Đây là thông điệp được đề cập tại Diễn dàn Kiến trúc và Phát triển sáng tạo-FACE 2017, trong khuôn khổ Liên hoan Kiến trúc sư trẻ toàn quốc lần thứ VII tại Thái Nguyên (ngày 03/11). FACE là diễn đàn để kiến trúc trẻ chia sẻ và đối thoại về những xu hướng mới. Một (trong hai) chủ đề được đề cập tại FACE 2017 là hội nhập và hành nghề quốc tế.
Muốn hòa nhập quốc tế, hãy là người quốc tế
GK Archi là một công ty kiến trúc của Việt Nam. Từ năm 2011, GK Archi bắt đầu phát triển ra thị trường Myanmar. Đến nay, GK Archi được biết đến là Cty có diện tích thiết kế sàn lớn nhất Myanmar và ghi danh với nhiều công trình kiến trúc lớn ở đất nước này. Điển hình, công trình Atrium do GK Archi thiết kế tại Myanmar được tờ PropertyReport xếp hạng Top 5 công trình kiến trúc đầu tư hấp dẫn của châu Á. Hiện GK Archi đang tiếp tục mở rộng địa bàn và chinh phục thị trường Bangladesh, Mông Cổ.
Từ thực tế triển khai thành công các dự án tại Myanmar, KTS Nguyễn Trung Kiên - Tổng giám đốc, đồng sáng lập GK Archi - đã chia sẻ với các KTS trẻ về vấn đề cạnh tranh và khẳng định mình trong môi trường quốc tế. Theo KTS Kiên, muốn hòa nhập quốc tế, hãy là người quốc tế. Trong hành trang cạnh tranh, trước tiên, KTS phải hoàn thiện công cụ giao tiếp đó là ngoại ngữ cho bản thân và DN của mình. KTS phải trang bị kiến thức cơ bản về ngôn ngữ kiến trúc quốc tế, có phong cách độc lập, tự tin, bản lĩnh, dấn thân, dám nghĩ dám làm. DN hình thành tư duy chiến lược và tầm nhìn lớn, phong cách chuyên nghiệp hơn, tổ chức tốt hơn để thích nghi.
Chìa khóa cạnh tranh chính là KTS cần nghiên cứu kỹ thị trường với các số liệu thống kê, đồng thời phải tìm hiểu văn hóa, phong tục tập quán, quy định và luật lệ địa phương. Đặc biệt, KTS cần tăng cường hợp tác và nghiên cứu quốc tế. Cụ thể, KTS và doanh nghiệp của mình phải hợp tác với các đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài để học tập và chia sẻ kinh nghiệm; hợp tác thực hiện dự án với các văn phòng kiến trúc bản địa; thực hiện nghiên cứu các dự án xã hội mang tính quốc tế tại thị trường bản địa và quốc tế.
Ngoài ra, để khẳng định thương hiệu Việt Nam - KTS Việt Nam, KTS hãy tích cực tham gia các cuộc thi tuyển thiết kế quốc tế, tham gia các sự kiện ngành nghề mở rộng mối quan hệ quốc tế, tham dự các diễn đàn nghề nghiệp trong và ngoài nước…
Kết hợp kinh nghiệm bản địa và công nghệ hiện đại là giải pháp tốt
Cũng đặt vấn đề trong bối cảnh hội nhập quốc tế, song KTS Nguyễn Quốc Tuân - Ủy viên Ban Kiến trúc xanh và bền vững châu Á, thì đề cập đến một vấn đề khác. Đó là toàn cầu hóa ngày càng lan rộng trên nhiều lĩnh vực. Công nghệ thiết kế, thi công được giới thiệu và nhân rộng, cùng sự thâm nhập của các hãng thiết kế quốc tế đã làm nhân bản những kiến trúc có “nhận dạng” giống nhau, những thành phố có nội dung và hình thức mô phỏng giống nhau. Sao chép kiến trúc dần trở nên tiêu cực, trở thành vấn nạn toàn cầu của sự đánh mất bản sắc, đặc biệt tại châu Á, nơi đi sau về công nghệ. Trong bối cảnh nói trên, hướng đi nào phù hợp cho Việt Nam? Phát triển công nghệ mới hay trở lại với sự thông thái bản địa?
