Hai chữ "du học" trong suy nghĩ của nhiều người sẽ toàn là những trải nghiệm đầy màu hồng. Đó là những ngày được thỏa thuê khám phá một vùng đất mới, văn hóa mới, ẩm thực mới. Ở đó, bạn cũng sẽ được tiếp thu những kiến thức thú vị, bao quanh bởi rất nhiều bạn bè đa ngôn ngữ, đa quốc gia. Cuộc sống của những du học sinh trên mạng xã hội, vì thế luôn nhận về những cái nhìn ngưỡng mộ và đầy ao ước từ những người "ở nhà".

Nhưng có câu: Không có con đường nào trải đầy hoa hồng mà không có chông gai và thử thách. Du học cũng không ngoại lệ. Đằng sau những hào nhoáng, có những góc khuất các bạn du học sinh không muốn chia sẻ lên trang cá nhân vì nhiều lý do. Có thể bởi sợ gia đình lo lắng; sợ lan tỏa năng lượng tiêu cực... Trên thực tế, theo nhiều du học sinh, sốc trong lần đầu du học là chuyện khó tránh khỏi, dù bạn chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu.

Trần Nguyễn Tú Nhi (1992, hiện sinh sống ở Vancouver, Canada), một chuyên viên tư vấn giáo dục (Education Consultant) cũng từng trải qua những khoảng thời gian khó khăn như thế. Nhi từng theo học chương trình Post-Baccalaureate Diploma (khóa học được nghiên cứu và xây dựng thành các chương trình dành cho sinh viên đã tốt nghiệp Đại học nhằm nâng cao kỹ năng thực hành chuyên nghiệp và những kiến thức thực tế) chuyên ngành Marketing ở trường Okanagan College (thuộc thành phố Kelowna).

photo-5-16729878609901180410620.jpgphoto-4-16729878573671272861665.jpg

Thời gian đầu, cô gái sang nước ngoài với tâm thế tràn đầy niềm hy vọng và sẵn sàng trải nghiệm. Nhưng gần 6 năm ở nước ngoài, Tú Nhi trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ háo hức, hào hứng, thất vọng, tuyệt vọng rồi vực dậy mạnh mẽ. Rất may, cuối cùng cô hòa nhập tốt.

Nửa năm đầu rất ổn và loạt trải nghiệm "sốc"

Nhi cho biết, nửa năm đầu qua Canada, với niềm háo hức, cô không hề thấy nhớ nhà mặc dù nơi Nhi ở lúc đấy chỉ có vài tiệm ăn Việt Nam, 2 tiệm trà sữa và hiếm hoi lắm mới thấy được 1, 2 người châu Á trên đường. Nhi cảm thấy mình hoà nhập rất ổn, cho đến khi "đùng một cái" tất cả mọi thứ trong cuộc sống tệ đi cùng lúc.

"Lần đầu tiên trải nghiệm mùa đông -15, -20 độ C, mình sốc nhiệt bệnh nằm liệt giường cả tuần. Học không nổi phải rút 1 môn, thi rớt 1 môn. Bạn cùng phòng dọn đi hết, chỉ có mỗi mình trong căn nhà lạnh lẽo. Wi-Fi bị cắt vì hết hợp đồng và nhà không gia hạn nữa vì sắp trả nhà. Mình cũng không còn tiền vì lúc đấy bệnh không đi làm nổi. Không có xe nên cũng chẳng đi đâu được", Nhi chia sẻ.

Thời điểm đấy, cô đã nghĩ dại dột khá nhiều lần nhưng tất cả những gì vực Nhi dậy đó chính là không muốn làm ba mẹ phải đau lòng. Nhi luôn muốn trở thành một người con để ba mẹ mình có thể cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc tới. Hơn hết, từ bỏ công việc ở Việt Nam và quyết định đi du học là do bản thân Nhi lựa chọn nên cô cảm thấy mình phải có trách nhiệm với bản thân, cho dù có thử thách gì thì cũng phải can đảm để vượt qua. Nhi tự trấn an, tự mua thuốc uống, "cày" liên tục công việc để tiết kiệm tiền học lại các môn bị nợ, nhà không có Wi-Fi, Nhi dành thời gian đọc sách...

