Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2015-2016 môn Ngữ Văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang sáng 19/3 có sự xuất hiện của Đỗ Nhật Nam - "thần đồng tiếng Anh" được rất nhiều người nể phục.
Cụ thể, Nhật Nam xuất hiện trong câu NLXH 8 điểm (theo thang điểm 20): "Trong một lần trả lời phỏng vấn, du học sinh Đỗ Nhật Nam từng chia sẻ: 'Tiếng Anh giúp em đi xa, tiếng Việt giúp em về gần". Câu nói của Đỗ Nhật Nam gợi cho anh chị suy nghĩ gì? Hãy viết một bài văn để bày tỏ quan điểm của bản thân xoay quanh vấn đề trên".
Đề thi HSG tỉnh môn Ngữ Văn có sự xuất hiện của Đỗ Nhật Nam.
Đề thi được nhiều người đánh giá hay. Câu nói của nhân vật thể hiện quan điểm về tầm quan trọng của tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập (vì nó là ngôn ngữ quốc tế phổ biến) nhưng đồng thời nhắn nhủ không được quên tiếng mẹ đẻ - nguồn cội của dân tộc.
Bạn Hạ Vy (học sinh lớp 11) cảm nhận: "Đây là một đề thi NLXH để học sinh có cơ hội thể hiện suy nghĩ về việc giá trị, tầm quan trọng của việc học tiếng Anh. Qua đó nâng cao được ý thức trong việc học và có phương pháp học hiệu quả. Mình thích khi nhân vật so sánh nó với Tiếng Việt để truyền tải thông điệp dù học nhiều ngôn ngữ đến thế nào đi chăng nữa thì tiếng mẹ đẻ vẫn luôn là ngôn ngữ ấm áp và thân thương nhất".
Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Văn THPT Bùi Thị Xuân TP HCM) nhận xét câu trả lời phỏng vấn của thần đồng Nhật Nam gợi nhiều suy nghĩ, rất phù hợp để ra đề Văn. "Trong xu thế học sinh Việt Nam ngày càng coi trọng ngoại ngữ mà quên đi việc trau dồi tiếng mẹ đẻ và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tôi nhận thấy đề bài này có tính giáo dục cao, giúp học sinh nhận thức lại về tầm quan trong của ngoại ngữ và tầm quan trọng của tiếng nói dân tộc. Từ đó có sự cân bằng trong việc học ngoại ngữ và tiếng Việt. Mỗi học sinh qua đề văn này sẽ thấy rằng 'Ôi tiếng Việt suốt đời ta mắc nợ' (thơ Lưu Quang Vũ)... Đây là một đề văn thú vị", thầy giáo nói.
Cô Thu Hà (giáo viên Văn trường THPT Trần Cao Vân TP HCM) nhận xét đề bài mang tính thiết thực, gắn liền với nhịp sống hiện đại. "Thứ nhất, câu nói của nhân vật thể hiện quan điểm học tiếng Anh là nhu cầu thiết yếu và cần thiết trong cuộc sống hiện nay. 'Đi xa' ở đây có thể hiểu là nhận thức, hiểu biết. Còn tiếng Việt giúp 'em về gần' chính là là cội nguồn dân tộc. Dù có đi đâu, sử dụng bao nhiêu ngôn ngữ thì tiếng mẹ đẻ là thiêng liêng nhất".
Cô Thu Hà giải thích thêm: "Bản thân tôi từng gặp nhiều trường hợp học sinh lạm dụng quá nhiều từ tiếng Anh trong cả văn nói và viết nên làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Giữ gìn và phát huy ngôn ngữ của dân tộc cũng chính là biểu hiện của lòng yêu nước".
Đỗ Nhật Nam (sinh năm 2001) là cái tên không còn xa lạ với nhiều người Việt Nam. Cậu bạn được gọi là "thần đồng tiếng Anh" khi sử dụng lưu loát ngôn ngữ này và có bảng thành tích khiến nhiều người lớn phải nể phục: Điểm tuyệt đối trong các kỳ thi của Đại học Cambridge: Starter, Movers, Flyers ( 15/15); Thi TOEIC đạt 940/990 điểm (năm học lớp 2); Thi TOEFLT ITP đạt 617 điểm (năm học lớp 2); Thi IELTS đạt 8.0 với điểm reading đạt tuyệt đối: 9.0 (năm học lớp 5)... Năm 2014, Đỗ Nhật Nam trở thành Tổng biên tập tờ Creative Melange; Giải Nhất hạng mục khối lớp 7tại cuộc thi English Champion 2014; Đại diện cho châu Á tham dự hội nghị với chủ đề Khoa học về nụ cười tại Mỹ.
Thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Nhật Nam còn là dịch giả của nhiều cuốn sách và từng hai lần được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam: Dịch giả nhỏ tuổi nhất và Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất.
13 tuổi, Nhật Nam có cuộc sống tự lập khi rời bố mẹ để đi du học tại trường Saint Paul (Mỹ). Cậu bạn đã vượt qua những khó khăn, thể hiện bản lĩnh Tháng 5/2015, Đỗ Nhật Nam lọt danh sách những học sinh đạt điểm cao nhất kỳ thi ACT (American College Testing) mà trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Nhật Nam luôn thể hiện sự thông minh, lém lỉnh, chín chắn trong suy nghĩ mà nhiều người gọi vui với nick name "ông cụ non". Cậu bạn còn có tài khi thường xuyên chia sẻ nó với bố mẹ trên trang cá nhân.
Xuân Tân