Trong sự phát triển chung của đời sống đô thị, kiến trúc Việt Nam không thể tự biệt lập mà cần hội nhập với kiến trúc thế giới. Sự đa dạng trong phong cách kiến trúc đô thị luôn tự tiếp nhận thêm các yếu tố ngoại nhập. Cần xem xét nghiêm túc sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc “ngoại nhập” như một sự tất yếu của quá trình hội nhập – công nghiệp hóa hiện đại hóa, với một phép thử của xã hội để tiếp thu cái mới, cái hiện đại, cũng như đào thải những “cái xấu – cái ngoại lai” như là một sự đấu tranh tự thân hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ trong kiến trúc.  

mydinhsongda.jpgNhà phố và tháp chung cư cao tầng sử dụng mái giả Mansard tại KĐTM Mỹ Đình Sông Đà (Hà Nội)

Công trình kiến trúc “ngoại nhập” nhiều công – tội

Kiến trúc đô thị luôn có sự song hành giữa bảo tồn cái truyền thống và tiếp thu cái mới trong bối cảnh đô thị hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ. Trong thời gian những năm đầu của thế kỉ 21, nền kiến trúc Việt Nam phát triển hài hòa theo nhịp sống kinh tế xã hội, bên cạnh những công trình kiến trúc mang đậm nét bản địa, còn có các công trình được thiết kế xây dựng mang phong cách “lạ”, có nhiều điểm khác biệt lớn so với với các yếu tố đậm nét bản địa (về đường nét, tỉ lệ thẩm mỹ thay đổi, màu sắc hình khối đối lập theo phong cách của thế giới). Tuy chưa chính thức nhưng nếu đánh giá trên góc độ ngôn ngữ và hình thái kiến trúc, những công trình kiến trúc loại này cũng có thể được xếp vào nhóm những công trình có yếu tố kiến trúc “ngoại nhập”. 

Nhóm công trình có yếu tố kiến trúc ngoại nhập xuất hiện rất phổ biến trong kiến trúc đô thị hiện nay không chỉ ở các khu vực phố thị ven đô (nơi có tốc độ đô thị cao) mà còn được phát triển mạnh tại cả các khu vực đô thị lõi. Các công trình loại này cũng nằm ở nhiều thể loại công trình đa dạng như nhà ở chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng hay các tổ hợp đa chức năng được xây dựng “rầm rộ” tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng cũng như nhiều đô thị khác trên khắp cả nước.

Không thể phủ nhận những đóng góp của các công trình có yếu tố ngoại nhập cho kiến trúc đô thị nói chung và cuộc sống của người dân nói riêng, bởi các loại hình kiến trúc mới, đặc biệt là nhóm công trình dân dụng như: nhà ở cao tầng, các tổ hợp cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… đều là các sản phẩm các kiến trúc sư học tập từ các quốc gia đi trước, được lựa chọn ứng dụng tại Việt Nam giúp cung cấp chỗ ở và tiện nghi sống cho đông đảo người dân, đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, văn minh của đô thị hiện đại.

Loại hình nhà chung cư cao tầng ở Việt Nam đã tiếp thu được cách tổ chức không gian từ khởi thủy ý tưởng ban đầu là chung cư cao tầng Unité d’Habitation (TP Marseille, Pháp) lần đầu được KTS Le Corbusier thiết kế năm 1945 với tuyên ngôn nổi tiếng “Ngôi nhà là cái máy để ở” hay mô hình công nghiệp hóa thi công nhà ở theo công nghệ lắp ghép cùng với các thiết kế quy hoạch và kiến trúc nhà cao tầng từ Liên Xô cũ giai đoạn 1978 – 1980, và các công nghệ chung cư tháp theo kiến trúc và công nghệ Âu Mỹ những năm cuối thế kỷ 20… đã góp phần cung cấp hàng nghìn căn hộ tiêu chuẩn khác nhau phục vụ cho nhu cầu người dân tại các đô thị. Các thể loại công trình khác như tháp văn phòng, siêu thị và trung tâm thể thao, sân vận động, bảo tàng, nhà thi đấu… cũng đều là những công trình đóng góp đáng kể cho việc thay đổi diện mạo kiến trúc, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị. 

Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan và chủ quan, khi bị lạm dụng và áp dụng một cách máy móc khiên cưỡng sẽ trở thành nhóm công trình “ngoại lai” với các đặc điểm chính dễ dàng phát hiện như sau:

– Về nhận diện: Các công trình loại này có phong cách kiến trúc – thẩm mỹ kiến trúc khác biệt, không có nét tương đồng với các công trình kiến trúc “cũ” hiện hữu ở xung quanh (công trình có nhiều nét kiến trúc Việt). “Mức độ” ngoại nhập được thể hiện rất rõ trên bề mặt kiến trúc, mặt tiền công trình như: có nhiều đường nét rườm rà, gờ phào, chi tiết lộn xộn. Nhiều công trình “ngoại lai” là những dị bản do sao chép không đúng với tỉ lệ của một công trình gốc chuẩn mực. Tỷ lệ về mỹ thuật, nhiều chi tiết kiến trúc bị bóp méo, bị phóng to. Hình khối có thể nhỏ nhưng lạm dụng trang trí tạo thành hình ảo, tạo nên quy mô lớn không cần thiết. Các công trình có thể đạt quy mô rất lớn, nhưng chi tiết không hài hòa, tạo hình hình khối đối lập, màu mè. Ý tưởng thiết kế giản đơn, có phần gượng ép vào ý tưởng thiết kế không hoàn toàn như phong cách thiết kế phỏng sinh học.

– Quan hệ với Cảnh quan – Kiến Trúc và môi trường. Các loại này thường bị “phát hiện ra bởi “sự dị biệt” với tổng thể kiến trúc, cho dù công trình thuộc loại hình nào và đặt trong môi trường kiến trúc nông thôn hiện hữu hay không gian đô thị đang hình thành. Các công trình “ngoại lai” thái quá thường có thiết kế không quan tâm tới môi trường bên ngoài và bên trong công trình chạy theo hình bóng vay mượn nên không phù hợp khí hậu Việt Nam, dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng cho chiếu sáng, thông gió, làm mát trong quá trình vận hành sử dụng.

– Về Màu sắc – Chất liệu – Mật độ chi tiết, đối với công trình thấp tầng thường có tỉ trọng chi tiết trên mặt nhà rất lớn, màu sắc lòe loẹt. Các công trình cao tầng thường lựa chọn quy mô đồ sộ, hình khối ngô nghê, phá cách trong một không gian có hình bóng đô thị phát triển hài hòa.

– Về thể loại công trình, có thể nhận thấy tại khu vực các trung tâm đô thị, công trình ngoại lai thường xuất hiện chủ yếu tại các thể loại công trình quy mô lớn, công trình cao tầng có chức năng văn phòng, nhà ở và một số công trình thương mại. Tại các khu vùng ven đô thị, thị trấn, công trình “ngoại nhập” chủ yếu hiện diện trong thể loại công trình nhà ở của gia đình, do ý thức chủ quan của chủ nhà về văn hóa – kiến trúc – hiện đại.

Có thể lý giải nguyên nhân của sự xuất hiện xu hướng này là do sự hồn nhiên về tiêu chí thẩm mỹ thiếu định hình của nhiều chủ đầu tư, hoặc ý kiến chủ quan về cách tạo dấu ấn thông qua giải pháp “sao chép và làm quá” một số chi tiết của người thiết kế. Kiểu kiến trúc “ngoại lai” tạo nên những công trình kiến trúc có dấu ấn thị giác không bình thường, có thể tạo hiệu ứng “sốc thị giác” ban đầu nhưng sẽ là rác kiến trúc của đô thị trong tương lai với nhiều tác động tiêu cực về kiến trúc, cảnh quan, môi trường và tiện nghi sống. Nhiều ví dụ đã được báo chí phản ánh thời gian qua như kiến trúc mái chóp, mái củ hành của các biệt thự ven Hồ Tây, Hà Nội, kiến trúc “nhại Pháp” của các công trình công sở, hay kiến trúc “không giống ai” của đại học Hà Hoa Tiên (Phủ Lý, Hà Nam)… đã cho thấy sự phản ứng – thiếu đồng cảm của đông đảo công chúng và chuyên gia bởi sự phản cảm trong yếu tố thẩm mỹ, tỷ lệ và mật độ hình khối chiếm giữ không gian cảnh quan rất lớn có sự dị biệt về quy luật tạo hình với cảnh quan kiến trúc xung quanh, cũng như chi phí tốn kém cho đầu tư xây dựng các chi tiết rườm rà chỉ đơn thuần phục vụ mục đích trang trí.