Đa số các công việc part-time (bán thời gian) của Nhi lúc đó đều là ở nhà hàng (Tây, Tàu, Thái, Việt), nhưng thích nhất là hai mùa hè được làm thêm ở xe food truck (xe tải bán đồ ăn) bán bánh mì Việt Nam và các món ăn vặt/trà sữa. Do xe bán ở khu vực downtown (khu vực nằm trung tâm của thành phố), đậu sát bờ hồ và công viên nước nên rất đông các gia đình dẫn con nhỏ đến vui chơi mỗi dịp hè.

Nhi thường sắp xếp thời gian đi làm thêm khá ít trong các học kỳ chính, khoảng 2-3 ngày/tuần (dao động dưới 20 tiếng/tuần). Mùa hè thì cô không đăng ký học và đi làm full-time (toàn thời gian) 6-7 ngày/tuần do không bị giới hạn số giờ. Cô tiết kiệm tiền đi làm trong mùa hè để chi tiêu cho các tháng còn lại trong năm.

photo-3-16729878528361966915258.jpg

Và cuối cùng, Nhi đã vượt qua được khoảng thời gian tăm tối đó. Cô cho biết, mình luôn biết ơn những người đã từng giúp đỡ mình trong suốt thời gian sinh sống ở đây.

"Mình không phải là người duy nhất chiến đấu, mình cũng như các bạn, chúng ta cùng chiến đấu mỗi ngày ở nơi đất khách quê người không gia đình, không người thân và thậm chí có những lúc cũng không có bạn bè. Các bạn sẽ gặp được những người tuyệt vời, chìa bàn tay ra để giúp đỡ mỗi khi ta gặp khó khăn. Hãy luôn giữ cái đầu tỉnh táo và vững tin lên là được", Nhi chia sẻ.

Sau khi học xong, Tú Nhi quyết định ở lại Canada làm việc. Lý do đầu tiên là vì chính sách ở Canada cho phép du học sinh quốc tế được ở lại làm việc hợp pháp trong 3 năm (đối với các chương trình cao đẳng - đại học kéo dài từ 2 năm trở lên). Lí do thứ hai là vì Nhi rất thích môi trường sống và con người ở Canada, mọi thứ rất yên bình.

Với riêng cảm nhận của cá nhân Nhi, Canada là một quốc gia rất đáng sống với nhiều chính sách tốt cho dân cư. Mỗi nơi sẽ có khí hậu và phong cảnh khác nhau nhưng nhìn chung, thiên nhiên ở Canada rất đẹp và người dân rất có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Hoạt động phổ biến của người dân ở đây là đi hiking (leo núi).

Du học ở Canada - những điều cần lưu ý

Từ chính trải nghiệm của mình, Nhi cho rằng các bạn du học sinh nên tìm hiểu thật kỹ và tìm đến những nguồn thông tin uy tín, đáng tin cậy để có thể tự vẽ ra lộ trình du học - định cư rõ ràng và phù hợp để tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức về lâu dài.

Ngoài ra, nếu có thể thì nên cố gắng dành thời gian để đi khám phá các thành phố khác vì có thể sau này sẽ không có cơ hội để thực hiện được nữa. Càng đi đến nhiều nơi, các bạn sẽ càng học hỏi, phát phát hiện thêm được nhiều khía cạnh và góc nhìn mới hơn của cuộc sống ở nước ngoài.

