Bên cạnh các ngành Y khoa, Sư phạm, Công nghệ thông tin..., vài năm gần đây, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng rất được thí sinh quan tâm. Điểm chuẩn ngành này tăng tương đối nhanh qua từng năm và hiện thuộc nhóm cao ở các đại học top đầu.
Tại phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn được xác định từ tổng ba môn thi theo tổ hợp xét tuyển (tối đa 30) cùng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng. Một số ít trường có thể nhân hệ số hai môn ngoại ngữ, khi đó điểm chuẩn thang 40.
Hiện cả nước có khoảng 40 trường đại học tuyển sinh Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Các tổ hợp xét tuyển phổ biến gồm A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, tiếng Anh), D01 (Toán, Văn, tiếng Anh) và D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh).
Năm 2021, điểm chuẩn đại học tăng mạnh, nhiều chuyên gia đánh giá các trường kinh tế thắng lớn. Nếu xét theo ngành, Logistisc và quản lý chuỗi cung ứng vượt trội hơn cả. Ngay tại ở các đại học thiên về kỹ thuật như Thủy lợi, Điện lực, Công nghệ Giao thông Vận tải, Logistics vẫn là ngành lấy điểm chuẩn cao nhất.
Biểu đồ dưới đây thể hiện điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong 5 năm qua của 10 trường lấy điểm chuẩn ngành này cao nhất năm 2021 (đều từ 26,3 trở lên).
Có thể thấy Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là một ngành khá "trẻ" vì vào giai đoạn 2017-2019, nhiều trường đại học chưa đào tạo hoặc tách riêng lĩnh vực này thành một ngành độc lập.
Trong 10 trường đại học lấy điểm chuẩn Logistics cao nhất năm 2021, hơn một nửa chưa mở ngành này vào năm 2017. Đến 2018, ngoài bốn trường gồm Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Giao thông vận tải TP HCM, Bách khoa TP HCM và Bách khoa Hà Nội đã đào tạo Logistics từ trước, trường Ngoại thương, Kinh tế quốc dân bắt đầu mở ngành này theo hướng độc lập, còn Giao thông vận tải bổ sung Logistics là một chuyên ngành của Khai thác vận tải.
Chỉ đến năm 2020, Logistics và quản lý chuỗi cung cứng mới "xuất hiện" trong danh mục đào tạo của cả 10 trường.
Vì là ngành "trẻ", xu hướng biến động điểm chuẩn của Logistics và quản lý chuỗi cung ứng chưa thực sự rõ ràng trong ba năm 2017-2019.
Trong các trường đã đào tạo Logistics giai đoạn này, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM lấy điểm chuẩn rất cao - 24,5 (vào năm 2017), trung bình hơn 8 điểm mỗi môn. Lúc này, thí sinh vẫn dự thi THPT quốc gia, đề thi được thiết kế vừa xét tốt nghiệp, vừa xét đại học nên độ khó được đánh giá cao hơn tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, một năm sau, điểm chuẩn ngành này giảm còn 21,5 và tăng trở lại 23,3 vào năm 2019.
Cũng có xu hướng tương tự, trong ba năm 2017-2019, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) lần lượt lấy điểm chuẩn 25,75; 22,25 và 24,5. Đại học Giao thông vận tải TP HCM là "ứng viên tiếp theo" cho xu hướng biến động điểm chuẩn này, lần lượt lấy 24,25 điểm, 20,9 và 21,3.
Hai năm tiếp theo (2020 và 2021), điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng bước vào giai đoạn "bùng nổ".
Năm 2020, cả 10 trường đều tăng 2-3 điểm chuẩn so với năm 2019, riêng Đại học Kinh tế TP HCM lấy 27,6 điểm ngay trong năm đầu đào tạo. Các trường có mức tăng mạnh như Giao thông vận tải (từ 20,45 lên 25) Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (23,6 - 26,3), Thương mại (23,4 - 26,5).
Đến 2021, Logistics vươn lên là ngành "đầu bảng" trong nhóm kinh tế với mức điểm chuẩn 27-28, tương đương với ngành Y khoa. Ba trường đại học lấy điểm chuẩn trên 28 là Ngoại thương (28,8), Sư phạm Kỹ thuật TP HCM (28,75) và Kinh tế quốc dân (28,3).
Trong các trường còn lại của top 10 đại học lấy điểm chuẩn Logistics cao nhất cả nước, ba trường trên 27 điểm, còn lại trên 26. Nếu không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trên dưới 9 điểm một môn thi tốt nghiệp THPT mới có thể trúng tuyển.
Tại một số trường như Đại học Điện lực, điểm chuẩn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng cũng tăng từ 17 (năm 2020) lên 23,5 (2021), dù đây không phải ngành mũi nhọn của trường.
Về lý do điểm chuẩn ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng bật lên mạnh mẽ, các chuyên gia kinh tế nhận định, vào năm 2020 khi Covid-19 xảy đến, ngoài tính ứng dụng của công nghệ thông tin, xã hội nhận thấy rõ vai trò của việc quản lý mạng lưới kết nối doanh nghiệp tham gia vào việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng. Do đó, khi thấy sự rộng mở của thị trường việc làm, thí sinh đăng ký nguyện vọng nhiều hơn, đồng thời cũng thêm nhiều trường đại học đăng ký đào tạo Logistics.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022 tại trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM), ngày 8/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngày 2/8, hơn 200 trường đại học trên cả nước đã công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Xét mặt bằng chung, điểm sàn đại học năm nay tương đối ổn định, nếu có chỉ tăng nhẹ 0,5-1 điểm so với năm ngoái.
Trước đó, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT của gần một triệu thí sinh vào ngày 24/7, TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Đại học Nha Trang, cho rằng các nhóm ngành tuyển sinh từ bốn tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Hóa, Sinh), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) có thể giữ ổn định, còn C00 (Văn, Sử, Địa) tăng 1-3 điểm.
"Ngành Logistisc và quản lý chuỗi cung ứng chủ yếu được tuyển sinh tại các tổ hợp A00, A01, D01 và D07; kết hợp với việc điểm sàn không biến động lớn, tôi dự đoán điểm chuẩn ngành này tại các trường top đầu không tăng, thậm chí giảm nhẹ 0,5 điểm", đại diện tuyển sinh của một trường đại học khối ngành kinh tế nhận định.
Thanh Hằng