BIG4 (tên gọi chung cho 4 công ty kiểm toán đa quốc gia hàng đầu thế giới bao gồm: Deloitte, EY, KPMG và PwC) là đích đến ước mơ của rất nhiều sinh viên. Nơi đây nổi tiếng với môi trường làm việc hiện đại, thân thiện cùng mức thu nhập cực kì hậu hĩnh.
Nguyễn Thị Thùy Linh (22 tuổi, đến từ Hà Nội, cựu sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội) cũng đặt mục tiêu là BIG4 và hơn hết, cô nàng đã "chinh phục" được nó. Dù học chuyên về ngành Luật, nhưng hiện tại Linh đang làm việc tại PwC với vị trí Paralegal (trợ lý luật sư). Không dừng lại ở đó, cô nàng còn là một nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng số như TikTok, YouTube. Mọi người thường biết đến Linh thông qua biệt danh "Thuylinhholmes".
Nguyễn Thị Thùy Linh
Từng xếp hạng học lực trung bình
Đa phần mọi người nghĩ rằng, để được làm việc tại BIG4 thì ai cũng phải vô cùng xuất sắc ngay từ những năm đầu đại học. Tuy nhiên, câu chuyện của Thùy Linh lại chứng minh điều ngược lại, bởi lẽ khi là sinh viên đại học năm nhất, Linh từng bị xếp hạng trung bình với điểm GPA là 2.24.
Nguyên nhân khiến Linh rơi vào tình cảnh ấy là do việc chuyển tiếp từ cấp 3 lên đại học đã khiến nữ sinh bị "choáng ngợp". Ngoài ra, môi trường, bạn bè thời sinh viên cũng khiến cuộc sống của Linh bị đảo lộn khá nhiều.
"Lúc đó, vì chưa thích ứng được với môi trường và cách học tập ở Đại học, nên mình chưa có phương pháp học tập khoa học và hiệu quả. Hơn nữa, cuộc sống thời sinh viên khiến mình muốn dành nhiều thời gian hơn để khám phá mọi thứ cùng với những người bạn mới, hậu quả là mình đã xao nhãng mục tiêu chính là học tập. Điều đó khiến điểm thi các môn chỉ của mình toàn C, C+" , Linh bộc bạch.
Linh từng bị xếp hạng trung bình với điểm GPA là 2.24
Linh chỉ thực sự nhận ra vấn đề của bản thân khi năm nhất đại học kết thúc. Thời điểm bấy giờ, bảng điểm của Linh lọt "top đầu lớp từ dưới lên" và điều đó khiến cô nàng vô cùng lo lắng, hối hận. Linh hoang mang không biết tương lai của mình sẽ đi đâu về đâu, bởi mức điểm này rõ ràng " chẳng công ty nào thèm ngó ngàng đến" chứ đừng nói đến việc hy vọng làm việc tại các doanh nghiệp lớn. Song, chính những khoảnh khắc tuyệt vọng nhất lại khiến Linh thức tỉnh mà "lên dây cót" cho bản thân.
"Nhìn vào bảng điểm, mình mới biết được rằng có kế hoạch học tập rõ ràng và kết quả học tập tốt quan trọng thế nào. Do đó, mình đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, quyết tâm thay đổi bản thân. Những mục tiêu đó trở thành động lực lớn nhất để mình tập trung với 200% năng lượng" , Linh bày tỏ.
Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ, đến năm 4 đại học, Linh đã nâng điểm tổng kết trung bình lên mức 3.7 - một thành tích đầy ấn tượng. Bên cạnh đó, Thùy Linh cũng đạt được học bổng xuất sắc của trường và nâng xếp loại từ mức trung bình đến giỏi tại thời điểm tốt nghiệp.
Ứng tuyển vào 30 công việc khác nhau đều không được phản hồi
Tưởng chừng mọi chuyện đã "thuận buồm xuôi gió", nhưng vào khoảng 1 tháng sau khi tốt nghiệp HLU, Linh bị mất định hướng khi ứng tuyển vào 30 công việc khác nhau mà đều không được phản hồi.
"Mình đã tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về các doanh nghiệp đó, chủ động gửi email đề xuất ứng tuyển, nhưng đa phần mình không được phản hồi hoặc một số nơi phản hồi không còn vị trí trống. Một số công ty mời mình làm bài kiểm tra năng lực nhưng kết quả không như kỳ vọng", Linh kể lại.
Tại thời điểm đó, cô nàng vô cùng stress. Có những ngày Linh chỉ "nhốt" bản thân một mình trong phòng để tìm kiếm và soạn email ứng tuyển công việc. Nhưng càng cố gắng tìm kiếm, cô nàng càng cảm thấy thấy vọng đến mức hoài nghi về khả năng của bản thân.
Linh từng chật vật đi tìm việc vào khoảng 1 tháng sau khi tốt nghiệp đại học
Cảm xúc ấy của Linh là hoàn toàn có thể cảm thông được, nhất là với những người từng rơi vào cảnh nhìn bạn bè đồng trang lứa ai nấy đều đã đi làm và phần nào ổn định được cuộc sống trong khi bản thân vẫn giậm chân tại chỗ. May thay, trong những lúc tuyệt vọng nhất, Linh vẫn có bố mẹ và bạn bè luôn sát cánh kề bên. Điều đó khiến Linh trở nên mạnh mẽ và tích cực hơn.
