Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 được tổ chức sáng 12/8, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đã chia sẻ những khó khăn đặc thù của thành phố có 2,2 triệu học sinh.

Ông Cương cho biết theo Nghị định 120 năm 2020 của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, mỗi cơ sở giáo dục công lập không quá hai cấp phó. Theo giám đốc Sở, quy định này gây khó khăn cho Hà Nội, bởi đặc thù dân số đông, số lượng trường chuyên, trọng điểm quốc gia lớn khiến tỷ lệ các trường trên 45 lớp học của thành phố khá cao. Việc chỉ có hai hiệu phó gây khó khăn trong quá trình tổ chức chỉ đạo, điều hành tại các trường.

"Nên chăng có thể tăng số lượng hiệu phó từ hai lên ba với các trường có 45 lớp học trở lên", ông Cương đưa ra kiến nghị.

truong-hoc-chu-van-an-jpeg-7861-1660302756.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vziQE7_4MPHpM-BPe4j3mQ

Lễ khai giảng năm học 2018-2019 tại trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội, khi trường này đón 3.000 học sinh lớp 1 - đông nhất thành phố. Ảnh: Gia Chính

Ngoài đề xuất này, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội cho biết các quận nội thành Hà Nội thường gặp quá tải về số lượng học sinh. Trong khi đó, tại thông tư 18 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để đạt chuẩn quốc gia, các trường phải đạt diện tích tối thiểu 6 m2/học sinh (áp dụng với nội thành) và 10m2/học sinh (ngoại thành). Khu sân chơi, bãi tập chiếm ít nhất bằng 25% tổng diện tích sử dụng của trường.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan trung ương xem xét cho Hà Nội cơ chế đặc thù trong tính diện tích sàn thay vì đất sử dụng/học sinh để công nhận trường chuẩn quốc gia", ông Cương nói.

Trước kiến nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải rà soát, kiểm tra lại các quy định đánh giá trường quốc gia, tiêu chí thi đua, khen thưởng, đảm bảo thực chất, nghiêm túc. Ông Đam nhấn mạnh tuyệt đối tránh tình trạng có những trường rất rộng nhưng kết quả đào tạo không tốt, cảnh quan, cơ sở vật chất chưa được quan tâm. Trong khi đó, nhiều trường làm tốt công tác giáo dục nhưng vì một số điều kiện cụ thể như diện tích không đủ nên ảnh hưởng thi đua.

Tính đến 10/2, Hà Nội có 1.766 trên tổng số 2.237 trường công lập đạt chuẩn quốc gia (tương đương 79%). Thành phố dự kiến đến hết năm 2025, số trường công lập là 2.400, đặt mục tiêu đạt chuẩn 2.040 (85%).

Duy Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022