Theo số liệu thống kê từ Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2021, số nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên thuộc tốp cao với gần 229.000, gấp 4,5 lần so với chỉ tiêu (hơn 50.700).

Năm nay con số này được dự đoán tiếp tục tăng lên nhờ việc triển khai thực hiện nghị định 116 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Cụ thể, sinh viên sư phạm được miễn học phí, ngoài ra còn được cấp sinh hoạt phí hàng tháng 3,56 triệu đồng.

Chính sách ưu đãi này đã thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế nhiều gia đình rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc đảm bảo đầu ra sau tốt nghiệp cũng góp phần tăng sức hút đối với ngành học này.

photo-1-16598560671802073930514.jpeg

Hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH các ngành đào tạo giáo viên tăng cao; với một số ngành "nóng", điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8-9 điểm/môn.

Hai năm gần đây, điểm chuẩn trúng tuyển ĐH các ngành đào tạo giáo viên tăng cao; với một số ngành "nóng", điểm chuẩn trung bình các phương thức tuyển sinh lên tới 8-9 điểm/môn. Để có một suất vào Sư phạm, thí sinh không chỉ phải học khá giỏi mà có nhiều ngành còn yêu cầu phải... cực giỏi.

Đừng thi vào Sư phạm chỉ để kiếm tiền từ việc... dạy thêm

Chia sẻ một trường hợp học sinh nhờ tư vấn vào ngành Sư phạm trên trang cá nhân, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - giảng viên trường Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết: Nhiều bạn học sinh muốn thi vào Sư phạm là vì thấy có thầy cô dạy thêm kiếm rất nhiều tiền, và các em cần lưu ý điểm này để khỏi bị rơi vào ảo tưởng.

Theo thầy Nam: "Việc dạy thêm của thầy cô chỉ là công việc có tính giai đoạn và rất không bền vững. Để dạy thêm được nhiều tiền thì thầy cô phải dạy môn chính và phải dạy ở trường lớn trong các khu vực dân cư có mức sống cao. Tóm lại số giáo viên kiếm được nhiều tiền từ dạy thêm chiếm tỉ lệ rất thấp".

Trước đó, nói về tố chất để trở thành một giáo viên, GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng quan trọng nhất là phải thật sự yêu nghề, dấn thân và sống cống hiến hết mình. Xác định được rằng mục đích của nghề chúng ta lựa chọn là đào tạo những thế hệ mới cho đất nước và phát triển con người, đó là trách nhiệm với toàn xã hội.

Ngoài ra, nếu muốn là sinh viên sư phạm thì thí sinh cũng nên xác định đừng vì những giá trị hào nhoáng hay các giá trị vật chất để đến với nghề vì đó không phải là sự lựa chọn thật phù hợp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, điểm sàn vào các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên trình độ đại học là 19 điểm. Riêng ngành Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật lấy 18 điểm đối với tổ hợp xét tuyển ba môn văn hóa.

Ngưỡng xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 17, đã cộng điểm ưu tiên, không nhân hệ số, bằng năm ngoái. Các trường có ngành đào tạo giáo viên, sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT không được lấy điểm chuẩn dưới sàn.

Từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định riêng về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với khối ngành sư phạm. Quy định này xuất phát từ thực tế tuyển sinh năm 2017, nhiều trường sư phạm lấy điểm chuẩn thấp, thậm chí có trường chỉ lấy 3 điểm mỗi môn. Việc quy định điểm sàn khối ngành sư phạm giúp thu hẹp khoảng cách đầu vào khối ngành này ở các trường.

Năm ngoái, Đại học Sư phạm Hà Nội lấy điểm trúng tuyển cao nhất trong nhóm trường đào tạo ngành sư phạm. Trong đó, ngành lấy cao nhất là Sư phạm Tiếng Anh - 28,53 điểm cho tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh).

https://afamily.vn/nhom-nganh-nam-nao-cung-hot-so-nguyen-vong-dang-ky-gap-45-lan-chi-tieu-nhung-thay-giao-canh-bao-can-luu-y-diem-nay-de-khoi-bi-roi-vao-ao-tuong-20220806221908719.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022