Theo nghiên cứu, kiến trúc bản địa của châu Á vốn rất “xanh” vì ngày xưa con người buộc phải thích ứng với môi trường xung quanh. Quan hệ giữa con người với môi trường rất hài hòa. Hệ thống không gian được tích tụ trong đó những kinh nghiệm tập thể truyền đời. Hơn thế, sự thông thái dân gian được truyền qua nhiều thế hệ và liên tục được chỉnh sửa và hoàn thiện. Nhờ thế, công trình có thể tự tồn tại mà không cần tiêu tốn quá nhiều tài nguyên, không tạo áp lực cho môi trường sống xung quanh.
Dẫn nguồn các nghiên cứu quốc tế trong việc so sánh các công nghệ và tiêu chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng hiện đại với kiến trúc bản địa, KTS Tuân cho biết, 38% nhà truyền thống tiết kiệm năng lượng làm mát hơn so với nhà áp dụng tiêu chuẩn quốc tế bảo tồn năng lượng IECC; 29% nhà truyền thống tiết kiệm năng lượng sưởi ấm hơn, nếu tính trên năng lượng tổng thể…
Theo KTS Nguyễn Quốc Tuân, kết hợp các kinh nghiệm bản địa và công nghệ thiết kế, xây dựng hiện đại là giải pháp tốt nhất để đạt được các mô hình phát triển bền vững.
Về giải pháp vi khí hậu, đó là thông gió tự nhiên xuyên phòng, luồn dưới mái, mở giếng trời; tường 2 lớp ngăn nắng nhưng vẫn cho phép gió luồn qua; tạo nhiều khoảng mở liên thông, có mái che; phân tách không gian, tổ chức khối nhà thích ứng với khí hậu tốt.
Giải pháp về vật liệu và kỹ thuật, đó là sử dụng vật liệu địa phương, khai thác dễ dàng, có thể tái tạo trong môi trường tự nhiên; Áp dụng tinh hoa từ kỹ thuật xây dựng truyền thống để công trình mang hơi thở bản địa song vẫn bảo đảm tiện nghi và chức năng hiện đại; Kết hợp hợp lý giữa công nghệ mới và vật liệu truyền thống để tạo ra công trình mang hơi thở thời đại song vẫn tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp.
Giải pháp về tích hợp văn hóa bản địa, đó là phối hợp vật liệu, hình thức kiến trúc hòa nhập bối cảnh mang bản sắc Việt; Phối hợp vật liệu, hình thức kiến trúc trong tổ chức không gian, trong hình thức kiến trúc mặt đứng mang bản sắc Việt; Phối hợp vật liệu, hình thức, màu sắc trong nội thất chuyền tải văn hóa bản địa.
KTS Nguyễn Quốc Tuân nhận định: Tuy công nghệ ngày nay càng ngày càng mạnh nhưng tài nguyên mỗi năm lại một cạn kiệt đi nên quy mô phát triển luôn có giới hạn và chưa bao giờ đạt được sự tăng trưởng bền vững. Chúng ta nên quay trở lại với thứ mà chúng ta đã bỏ quên để chạy theo công nghệ, đó là kinh nghiệm bản địa. Hơn lúc nào, con người càng phải thông thái hơn để có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất dẫn tới tương lai tươi sáng và bền vững…
Đồng tình với quan điểm trên, KTS Hoàng Thúc Hào, người rất thành công trong việc thiết kế các công trình kiến trúc mang bản sắc bản địa và đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, cũng khẳng định một lần nữa, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và xuất khẩu kiến trúc, việc song hành công nghệ thiết kế, xây dựng hiện đại và kinh nghiệm bản địa là điều cần thiết.
Hòa Bình(Báo Xây dựng)