tết).
Để tiến hành cúng giao thừa ngoài trời, mâm cúng gồm các lễ vật: hương, đèn/nến, trà, hoa quả, cỗ chay hoặc cỗ mặn tùy theo điều kiện của từng gia đình. Mâm cúng giao thừa ngoài trời không cần quá cầu kì như mâm cúng giao thừa trong nhà nhưng cũng cần chuẩn bị với lòng thành, chế biến sạch sẽ và trình bày gọn gàng.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, vào đúng giờ Tý (23 giờ ngày 30 Tết), các gia đình đặt mâm cúng trước cửa nhà. Đối với những gia đình ở chung cư, đặt mâm cúng ở ban công hoặc tại sảnh lớn của tòa nhà mình ở. Sau khi đặt ngay ngắn mâm cúng, gia chủ tiến hành nghi thức cúng tiễn đưa thần cũ, đón thần mới với hi vọng một năm mới an khang, thịnh vượng.
Ảnh minh họa mâm cúng giao thừa ngoài trời
Mâm cúng giao thừa trong nhà cũng bao gồm những lễ vật như mâm cúng ngoài trời. Ngoài ra còn có mâm ngũ quả, trầu cau, tiền vàng, bánh kẹo, mứt tết. Mâm cỗ mặn sẽ đặt bên dưới bàn thờ hoặc ở bàn khác, không bày lên bàn thờ. Sau khi cung kính bày lễ, đặt xong mâm cúng, người lớn tuổi nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, xúc miệng rượu thơm, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính lễ Giao thừa trong nhà, khấn thần linh và mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu.
"Lễ cúng giao thừa cần hoàn thành trước 1 giờ ngày mùng 1 Tết. Các gia đình nên có sự chuẩn bị lỹ lưỡng để lễ cúng diễn ra thong thả, đúng nghi thức và cùng hướng đến một năm mới Tân Sửu nhiều phúc lộc, bình an" – chuyên gia phong thủy Song Hà cho hay.
Hà My