Hơn 20 năm gắn bó với kiến trúc, KTS Đoàn Thanh Hà (44 tuổi, Hà Nội) luôn hướng tới việc dùng những tác phẩm của mình để khiến cuộc sống của con người trở nên ngày càng tốt hơn. Trong nhiều năm qua, vị KTS này luôn tâm huyết theo đuổi con đường “Kiến trúc vị dân sinh”. Những tác phẩm kiến trúc của anh thường hướng tới nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt, người lao động nghèo, những người những nhu cầu tối thiểu chưa được đáp ứng.

KTS Đoàn Thanh Hà tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2002.

Nhà sáng lập & Kiến trúc sư trưởng tại H&P Architects từ năm 2009.

Đạt nhiều giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.

Một số công trình nổi bật: "Nhà tre nổi" (Floating bamboo house), "Tổ ấm nở hoa" (Blooming Bamboo home), Hang gạch (Brick Cave)...

Với những công trình kiến trúc đặc biệt của mình, KTS Đoàn Thanh Hà đã đạt được một loạt các giải thưởng lớn về kiến trúc như: Giải Turgut Cansever 2020 do Hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) chứng thực; Giải thưởng Kiến trúc lục địa Á Âu 2ACAA 2018, Giải thưởng Quốc tế Reddot Award 2018; Giải thưởng Kiến trúc quốc tế IAA 2018; Giải thưởng Quốc tế Architizer A+ 2018;...

Mới đây Hiệp hội KTS thế giới (UIA) đã công bố những KTS xuất sắc sẽ nhận giải tại Đại hội Kiến trúc sư thế giới tại Copenhagen, Đan Mạch. Trong đó, KTS Đoàn Thanh Hà tiếp tục giành giải thưởng Vassilis Sgoutas cho cụm Công trình kiến trúc được triển khai phục vụ người nghèo.

Xin chào KTS Đoàn Thanh Hà, trải qua hành trình hơn 20 năm gắn bó với kiến trúc, anh cảm thấy như thế nào? Hành trình từ khi bắt đầu cho đến khi trở thành 1 trong những KTS giỏi nhất ở thời điểm hiện tại của anh diễn ra như thế nào, thưa anh?

Tôi thấy mình đã có một khoảng thời gian may mắn, hiện tại tôi có thể cảm nhận mọi thứ ở phía trước rõ ràng hơn, còn khát khao làm kiến trúc thì vẹn nguyên như ngày nào.

Năm 2002 tôi trở thành Kiến trúc sư, trong vòng năm năm sau đó là những thất bại liên tiếp trong những cuộc thi kiến trúc và không khả thi với các dự án tôi được phân công thực hiện.

Năm năm lần thứ hai có sự ghi nhận đầu tiên từ các cuộc thi ý tưởng trong nước và quốc tế, giữa năm 2009 tôi thành lập văn phòng H&P Archietcts cùng với người bạn hồi đại học và tiếp tục tìm kiếm những cơ hội trong thực tế.

Năm năm lần thứ ba chúng tôi bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng ngôi nhà bằng tre cho người dân vùng thiên tai (Tổ ấm nở hoa) sau năm năm ấp ủ và bước đầu diễn giải có hệ thống những suy nghĩ của mình trong quá trình thiết kế.

Năm năm lần thứ tư (gần đây nhất) là sự rõ ràng hơn quan điểm thực hành kiến trúc và tính chất các công trình cũng đa dạng hơn mặc dù có đại dịch Covid trong khoảng này.

Suốt hơn 20 năm ấy là quá trình cố gắng không mệt mỏi của bản thân cùng với sự hướng dẫn, động viên từ người Thầy mà tôi rất kính trọng và sự đồng tâm của những cộng sự trong công việc. Tất nhiên không thể thiếu là sự đồng cảm từ những chủ sử dụng có tầm nhìn.