Bản chất sự thăng hoa có phần quá mức trong giai đoạn vừa qua của kiến trúc ngoại lai là do sự hiểu biết chưa đúng, chưa đủ của người dân, các nhà đầu tư về văn hóa và thẩm mỹ kiến trúc với nhiều lý do nhận thức, gò ép, chủ quan cá nhân. Cũng không phủ nhận, một phần nguyên nhân đến từ sự cẩu thả, dễ dãi, sính ngoại của kiến trúc sư thiết kế dẫn đến dễ tính cho qua hình thức kiến trúc mất kiểm soát tỷ lệ hình khối tạo nên những công trình lai căng, ngoại lai.

Sự hòa nhập thích nghi cũng như tiếp thu các hình thái kiến trúc mới ở nước ta thời gian qua được đánh giá rất nhanh và mạnh dạn nhưng cần có những nghiên cứu tổng kết và các chính sách quản lý để kiến trúc mới bao gồm cả kiến trúc ngoại nhập là một yếu tố góp phần tạo nên sự phát triển hội nhập về kiến trúc với thế giới, mang đến các giá trị hiện đại về thẩm mỹ kiến trúc và tiện ích sử dụng, chi phí hợp lý cho người dân.

lecorbusier.jpgChung cư cao tầng Unité d’Habitation (TP Marseille, Pháp) lần đầu được Kts Le Corbusier thiết kế năm 1945

Kiến trúc ngoại nhập và định hướng áp dụng thực tiễn

Trong sự phát triển chung của đời sống đô thị, đô thị Việt Nam không thể tự biệt lập mà cần hội nhập với kiến trúc thế giới. Sự đa dạng trong phong cách kiến trúc đô thị luôn tự tiếp nhận thêm các yếu tố ngoại nhập. Cần xem xét nghiêm túc sự xuất hiện của xu hướng kiến trúc ngoại nhập là một sự tất yếu của quá trình hội nhập – công nghiệp hóa hiện đại hóa, với một phép thử của xã hội để tiếp thu cái mới, cái hiện đại, cũng như đào thải những “cái xấu – cái ngoại lai” như là một sự đấu tranh tự thân hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ trong kiến trúc.

Khi yếu tố ngoại lai còn phát triển có nghĩa là vẫn còn nhu cầu cho loại hình công trình này cũng như công chúng còn yêu thích, còn mải mê với hình bóng hoài niệm không rõ ràng, không chuẩn mực lối kiến trúc cổ điển ngày xưa. Cũng cần xem sự xuất hiện những công trình kiến trúc “ngoại nhập” đóng vai trò chất xúc tác, một cú hích để những công trình được thiết kế theo ngôn ngữ truyền thống hay vần luật có động lực để làm mới lạ hơn. Trong xu thế phát triển chung, xã hội luôn cần và chào đón những công trình theo phong cách kiến trúc “ngoại nhập” được đầu tư nghiêm túc, tỉ mỉ, có giá trị sử dụng lâu bền.

Điều cần bàn đó chính là việc nâng cao nhận thức về thẩm mỹ kiến trúc của chủ đầu tư, kiến trúc sư thiết kế và các chủ thể liên quan trong việc thực hiện đầu tư xây dựng thẩm định công trình. Cần nhấn mạnh các yếu tố mới, hiện đại thời kỳ hội nhập nhưng chắc chắn không thể bỏ quên các giá trị kiến trúc truyền thống được ông cha ta đúc kết từ bao đời mang lại các giá trị sống bền vững với môi trường tự nhiên, phong tục tập quán lối sống, môi trường xã hội nhân văn. Ngay từ khâu thiết kế công trình, cần tránh lạm dụng các yếu tố “ngoại nhập”, sùng bái kiến trúc ngoại để xảy ra phong cách “ngoại lai”. Cũng cần khắc phục những hạn chế từ công nghệ xây dựng, lựa chọn các giải pháp kết cấu không gian đơn giản, kinh tế và hợp lý, hạn chế sử dụng những công nghệ đắt tiền, lãng phí, tạo cơ sở cho kiến trúc “ngoại lai” và lai căng phát triển…

Ở các thành phố lớn, rất dễ bắt gặp đâu đó hình ảnh những công trình rất đẹp theo kiến trúc kiểu “nhại Pháp”. “Phong cách châu Âu cổ điển” đã theo thời gian hằn vào tư duy suy nghĩ của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế và không ít công trình được thiết kế thi công có đường nét hoài niệm hao hao đâu đó ở châu Âu và rồi “ngoại lai” là như vậy!

