Mới đây, thông tin Ngô Hoàng Anh, người trẻ nhất trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam bị tố "gạ tình" nữ sinh trung học gây xôn xao mạng xã hội. Vụ việc nổi lên chỉ một ngày sau khi danh sách Forbes Under 30 được công bố.
Cộng đồng cựu học sinh bức xúc, nhà trường xin lỗi
Ngô Hoàng Anh là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) và hiện đang học tại Đại học École Polytechnique (Pháp).
Việc Ngô Hoàng Anh được vinh danh trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam đã gây ra bức xúc trong cộng đồng cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu khi trong quá khứ, Hoàng Anh nhiều lần bị tố quấy rối qua tin nhắn.
Ngô Hoàng Anh, Ngô Hoàng Anh, người được Forbes Việt Nam vinh danh tại hạng mục Under 30 bị tố quấy rối tình dục (Ảnh chụp màn hình).Sự việc bắt đầu vào ngày 29/2/2020 khi K.N (cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu, hiện đang là du học sinh tại Anh) đăng bài viết tố cáo Ngô Hoàng Anh.
K.N cho rằng Hoàng Anh đã có hành vi quấy rối và gạ gẫm cô chat sex, cởi một phần quần áo, dù cô đã luôn từ chối. Cuộc hội thoại giữa hai người cũng được K.N đính kèm trong bài đăng.
Sau đó một thời gian, các bạn nữ khác cũng bắt đầu lên tiếng. Một tài khoản mạng xã hội đã tổng hợp và đăng tải thêm bằng chứng về các nữ sinh khác cũng bị quấy rối.
Bài viết tung các tin nhắn tố cáo của các nữ sinh bị quấy rối (Ảnh: FBNV).
Ngày 16/2, câu chuyện một lần nữa gây xôn xao mạng xã hội khi Ngô Hoàng Anh có mặt trong danh sách Forbes Under 30 Việt Nam. Bài đăng của trường Phổ thông Năng khiếu nhận lại nhiều phản ứng "phẫn nộ" khi chia sẻ về thông tin trên. Sáng 17/2, fanpage Forbes Vietnam đăng bài thông báo sẽ tìm hiểu rõ ràng về sự việc. Thông tin của Hoàng Anh cũng đã biến mất vài tiếng, sau đó lại xuất hiện trên trang chủ của Forbes.
Sáng 19/2, sau khi fanpage chính thức của trường Phổ thông Năng khiếu đăng tải thư ngỏ nêu những quan điểm của trường xung quanh vụ việc, TS Trần Nam Dũng - Phó hiệu trưởng nhà trường cũng gửi thư đến các cựu học sinh, bày tỏ quan điểm và nhận thiếu sót liên quan đến sự việc của cựu học sinh Ngô Hoàng Anh.
Thư ngỏ từ Trường Phổ thông Năng khiếu (Ảnh: Fanpage Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP. HCM)Hiện tại, sự việc vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Người liên quan là Ngô Hoàng Anh đã khóa tài khoản Facebook cá nhân.
Giao tiếp trên mạng sao cho lịch sự?
Trao đổi với PV Dân trí về vụ việc trên, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh, giảng viên kỹ năng mềm, PGĐ Kỹ năng và Truyền thông, hệ thống Trung tâm ATC cho biết, sự chia sẻ và trò chuyện trên mạng xã hội sẽ lịch sự hơn khi các bạn trẻ xác định được mối quan hệ của mình và đối phương. Khi nắm rõ vai trò, chúng ta sẽ biết nên sử dụng những ngôn từ, nội dung phù hợp với cuộc hội thoại.
Ths. Đinh Văn Thịnh đưa ra lời khuyên: Trong môi trường Internet, người trẻ cần tỉnh táo, cẩn thận và cân nhắc thật kỹ khi đề cập đến những ngôn từ gợi dục hay hình ảnh khiêu dâm. Khi sử dụng mạng xã hội, chỉ nên kết bạn và trò chuyện với người quen, tránh việc tiếp xúc với người lạ.
Theo Ths. Thịnh, các thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội hạn chế để chế độ công khai. Các bạn nữ tránh đăng ảnh sexy hay ngôn từ "thả thính" vì như vậy vô tình làm thu hút các đối tượng quấy rối (Ảnh: NVCC).Cách đáp trả những tin nhắn gạ tình kém duyên
Theo Thạc sĩ Đinh Văn Thịnh, cách để đáp trả quyết liệt những tin nhắn gạ tình kém duyên có thể kể tới là hủy kết bạn và chặn tin nhắn đối phương gửi. Phương pháp này dành cho những người lần đầu quen biết trên môi trường mạng.
Đối với những quan hệ đã biết trước đó, người trẻ có thể nói với đối phương là chủ đề đang nhắc tới không phù hợp, nếu tiếp tục đề cập và sử dụng câu từ không hay thì cuộc trò chuyện sẽ kết thúc tại đây.
Bên cạnh đó, khi thấy cuộc trò chuyện đang rẽ vào hướng sexting, cần thể hiện quan điểm không đồng ý để đối phương dừng lại, tránh im lặng vì im lặng vô tình làm đối phương hiểu lầm là mình đồng ý.
Việc bản thân chưa đồng ý sexting, mà đối phương tiếp tục sexting thì đây chính là một hình thức quấy rối tình dục (Ảnh: Unsplash)."Các bạn trẻ có thể nói với người gửi rằng, những dòng tin nhắn "gạ tình" này có thể sẽ được chụp lại, hoặc ai đó sẽ đánh cắp thông tin khi bị mất điện thoại… Chính vì vậy, chúng ta nên nói chuyện với nhau tử tế và lịch sự, còn những vấn đề khác sẽ được trao đổi thêm khi chúng ta gặp trực tiếp và có nhiều thời gian tìm hiểu về nhau hơn.
Ngoài ra, khi bạn trẻ tiếp xúc với người lớn tuổi hơn, việc bạn chưa đồng ý sexting mà đối phương chủ động khơi gợi và tự ý gửi hình ảnh và ngôn từ mang tính gợi dục sẽ là một hình thức quấy rối tình dục. Nếu bản thân không có cách nào đáp trả, các bạn đừng sợ hãi vì bên cạnh còn rất nhiều nguồn lực hỗ trợ. Trong trường hợp này, cần thông báo đến những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô… để có sự đồng hành và giúp đỡ kịp thời", Ths. Đinh Văn Thịnh chia sẻ.
Khi bị quấy rối, cần thông báo đến những người tin cậy để được hỗ trợ (Ảnh: iStock)
Một vấn đề khác cần phải nhắc tới trong câu chuyện kể trên, đó là những người lên tiếng cáo buộc đa phần đều là học sinh THPT.
Tại Việt Nam, hành vi dụ dỗ trẻ em dưới 16 tuổi bằng hình thức quấy rối tình dục qua tin nhắn chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật chỉ nhắc tới các hành vi vi phạm liên quan tới tình dục bao gồm: hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em.
Bản thân hành vi quấy rối tình dục cũng chưa được bổ sung vào Bộ luật Hình sự. Trong một số trường hợp, hành vi nhắn tin quấy rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.