Được biết, xuyên suốt những năm gắn bó với nghề, anh theo đuổi “Kiến trúc vị dân sinh”. Anh có thể chia sẻ chi tiết một chút về “Kiến trúc vị dân sinh”?

Có thể coi Kiến trúc vị dân sinh là những “Không gian thiết yếu” - những không gian dành cho các hoạt động thuộc ba tầng nhu cầu cơ bản của con người theo tháp nhu cầu Maslow, hướng từ dưới lên. Từ đó hình thành nên các chuỗi dự án tương ứng: Nhu cầu sinh học cá nhân là chuỗi Vườn vệ sinh cho đồng bào nghèo vùng cao; Nhu cầu an sinh là chuỗi Nhà ở nhỏ cho người dân ở vùng bị thiên tai và ở khu vực nông thôn, ngoại vi đô thị; Nhu cầu xã hội là chuỗi Không gian mở thân thiện cho tất cả mọi người ở những khu vực đô thị hóa ngột ngạt.

“Không gian thiết yếu” có ba đặc trưng: Đơn giản ở chỗ thiết kế điển hình hoá, dễ dàng chế tạo, thi công, bảo dưỡng để người dân địa phương cũng có thể hiểu được và thực hiện được. Linh hoạt ở thiết kế cho phép lựa chọn nhiều khả năng khác nhau (trong cách lắp ghép, cách sử dụng, cách phát triển không gian) để thích ứng với những hoàn cảnh, địa điểm cụ thể, phù hợp với những điều kiện, nhu cầu khác nhau của người dân. Chi phí thấp với thiết kế cho phép giảm giá thành xây dựng và chi phí vận hành.

-1690296827413794348588.jpg

Đâu là lý do anh tâm huyết với “Kiến trúc vị dân sinh” đến vậy, thưa anh? Anh nghĩ như thế nào về vai trò của KTS trong việc mang lại các giá trị cho xã hội, thưa anh?

Trái ngược với sự sôi động nhộn nhịp ở các thành phố lớn, hơn 60% dân số Việt Nam vẫn sống ở các vùng nông thôn, dẫn đến sự chênh lệch lớn về điều kiện sống. Đất nước cũng thường xuyên gánh chịu thiên tai, có nghĩa là các cộng đồng lại càng dễ bị tổn thương hơn. Ý thức được điều đó, ngay từ khi thành lập văn phòng kiến trúc, tôi đã rất quan tâm các vấn đề dân sinh xã hội và hướng những thiết kế của mình tới nhóm dân cư chịu nhiều thua thiệt, người lao động nghèo, những đối tượng bị xem là “thấp kém”, không được quan tâm và bị gạt ra bên lề xã hội.

Kiến trúc cần có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và văn hoá - xã hội. Nếu chúng ta khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên hoặc huỷ hoại tự nhiên (như rác thải nhựa chẳng hạn,..) thì chúng ta cần có những chiến lược để khắc phục tình trạng này. Những kiến trúc như vậy được ứng dụng trong thực tế thì sẽ dần tác động ngược trở lại để điều chỉnh hành vi cũng như thói quen thẩm mỹ của người dân theo chiều hướng có lợi cho tự nhiên và cũng chính là môi trường sống của họ trong tương lai.

Là KTS đạt được một loạt giải thưởng kiến trúc tiếng tăm trong nước và quốc tế, anh nghĩ điều gì ở bản thân cũng như các công trình kiến trúc của mình chinh phục được các giải thưởng lớn như vậy?

Với tôi thì kiến trúc vừa là sản phẩm của văn hoá, vừa là yếu tố cấu thành môi trường văn hoá. Kiến trúc còn là môi trường trung gian giữa con người và thiên nhiên, là “tự nhiên thứ hai” do con người tạo ra, là sự giao thoa giữa văn hoá và tự nhiên. Có thể nói ngắn gọn là kiến trúc là kiến tạo cấu trúc theo cách tự nhiên.