Chính vì vậy, với tổng thể khu đô thị, đứng trước xu hướng kiến trúc mới cần có cái nhìn cởi mở để tiếp thu những khoa học, chọn lựa, tiếp thu cái tốt, loại bỏ sự lai căng học đòi. Để có một cách nhìn khoa học, có cách ứng xử văn minh trên nhiều lĩnh vực bao gồm bản sắc văn hóa, phong cách kiến trúc vùng miền, cần sự đón nhận – kết hợp các “phong cách nhập ngoại” theo một hệ thống trật tự, tránh tình trạng xảy ra đơn chiếc đối lập với tổng thể.

– Về văn hóa đó là sự hiểu biết sâu rộng, nguồn gốc, độ thẩm mỹ những phong cách của công trình kiến trúc mà chúng ta muốn sáng tạo ứng dụng những hình thức biểu tượng, hệ thống các giá trị điểm nhấn.

– Về yếu tố phong cách kiến trúc, các giá trị bản sắc kiến trúc vùng miền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế đi nhầm vào phong cách “kiến trúc ngoại lai” xa lạ. Một vài ví dụ tiêu biểu nhất là số công trình thấp tầng ở các khu phát triển mới của những tỉnh Hòa Bình – Thái Nguyên – Hưng Yên đã thực hiện rất thành công từ việc khai thác có hiệu quả các giá trị kiến trúc vùng miền để tạo lập được “bản sắc và sự hiện đại” cho không gian kiến trúc đô thị.

mansard.jpgKiến trúc công trình cao tầng sử dụng mái “Mansard” của kiến trúc cổ điển châu Âu

Công tác quy hoạch, quản lý cấp phép quy hoạch kiến trúc cũng cần được tăng cường, đặc biệt ở một số loại hình công trình như khu dân cư mới, khu hành chính.. với các định hướng quy hoạch tổ chức không gian hợp lý, phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên, sử dụng hình khối kiến trúc, vật liệu giải pháp thi công phù hợp sẽ giúp hạn chế tối đa phần nào những công trình “kiến trúc ngoại lai” không phù hợp. Quy hoạch khu đô thị với kiến trúc có tính tương đồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng là một trong những giải pháp hạn chế hữu hiệu phong cách kiến trúc “ngoại lai” xâm nhập.

Với các công trình đơn lẻ, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, kiến trúc thịnh hành sao chép những ngôi nhà ở đô thị kiểu dáng dấp “kiến trúc Pháp” mà thực ra là phong cách kiến trúc Đông Dương (đã được xây dựng đầu thế kỷ XX của các thành phố là niềm mơ ước của người dân khi kiến thiết công trình của họ) cần được các kiến trúc sư hướng dẫn thiết kế và thực hiện để sử dụng đúng các thiết kế chuẩn mực theo đúng giá trị tinh thần vốn có thay vì sự cóp nhặt chi tiết, tạo dựng thành một loại hình phong cách ổn định, loại bỏ các tác động tiêu cực đến chất lượng và lối sống, giảm thiểu sự lãng phí trong đầu tư.

Thực chất các công trình mới (bao gồm cả công trình có yếu tố kiến trúc ngoại nhập) có sự phát triển riêng. Điều này đảm bảo được sự tồn tại và sẽ phát triển của kiến trúc trong dòng chảy lịch sử phát triển kiến trúc đô thị – xã hội nhân văn đô thị. Chỉ khi có điều chỉnh hợp lý, chủ động định hướng, mạnh dạn lược bỏ những phần thừa thãi và tạo ra nhịp điệu cho phong cách này, tính ngoại lai – lai căng sẽ không còn là vấn đề xã hội bức xúc mà trở nên hài hòa, tạo nên một dòng phong cách riêng phát triển đúng với mục tiêu chung của đô thị. /.

KTS Cao Xuân Hoàng - Khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Hà Nội  (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022