Đồng thời, có một số vấn đề Nhi lưu ý:

1. Cân nhắc lựa chọn Canada là nơi để học tập và làm việc

Hiện tại, chính phủ Canada đã tăng thời gian hợp pháp được đi làm trong lúc đi học cho các bạn du học sinh ở bậc cao đẳng/đại học lên đến 40 giờ/tuần. Có nghĩa là các bạn vừa đi học vừa được đi làm on/off campus (thuê nhà trong hay ngoài khu học xá) hợp pháp. Vào kỳ nghỉ giữa 2 kỳ học chính (thường rơi vào mùa hè), các bạn được hợp pháp đi làm full-time không giới hạn thời gian.

photo-2-1672987848420743558110.jpg

Đây là một lợi thế khi học tập tại Canada, tuy nhiên Nhi vẫn khuyến khích mọi người trong thời gian đi học không nên quá cắm mặt cày bừa vì như thế cũng sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập của các bạn.

"Mình nhận thấy công việc làm thêm phổ biến đối với du học sinh Việt Nam ở Canada thường là nails (làm móng) hoặc nhà hàng, do được nhận thêm tiền tips khá ổn. Tuy nhiên mình khuyên các bạn nên cân nhắc apply (nộp đơn) những công việc liên quan đến ngành học của mình để có thêm kinh nghiệm giúp ích cho sau này khi tốt nghiệp và tìm việc sẽ dễ dàng hơn", Nhi chia sẻ.

2. Chuẩn bị tinh thần thép và sự hoà nhập ở môi trường mới

3. Luôn kiểm tra tình trạng giấy tờ

Phải chắc chắn giấy tờ còn giá trị và mình luôn trong tình trạng đi học đi làm hợp pháp. Gia hạn giấy tờ, insurance (bảo hiểm) sớm, không để out of status (tình trạng visa hiện thời của bạn chưa rõ ràng, ví dụ visa đã hết hạn) vì lúc đó hồ sơ sẽ xấu và tốn nhiều công sức tiền của để giải trình và có khả năng bị đuổi về nước.

"Mình đã gặp nhiều trường hợp các em không biết gì về việc giấy đi học (study permit) hết hạn, cứ nghĩ visa còn hạn là có thể ở lại đây đăng ký lớp học tiếp mà không gia hạn giấy học. Đợi đến lúc visa hết hạn mới cuống lên gia hạn thì lúc đó out of status chỉ có thể về nước vì ở bất hợp pháp quá lâu, không có cách nào cứu được nữa. Hoặc việc đi làm quá thời gian trong lúc đi học, sau này hồ sơ xin PR (Permanent Resident: thường trú nhân) bị ảnh hưởng và chính phủ không phê duyệt cấp PR".

Đối với chính sách của Canada, để được ở lại học tập và làm việc hợp pháp thì mọi người sẽ cần có study permit hoặc work permit (giấy phép lao động). Visa chỉ mang ý nghĩa là giấy thông hành cho phép nhập cảnh vào Canada mà thôi.

photo-1-16729878422671388152023.jpg

Trong trường hợp study permit hoặc work permit hết hạn thì bắt buộc phải xin gia hạn để chính phủ cấp giấy mới, cho dù visa còn hạn hay không. Khi giấy study permit hoặc work permit hết hạn mà không gia hạn, đồng nghĩa với việc người này đã out of status và đang ở lại Canada bất hợp pháp. Thông thường trong giấy study/work permit đều có ghi rõ ngày hết hiệu lực và người này buộc phải rời khỏi Canada trước ngày đó.

Ngoài các vấn đề trên, Nhi khuyên các bạn nên dành thời gian trau dồi ngoại ngữ càng nhiều càng tốt nếu như có quyết định đi du học. Có rất nhiều bạn đi du học nhưng không đủ tự tin để giao tiếp với người bản xứ vì hạn chế ngoại ngữ, điều đó sẽ cản trở rất nhiều cho việc phát triển cuộc sống sau này nếu như các bạn có mong muốn định cư ở nước ngoài.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022