Ví dụ: Tổ ấm nở hoa (Blooming bamboo home) là bông hoa tre; Cái hang gạch (Brick cave) là cái hang bằng gạch; Không gian S (S Space) là đám mây và dãy núi đá;..

Có thể những giải thưởng ấy phần nào đồng cảm với quan điểm này.

Trong những công trình kiến trúc của mình, anh có thể chia sẻ một vài những công trình anh cảm thấy ấn tượng nhất?

Ngay lúc này thì tôi nghĩ đến Tổ ấm nở hoa (2008-2013) và Nhà tre nổi (2015-2022). Cả hai đều bằng tre, có mặt bằng hình vuông với diện tích rất nhỏ (36m2). Đều là những dự án thử nghiệm dành cho người dân vùng thiên tai, và có điểm chung là thời gian hiện thực hoá khá lâu, cụ thể là sau 5 năm đề xuất và sau 7 năm đề xuất.

Những vật liệu địa phương, như tre, đất… được anh lựa chọn cho các công trình của mình. Lý do vì sao anh lựa chọn những vật liệu này?

Chúng tôi gọi những vật liệu mình đang dùng hiện nay là Vật liệu thân thiện, gồm 3 dạng: Vật liệu tự nhiên (tre, gỗ, đất, đá,..), Vật liệu truyền thống quen thuộc (gạch, ngói, chum gốm,..) và Vật liệu tái sử dụng (ống thép, chai nhựa,..). Những vật liệu này luôn đem lại cảm giác gần gũi, thân thiện, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên và văn hoá - xã hội, đang góp phần hàn gắn mối quan hệ nhiều sóng gió giữa con người với tự nhiên.

Cách anh dùng, xử lý tre, đất… cho các công trình của mình như thế nào, thưa anh?

Về cách xử lý nguyên vật liệu thì tôi ưu tiên theo truyền thống (ngâm tre dưới bùn ao, sàng đất đều,..), còn trong cách sử dụng vật liệu thì tôi hướng tới sự đổi mới: Từ một đơn nguyên vật liệu nhỏ tạo nên tổng thể lớn (ví dụ từ một thanh tre, một viên ngói, viên gạch,.. tạo nên một ngôi nhà) và dùng theo cách khác biệt, đa dạng (ví dụ viên ngói không chỉ làm mái che mà còn làm tường, làm màng lơ lửng bao quanh nhà,..).

Bằng kinh nghiệm của mình, theo anh, những khó khăn gặp phải khi xây dựng các công trình bằng tre là gì?

Làm việc với tre khó nhất là các mối nối, liên kết.

Với các công trình sử dụng vật liệu địa phương như tre, đất, ngói, … anh có cách nào để thuyết phục gia chủ, những khách hàng của mình lựa chọn vật liệu này?

Tôi chẳng còn cách nào khác ngoài việc cố gắng chứng minh hết cỡ theo những hiểu biết của mình. Khi phân tích điều gì đó, hãy chân thành, trung thực, và luôn ý thức mình đang làm điều tốt nhất cho chủ nhà trên cơ sở suy nghĩ kỹ về những điều họ mong muốn.

-169029682899852023997.jpg

Những tâm huyết và giải pháp kiến trúc nào đã được anh và cộng sự đặt vào các công trình như nhà tre nổi?

Nhà tre nổi là mẫu nhà dành cho người dân ở đồng bằng sông Cửu Long được tôi phác thảo từ 2015. Là kiểu nhà ba gian được dựng lên từ những thanh tầm vông (d=3cm - 4,5cm) dài 3m và 6m, liên kết bằng chốt và dây buộc. Ngôi nhà nổi trên mặt nước nhờ hệ thống thùng phuy bằng nhựa buộc vào dưới sàn, chúng tôi đã tính toán dùng một số thùng để dự trữ nước ngọt, làm bể tự hoại, mái lợp bằng vật liệu nhẹ,.. Tôi tin ngôi nhà sẽ giúp cho hàng triệu gia đình nghèo có thể sớm tạo dựng được chỗ ở ổn định và an toàn, thích ứng với kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu ở Việt Nam là nước biển sẽ dần cao lên 1m: khiến 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập nước, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Vậy không biết mỗi lần nhìn thấy một kiến trúc được hiện thức hóa, cảm xúc của anh ra sao?

