Mỗi sáng, hệ thống tạo ẩm cho khu vườn trong nhà của anh Phú Tuệ Tri, ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm lại tự động phun sương khắp nơi. Những cây chuối, hồng môn trắng, hồng; những lá trầu bà dài rộng cả mét; các bụi dây leo, cho tới dương xỉ, ổ rồng... tắm trong làn sương và nắng sớm, cho cảm giác hệt như lạc vào một khu rừng nhiệt đới.
"Từ khi có vườn, sáng nào tôi cũng dành thời gian để ngắm. Vui nhất là lúc phát hiện ra một lá non", anh Tri, nhiếp ảnh gia 35 tuổi, chia sẻ.
Là một người mê cây cối, ah Tri đã đặt chân khắp các vùng rừng núi ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới. Đôi chân mê xê dịch ấy phải dừng lại một chỗ vì Covid-19. Đầu năm nay, anh biết tới cộng đồng chơi các loại cây trong nhà và nhanh chóng "nghiện".
"Ban đầu tôi nhắm đến trầu bà lá xẻ, loại cây ai cũng mê khi mới chơi kiểng lá. Khi có rồi, lại biết nó còn có màu vàng, trắng, mint... rồi các dòng như Philodendron, Caladium, Anthurium, Alocasia... Thế là bao nhiêu tiền dành dụm để cưới vợ, mua xe, xây nhà, tôi đổ hết vào cây", anh nói.
Tháng 6/2021, anh quyết định chuyển từ TP HCM về quê Phan Rang - Tháp Chàm định cư. Trong ngôi nhà cấp bốn đã sửa sang, anh bố trí một góc làm vườn tập trung các loại cây trong nhà. Hiện không đếm xuể số cây anh sở hữu. "Nó thực sự đã giống một khu rừng", nhiếp ảnh gia người Chăm nói.
Một sáng chăm sóc vườn của Phú Tuệ Tri, ở Ninh Thuận, tháng 3/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhìn từ trên cao, khu vườn trong nhà của Định Hàn, ở thành phố Phan Rang, cho cảm giác như lạc vào rừng rậm trong các bộ phim viễn tưởng. Không gian rộng 170 m2 được phủ kín bằng những cây sạ cao vài mét, những loài kiểng lá rậm rạp che phủ hết bức tường xi măng và thác nước róc rách suốt ngày đêm, với tiếng chim thánh thót.
Định Hàn là một dân chơi kiểng lá có tiếng ở Việt Nam với bộ sưu tập bạc tỷ. Khi xây nhà hơn một năm trước, anh quyết định làm một rừng rậm nhiệt đới với các chậu cây độc lạ của mình. Chàng trai 29 tuổi tự mày mò, lên ý tưởng và thi công trong suốt 8 tháng. Khu vườn hình thành đã gây "choáng" trên các cộng đồng cây cảnh.
Định Hàn mang cả rừng rậm và thác nước vào nhà mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại TP HCM, nhà thiết kế nội thất Will Trần, 37 tuổi thậm chí đưa rừng vào... phòng ngủ. "Tôi muốn mỗi sáng mở mắt ra là thấy cây", anh nói.
Trong phòng ngủ chừng 10 m2, anh bố trí cây thành hai khu. Mảng tường trên đầu giường đặt các cây Platycerium, Philodendron dạng dây leo để có thể hấp thụ nắng chiều. Khu vực cuối giường tập trung các dòng Anthurium, Monsteria ... và sắp xếp bố cục theo dạng tầng để các cây đều có đủ không gian phát triển. Khu vực này hơi ít nắng nên anh bổ sung thêm đèn và máy cấp ẩm.
Anh Will Trần kể, nhiều người thắc mắc việc anh đưa cây vào phòng ngủ gây ngạt khi ngủ không vì thông thường cây xanh sẽ hô hấp vào ban đêm (hút oxy, nhả CO2). "Khi chọn cây đặt phòng ngủ, tôi dùng một số loại cây có quá trình quang hợp ngược, tức hút CO2, nhả oxy vào ban đêm, điển hình dòng lưỡi hổ", anh giải thích. Tuy nhiên, anh cũng khuyến cáo mọi người nên chọn cây kích thước nhỏ, để cây tập trung cách xa vị trí đầu người ngủ tối thiểu hai mét và mở cửa sổ ban đêm nếu trời mát hoặc dung điều hoà lọc không khí buổi tối.
