Hẳn ai cũng nghĩ việc cải tạo một căn phòng không hề khó, nhất là khi đã tính toán, thiết kế sẵn những thứ cần thay đổi trong đầu từ trước. Thế nhưng, cuộc sống đôi khi không hề suôn sẻ như kì vọng mà sẽ có những “trái đắng” không ai ngờ tới.
Ví dụ như Hương - cô nàng nhân viên văn phòng tại Hà Nội, vừa hí hửng vì nâng cấp, thay đổi toàn bộ sàn và đồ dùng trong phòng tắm được mấy hôm mà đã thấy hối hận chỉ vì một lỗi cực kì cơ bản trong khâu chọn gạch lát sàn.
Trước đây, phòng tắm của cô nàng dùng những viên gạch hoa kiểu cũ trông xấu xí, bề mặt có gờ lồi lõm lên dễ dính cặn bẩn sau khi tắm mà lại khó làm sạch. Vì thế nên khi cải tạo phòng, cô quyết tâm mua được món gạch màu sắc sáng sủa, đẹp mắt hơn và quan trọng là loại phẳng, chỉ hơi nhám chút để dùng cho sạch.
Hứng thú vì mua được màu gạch đẹp mắt, ưng ý để nhận lại "trái đắng" vì sàn giờ quá trơn, hơi tí là trượt ngã. (Ảnh NVCC)
Thế nhưng, ngay ngày đầu tiên sử dụng phòng tắm mới, cô nàng đã cảm thấy không ổn vì liên tục... trượt chân. Đến ngày thứ 2 thì Hương đã không thể chịu nổi sau khi ngã liền một lúc 3 lần khi đang tắm vì sàn vừa ướt vừa dính xà phòng.
Làm sao để tránh trượt chân ngã trong phòng tắm?
Ngoài việc…. thay hẳn sang loại gạch lát chống trơn trượt, chị em có thể tham khảo một số sản phẩm để hạn chế bị ngã trong phòng tắm. Trong số này, phổ biến nhất là các loại thảm chống trơn, dép chống trơn với giá chỉ khoảng vài chục nghìn đồng. Tuy nhiên, chất lượng thì vẫn khá “hên xui” và có nhiều vấn đề khác nảy sinh khi sử dụng.
Lựa chọn đang được nhiều người tìm mua là những miếng thảm nhựa chống trơn như thế này.
Chị em có thể mua loại cỡ lớn, hoặc nếu phòng tắm nhỏ thì nên mua miếng nhỏ về lắp ráp với giá chỉ khoảng 20.000 đồng/miếng.
Những loại thảm này chống trơn rất tốt nhưng điểm yếu là dùng lâu sẽ tích tụ cặn bẩn, rêu mốc ở dưới.
Lựa chọn khác ngoài thảm là những đôi dép chống trơn trượt thế này, giá khoảng 100.000đ/đôi. Thiết kế đế bằng nhựa hoặc cao su lỗi lõm để tăng ma sát với sàn nhà. Một số loại còn có tác dụng mát xa lòng bàn chân khi sử dụng.
Dép chống trơn có ưu điểm là đẹp, đi lên chân rất thích mà lại không ảnh hưởng tới thẩm mỹ căn phòng. Tuy nhiên, chị em cũng lưu ý cần cọ rửa thường xuyên nếu không muốn cặn bẩn, rêu mốc bám lên dép.
Giải pháp thứ 3 là những miếng dán chống trơn, dán trực tiếp lên sàn nhà, bồn tắm... Lớp keo chống nước và bề mặt cao su nhám sẽ giúp chị em đứng vững vàng không lo ngã.
Sản phẩm này có giá khá rẻ, chỉ khoảng 50.000đ cho 1 gói 12 miếng dài khoảng 20cm. Chị em nếu mua nhớ đặt nhiều một chút phòng khi băng dính bong tróc khi đang dùng.
Tất nhiên, những cách trên về cơ bản vẫn chỉ là phương án tạm thời, khó mà dùng lâu dài được. Vì thế, chị em tốt nhất nên lát lại với những loại gạch có bề mặt chống trơn trượt thật tốt.