Hiện thực hoá công trình kiến trúc là cả một quá trình, ví dụ một ngôi nhà có thể là hàng năm, thậm chí 2 năm. Trong quá trình ấy ngôi nhà sẽ luôn ám ảnh tâm trí người thiết kế và họ sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, thậm chí trái ngược: hồi hộp, lo lắng, tức giận,.. Khi công trình đi vào sử dụng thì cảm giác nhẹ nhõm ùa về, đem theo động lực hứng khởi để chúng tôi tiếp tục những dự án tươi mới trong tương lai.

Theo anh, một công trình kiến trúc hoàn hảo thường phải đáp ứng được những yếu tố gì?

Tôi không tìm kiếm sự hoàn hảo. Bất kỳ kiến trúc nào dù rất nhỏ mà đáp ứng được các hoạt động sống thiết thực cho người sử dụng, cải thiện chất lượng cuộc sống và bù đắp những thiếu hụt về kinh tế, văn hoá - xã hội cho họ, thì đấy là kiến trúc tốt.

-16902968316571706747596.jpg

Cảm hứng cho các công trình của anh thường được lấy từ đâu, thưa anh?

Tôi lấy cảm hứng từ bối cảnh tự nhiên và bối cảnh văn hoá - xã hội nơi công trình hiện hữu. Thực tiễn xã hội luôn chứa đựng nhiều nguyên liệu quý báu cho sáng tác kiến trúc.

Để chia sẻ một vài điều đến các bạn trẻ đang nuôi giấc mơ trở thành 1 KTS, anh sẽ nói điều gì với họ?

Tôi muốn nói về trung thực, kiên nhẫn và đổi mới.

Hãy luôn trung thực với chính mình, với người khác và với môi trường sống, bởi khi thiết kế một công trình bất kỳ thì người KTS cần phải hóa thân thành người sử dụng để có thể tạo ra những không gian có cá tính và thích ứng với môi trường. Trung thực qua cảm xúc và trong cách ứng xử sẽ giúp cậu có thể sống thật với sự thật.

Cũng như tôi, các bạn sẽ vấp ngã rất nhiều nên hãy kiên nhẫn theo đuổi con đường đã chọn để biến những giấc mơ thành những không gian kiến trúc hiện hữu trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ dừng ở mức ý tưởng trên giấy. Do đó, hãy kiên nhẫn với chính mình, kiên nhẫn với hoàn cảnh và vượt qua những tiêu cực từ người khác để luôn sống tích cực.

Làm kiến trúc đương nhiên phải sáng tạo, muốn luôn sáng tạo thì cần phải đổi mới. Nếu bạn muốn đổi mới thì nên biết “quên” những thành tựu, thành công trước đó để không bị lặp lại. Càng nên “ngạc nhiên với những điều hiển nhiên” để luôn tìm thấy nguồn cảm hứng, năng lượng sáng tạo dồi dào trong đời sống hàng ngày, từ đó các bạn sẽ thấy rằng mình hoàn toàn có thể thay đổi thế giới từ chính những điều thiết yếu, giản dị nhất.

-16902968329901536438752.jpg

Anh có thể chia sẻ một chút về những dự định, mục tiêu về các công trình kiến trúc của mình trong tương lai?

Tôi đang nghĩ đến một cái ghế và một không gian thư viện nhỏ mở cho tất cả mọi người.

Cảm ơn những lời chia sẻ của anh!

photo-1-16892183101411099085446-1690081877966-169008187831650315415-1690279487669-169027948777562065665-16902968569591536686880.png

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022