Phong trào đưa rừng nhiệt đới vào nhà đã xuất hiện trong giới trẻ tại các thành phố lớn khoảng hơn một năm qua. "Phong cách rừng nhiệt đới mô phỏng bố cục và nhiều lớp của rừng rậm Amazon và phối nhiều cây với nhau, có cây tầm cao, tầm trung, tầm thấp, cây leo, cây bụi, cây rủ; các loại dây rừng, rong rêu...", anh Thế Vương, người sáng lập một đơn vị thi công cảnh quan ở TP HCM, cho hay.
Có nhiều phong cách cây trong nhà khác nhau như hồ cá koi, vườn Nhật, bể bán cạn... Dù mới xuất hiện, phong cách rừng nhiệt đới được nhiều người ưa chuộng và chiếm khoảng 20% các công trình anh Vương thực hiện.
Trong vài chục rừng nhiệt đới đã thi công năm qua, anh Vương dành nhiều tâm huyết nhất cho một công trình sắp hoàn thành tại đảo Kim Cương, quận 2. Nhìn ảnh và video, mọi người đều nghĩ đây là một quán cà phê hay văn phòng, song thực chất lại là nhà riêng. Gia chủ đã làm một khu rừng dài 12 mét, cao trên 6 mét nằm ở hành lang hai căn chung cư của mình. Khu vườn sử dụng cả trăm loài cây khác nhau, với nhiều tầng, nhiều lớp, cho cảm giác sâu hun hút. Chỉ riêng chi phí cho cây đã vài trăm triệu đồng.
Công trình cho khách hàng ở quận 2 mà anh Thế Vương thi công.
Kiến trúc sư Nguyễn Bá Thiệu, TP HCM cho biết, thị trường bất động sản tăng khiến việc sở hữu một khu vườn ngoài trời trở nên quá sức với nhiều người. Trong khi vì ảnh hưởng của đại dịch nên con người ở nhà nhiều hơn, quan tâm tới không gian sống hơn, nên đã mang những mảng xanh vào nhà. Trung bình anh Thiệu nhận khoảng 10 công trình theo phong cách rừng nhiệt đới mỗi năm.
Một khu vườn mang phong cách rừng nhiệt đới thường sử dụng chính các loài kiểng lá, dứa Nam Mỹ, kết hợp thêm các loại rong rêu, phong lan hay dương xỉ ở Việt Nam cũng rất đẹp và tiết kiệm chi phí.
"Một khu vườn diện tích 20-30 m2, nếu sử dụng cây bình dân thì chi phí khoảng 40 triệu đồng, nhưng nếu dùng các cây độc lạ, chi phí sẽ tăng lên đến vô cùng", anh Thiệu nói.
Khu rừng nhiệt đới dài hơn chục mét, cao 6 mét, được tạo nên giữa lối đi hai căn chung cư ở quận 2. Ảnh: Thế Vương
Thiết kế nhà hiện tại đều có khuynh hướng tạo nên một vài điểm nhấn xanh trong nhà, đặc biệt các loài kiểng lá không cần quá nhiều ánh sáng, sẽ mang lại không gian xanh sạch, thanh lọc không khí lại trang trí đẹp và sang trọng cho nội thất. "Đây đang và sẽ là xu hướng của tương lai, khi con người mong muốn mang thiên nhiên vào không gian sống nhiều nhất có thể", kiến trúc sư Thiệu nói.
Anh cho biết thêm, khoa học hiện đại đã chứng minh cây trong nhà giống như một máy lọc không khí tự nhiên. Ban ngày, cây cối tạo ra lượng oxy bổ sung và giảm lượng khí độc như CO2, CO và các chất độc tự nhiên như benzen và formaldehyde... Một số loại cây giúp chúng ta giảm tiếp xúc với bức xạ điện từ, ngay cả trong phòng ngủ.
Là những người yêu thiên nhiên, nên lý do anh Tuệ Tri, Định Hàn, Trần Lợi hay Phát Will làm rừng trong nhà còn vì lẽ họ sử dụng chính các loài kiểng lá - đa phần đều do con người nhân giống, lai tạo, cấy mô với số lượng lớn. Với họ, chơi kiểng lá cũng là cách để bảo vệ thiên nhiên, tránh nạn khai thác, chặt phá rừng của một số thú chơi cây cảnh khác.
Xem thêm ảnh những khu rừng trong nhà:
Phan Dương