Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khuôn viên trường Đại học Việt - Đức được khánh thành sáng nay tại Bình Dương. Đây là dự án xây dựng trường đại học xuất sắc, theo hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen (Đức) từ năm 2008.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trường có mục tiêu trở thành khuôn mẫu về quản trị đại học hiện đại, đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao theo mô hình của các đại học Đức. Khuôn viên tại Bình Dương được xây dựng theo các nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn chất lượng của Đức và châu Âu, có xem xét đến các đặc điểm cụ thể ở Việt Nam.

z3873421426799-2ef81404fc8f629-5509-4847-1668173411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WglS3jqiDNkGgFw4YkPr1w

Khuôn viên trường Đại học Việt - Đức. Ảnh: fanpage của trường

Theo thông tin trên website, trường Đại học Việt - Đức có 2 khoa: Kỹ thuật và Kinh tế - Quản lý, đào tạo 8 chương trình thạc sĩ và 7 chương trình cử nhân. Trường hợp tác với nhiều đối tác ở Đức, đào tạo các ngành học được coi là thế mạnh của nước này như Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật Điện và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật xây dựng, Tài chính Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Khoa học Máy tính. Đội ngũ giáo sư thỉnh giảng đến từ nhiều trường đại học ở Đức, ngôn ngữ giảng dạy và giao tiếp đều bằng tiếng Anh. Trong hơn 2.000 sinh viên của trường, có 3% sinh viên quốc tế, đến từ 17 quốc gia trên thế giới. Học phí một học kỳ của Đại học Việt - Đức từ 29,2 đến 41,8 triệu đồng với sinh viên Việt Nam và khoảng 58,8-62,7 triệu đồng với sinh viên quốc tế.

"Kết quả khảo sát cho thấy sinh viên, học viên tốt nghiệp có thu nhập cao hơn so với mức thu nhập trung bình của sinh viên tốt nghiệp trên thị trường lao động", ông Sơn nói. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng nhận định đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu của trường có những công bố quốc tế thuộc nhóm đầu của cả nước. Một số nhóm nghiên cứu trọng điểm trong những lĩnh vực mà Đức có thế mạnh đã được hình thành.

Đại học Việt - Đức là dự án đầu tiên của đề án xây dựng 4 trường đại học công lập xuất sắc với đẳng cấp quốc tế theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006. Dự án được triển khai từ năm 2010 với tổng vốn đầu tư hơn 180 triệu USD (gần 4.500 tỷ đồng) từ nguồn vay của Ngân hàng thế giới, theo hình thức tín dụng ưu đãi với thời hạn 35 năm, trong đó có 10 năm ân hạn lãi suất 0%.

Trường thứ hai theo mô hình này là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (còn gọi là Đại học Việt - Pháp), được thành lập năm 2009 theo thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Pháp. Năm 2011, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ký hiệp định cho vay tổng giá trị 190 triệu USD cho việc phát triển trường đại học này.

Hai trường còn lại dự kiến ở Đà Nẵng và Cần Thơ, tuy nhiên không được nhắc đến trong thời gian qua.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022