Ngoài ra, sự mạnh mẽ của Linh còn được thể hiện ở chỗ cô nàng không ngại thay đổi mình. Để hoàn thiện bản thân, Thùy Linh đã tìm đến các mentor (người hướng dẫn) có thâm niên làm việc ở BIG4 để học hỏi, trau dồi thêm những kinh nghiệm thực chiến cho bản thân. Trong lúc định hướng, các anh chị mentor đã kể cho cô rất nhiều câu chuyện về môi trường làm việc ở BIG4. Chính điều đó đã hun đúc lên tình yêu với công ty này trong Linh và hành trình đến với PwC - một công ty nằm trong BIG4 của cô nàng bắt đầu từ đó.
Khi sinh viên ngành Luật đi làm ở BIG4 kiểm toán
Hiện tại, Linh đang làm việc tại PwC Việt Nam. Nhưng khi Linh kể về công việc của mình, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi tại sao Linh là một sinh viên ngành Luật mà lại có cơ hội làm việc tại BIG4?
Trên thực tế, đáp án cho câu hỏi này không quá khó. Bởi lẽ dù nổi tiếng với lĩnh vực kiểm toán, nhưng BIG4 còn cung cấp nhiều dịch vụ khác cho các doanh nghiệp như: Dịch vụ thuế (tư vấn thuế, tư vấn hải quan, dịch vụ kế toán, dịch vụ chuyển giá…), Dịch vụ pháp lý (các BIG hiện đều đã tách dịch vụ pháp lý thành một công ty luật riêng)... Do đó, cơ hội việc làm tại BIG4 rất đa dạng cho các bạn sinh viên tốt nghiệp từ nhiều ngành khác nhau, trong đó có ngành Luật.
Nhiều người không khỏi bất ngờ bởi Thùy Linh là một cô sinh viên ngành luật mà lại có cơ hội được làm việc tại BIG4
Quay trở lại câu chuyện của Thùy Linh, nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng nên cô nàng đã trúng tuyển vào BIG4. Vậy bí quyết nào để từ một cô sinh viên có điểm GPA "cao nhất nhì từ dưới lên" lại được ứng tuyển vào BIG4 đình đám?
Thùy Linh cho biết, thông thường các công ty BIG4 sẽ mở đơn tuyển thực tập sinh vào tháng 8, tháng 9 hàng năm. Đối với mỗi lĩnh vực khác nhau quá trình thi tuyển sẽ có những yêu cầu riêng. Thông thường quy trình sẽ gồm 4 vòng:
+ Vòng kiểm tra: Candidate (ứng cử viên) có thể làm online hoặc offline về lĩnh vực chuyên môn bạn ứng tuyển. Đối với một số trường hợp, candidate sẽ phải làm thêm bài trắc nghiệm tính cách online trên hệ thống. Bí quyết của Linh là nắm vững kiến thức trong lĩnh vực của mình, có kỹ năng tra cứu quy định nhanh và kỹ năng viết logic, rõ ràng, rành mạch.
+ Phỏng vấn với HR: Ở vòng này có thể phỏng vấn và thuyết trình về một chủ đề nhất định theo nhóm, hoặc phỏng vấn cá nhân để tìm hiểu về kỹ năng, định hướng nghề nghiệp của bạn trong tương lai.
+ Phỏng vấn với manager (quản lý) và phỏng vấn với partner (giám đốc, tổng giám đốc): Ở vòng này nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu để có cái nhìn sâu sắc hơn về trình độ chuyên môn và các kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp bạn đang có và lý do tại sao bạn chọn công ty là nơi bắt đầu hành trình nghề nghiệp của mình. Một số trường hợp ứng viên sẽ được nhận ngay khi kết thúc vòng phỏng vấn với quản lý.
Ngoài ra, các vòng thi tuyển tại BIG4 đều được thực hiện bằng tiếng Anh hoặc cả tiếng Anh và tiếng Việt. Bên cạnh kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, Linh cho rằng kỹ năng và sự tự tin là chìa khóa để chúng ta vượt qua các vòng thi tuyển tại BIG4. Và nếu hoàn thành tốt kỳ thực tập tại BIG4 kéo dài 3 tháng, thì bạn đã chính thức trở thành một phần của BIG4 rồi!
Nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng nên cô nàng đã trúng tuyển vào BIG4
Chia sẻ về những vấn đề của người trẻ gặp phải trong giai đoạn mới ra trường, Thùy Linh bày tỏ: "Đây là giai đoạn các bạn trẻ rất dễ gặp phải 'khủng hoảng' về tinh thần. Đôi khi chúng ta chưa được lựa chọn, không phải vì chúng ta không đủ năng lực, mà có thể do chúng ta chưa phải một mảnh ghép phù hợp mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Vì vậy, hãy giữ vững niềm tin vào bản thân để tiếp tục cố gắng, chúng ta đã và đang làm rất tốt rồi đó, chỉ là cần chút thời gian để một cơ hội tốt sẽ đến với chúng ta trong tương lai".
Ảnh: NVCC