Sáng nay, tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên toàn quốc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

photo-1-16603397375521805374936.jpg

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết, Việt Nam xếp thứ 59 thế giới theo xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021 của USNEWS (dựa trên khảo sát toàn cầu về 3 thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không).

Thứ hạng này của Việt Nam đã tăng 5 bậc so với năm 2020, tuy nhiên vẫn xếp sau một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Singapore hạng 21, Malaysia hạng 38, Thái Lan hạng 46, Indonesia hạng 54, Philippines hạng 55).

Các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) của Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.

Theo đó, năm 2022 Việt Nam có 5 đại diện được lọt vào bảng xếp hạng Times Higher Education (THE), gồm Trường ĐH Duy Tân: vị trí 401-500; Trường ĐH Tôn Đức Thắng: vị trí 401-500; ĐH Quốc gia Hà Nội: vị trí 1.001-1.200; Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: vị trí 1.201+; ĐH Quốc gia TPHCM: vị trí 1.201+.

Tại bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023 và bảng xếp hạng trường ĐH ở các nền kinh tế mới nổi 2021 (THE Emerging Economies University Rankings 2021), Việt Nam cũng có 5 đại diện là các cơ sở giáo dục ĐH nói trên.

Ngoài ra, nước ta có 10 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong bảng xếp hạng Webometrics; 11 cơ sở giáo dục ĐH nằm trong bảng xếp hạng ĐH châu Á (QS Asian University Rankings 2022); 7 cơ sở giáo dục ĐH tại bảng xếp hạng THE Impact Rankings năm 2022.

Tuy nhiên, trước đó, theo báo cáo phân tích ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020 được Viện Khoa học giáo dục Việt Nam công bố vừa qua, nhiều chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng ĐH của Việt Nam vẫn ở vị trí cuối bảng.

Các chỉ số về nghiên cứu khoa học, xếp hạng trường ĐH tại báo cáo trên cho thấy Việt Nam bị bỏ xa so với nhiều nước trong khu vực.

Theo một số bảng xếp hạng uy tín, Việt Nam đều có đại diện lọt top 1.000 thế giới nhưng vẫn ở vị trí cuối. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Malaysia, Singapore, Thái Lan đều ở top 100, thậm chí có trường còn thuộc top 10.

Nhận định của nhóm nghiên cứu cho rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của trường ĐH Việt Nam có sự cải thiện đáng kể trong một thập kỷ qua.

Năm 2017, Việt Nam có 63 tài liệu được trích dẫn/1 triệu dân, chuyển từ thứ hạng 64 lên 45 (trong khoảng thời gian từ 2008 - 2018) về đổi mới toàn cầu. Nhưng Việt Nam vẫn đứng cuối cùng trong danh sách của hầu hết các chỉ số.

Mặc dù có những nỗ lực nhưng chất lượng giáo dục ĐH vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực, yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, dù quy mô trường đại học và sinh viên tăng nhưng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học còn thấp.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022