Nhận thông báo của nhà trường từ giữa tháng 7 về danh mục đầu sách cần mua cho con nhưng gần đây chị Hương, có con học lớp 7 trường THCS Văn Yên (Hà Đông, Hà Nội) mới có thời gian tới hiệu sách. Thay vì chỉ cần mua một bộ sách giáo khoa (SGK) như mọi năm, chị phải tìm mua sách từ 4 bộ khác nhau.
Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới được quy định tại Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối lớp 3, 7 và 10 trên cả nước sẽ thay SGK trong năm học 2022-2023. Lộ trình thay sách cuốn chiếu đã được thực hiện vào năm 2020-2021, bắt đầu với lớp 1, và với lớp 2, lớp 6 vào năm 2021-2022.
Hồi cuối tháng 5, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã phê duyệt danh mục sách của ba khối trên, với 44 SGK lớp 3, 42 SGK lớp 7 và 55 SGK lớp 10.
Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống dành cho lớp 7, tại một hiệu sách ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Lệ Thu
Danh mục được lựa chọn nằm trong ba bộ SGK đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt gồm "Cánh Diều" (NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp), "Kết nối tri thức và cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" (NXB Giáo dục Việt Nam). Sách tiếng Anh cũng được lựa chọn từ nhiều đầu sách như Global Success (NXB Giáo dục Việt Nam); I-Learn Smart World (Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh), THiNK (NXB Đại học Sư phạm).
Trao đổi với VnExpress, cô Vũ Hiền Phương, Phó Hiệu trưởng trường THCS Văn Yên (Phúc La, Hà Đông), cho biết trường dùng 4 bộ sách cho học sinh khối lớp 7, theo chủ trương "Một chương trình nhiều bộ sách" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ giao quyền chọn SGK về cho các trường. Giáo viên ở các tổ nhóm chuyên môn của trường sẽ nghiên cứu các bộ sách, bàn bạc rồi quyết định lựa chọn. Từ kết quả của các tổ chuyên môn, trường đăng ký chi tiết sử dụng các bộ SGK với Phòng Giáo dục và Sở.
"Tiêu chí chọn là mang đến chất lượng giáo dục tốt nhất, vì quyền lợi của học sinh. Sách nào hay, phù hợp nhất với học sinh sẽ được lựa chọn", bà Phương nói.
Đây là năm thứ hai trường Văn Yên thực hiện chương trình phổ thông mới với cấp THCS nên "vừa dạy, vừa trải nghiệm". Nếu nảy sinh vướng mắc, các tổ chuyên môn sẽ điều chỉnh lựa chọn. Năm ngoái, trường chọn dùng sách Ngữ văn lớp 6 của bộ Cánh diều, nhưng năm nay chọn sách của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho lớp 7.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho hay, quận hiện có 628 trường THCS, nhiều trường đang sử dụng 2-4 bộ sách cho học sinh lớp 7.
"Việc một trường học sử dụng SGK từ nhiều bộ khác nhau là đúng quy định 'Một chương trình nhiều bộ sách'. Các bộ sách khác nhau nhưng hướng đến kết quả giống nhau, đảm bảo yêu cầu của chương trình, phẩm chất và năng lực đạt được của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng", bà nói.
Cô Trần Thị Lý, Tổ trưởng Tổ Xã hội, trường THCS Ba Đình (Ba Đình, Hà Nội), nơi đang thực hiện một chương trình 3 bộ sách, cho rằng không bộ sách nào hoàn hảo. Mỗi bộ sách có "sở trường", "sở đoản" riêng.
Cô Lý nhận thấy bộ Kết nối và Cánh diều kiến thức cơ bản giống nhau, tương đối hay. Tuy nhiên, kiến thức trong bộ Kết nối sắp xếp theo chủ đề, còn bộ Cánh diều sắp xếp theo đặc trưng thể loại.
Cô Lý cho rằng nhiều trường lựa chọn Bộ Cánh diều cho môn Văn vì hệ thống kiến thức mạch lạc. Học sinh có thể tự tổng kết, vẽ sơ đồ được phần đã học. Bộ Chân trời sáng tạo được nhiều trường lựa chọn cho các bộ môn Năng khiếu (Nhạc, Hoạ) vì sách do những người trẻ biên soạn, phát huy được sự sáng tạo của học sinh.
"SGK theo chương trình mới, cốt lõi mới ở phương pháp giáo dục và cách tiếp cận kiến thức, chứ không mới về kiến thức", cô Lý nói.
Vì thế, giáo viên phải dành thời gian rèn thêm nhiều kỹ năng, phương pháp giảng dạy mới. Bù lại, học trò học tập sẽ hứng thú hơn, không phải học thuộc lòng máy móc.
Trên các diễn đàn giáo dục, một số phụ huynh cũng phản ánh tình trạng vất vả, loay hoay tìm mua SGK từ nhiều bộ khác nhau cho con.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 2 đã ban hành công văn trong đó yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo phối hợp các đơn vị bảo đảm cung ứng đủ SGK cho học sinh trước ngày 15/8.
Ở trường THCS Ba Đình, phụ huynh thông qua nhà trường đăng ký mua sách trực tiếp ở NXB và theo cô Lý việc này được "thực hiện thuận lợi, dễ dàng".
"Phụ huynh tự đi mua dễ bị rối tung" cô Lý nói vì cho rằng các nhà sách thường "khó đáp ứng được cùng lúc nhiều bộ sách".
Lệ Thu