Theo thông báo của trường, tất cả ứng viên đã hoàn thành bằng sau đại học, 8 người có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, không ai tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm.
Thông báo tuyển dụng của trường trước đó nêu rõ bằng tiến sĩ là yêu cầu tối thiểu với hầu hết ứng viên giảng dạy tại trường. Trường chỉ xem xét những người có bằng thạc sĩ nếu họ đáp ứng được một số tiêu chí, chẳng hạn như đã nhận được học bổng cấp quốc gia hay giải thưởng về giảng dạy.
Quyết định này lập tức gây tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng nhà tuyển dụng đã tập trung nhiều vào thương hiệu của trường mà ứng viên theo học hơn là các kỹ năng và khả năng thực tế của họ. Đây là xu hướng đang gia tăng ở Trung Quốc.
"Cả xã hội hiện nay tôn sùng Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh (Bắc Đại)", Xiong Bingqi, Giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21, nhận định.
"Nhưng thực tế, trình độ học vấn và khả năng giảng dạy là hai thứ khác nhau. Sinh viên tốt nghiệp từ Bắc Kinh hay Thanh Hoa chưa chắc trở thành giáo viên xuất sắc", ông nói thêm.
Sinh viên trong lễ tốt nghiệp của Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, hồi tháng 7. Ảnh: Tsinghua University Fanpage
Chính sách tuyển dụng của trường THCS Tô Châu cũng cho thấy sinh viên tốt nghiệp ưu tú ngày càng sẵn lòng nhận việc trong hệ thống trường học.
Xu hướng này đã tồn tại được một thời gian. Năm 2021, Tân Hoa Xã cho biết ngày càng có nhiều người có bằng tiến sĩ đi dạy tiểu học và THCS, ở một số vùng của đất nước.
Trên mạng xã hội Sohu, nhiều người nói hiện tượng này không chỉ ở các thành phố lớn như Thâm Quyến, Bắc Kinh, Hàng Châu mà còn lan sang các thành phố hạng hai, hạng ba. Ví dụ, năm 2021, Ordos, một thành phố ở phía tây, đã tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh làm giáo viên tiểu học và trung học, với lương hàng năm là 600.000 nhân dân tệ (gần 82.000 USD).
Để giải quyết việc những người này có trình độ học vấn cao nhưng thiếu kỹ năng sư phạm, Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2023 đề xuất "Chương trình xuất sắc toàn quốc". Nhà nước sẽ hỗ trợ các đại học tuyển chọn sinh viên có thành tích xuất sắc và sẵn sàng giảng dạy. Những người này được học một cách có hệ thống, gồm ít nhất 26 tín chỉ về khoa học giáo dục.
Đam mê giảng dạy cũng là vấn đề không thể xem nhẹ, theo Gu Mingyuan, giáo sư cao cấp tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Bởi nếu "trường nổi tiếng" và "trình độ học vấn cao" trở thành tiêu chí quan trọng để tuyển dụng giáo viên, nó có thể loại trừ một số sinh viên tốt nghiệp trường bình thường nhưng thực sự yêu thích giáo dục và đã được đào tạo giảng dạy chuyên nghiệp.
"Không có cách giáo dục nào mà không có tình yêu. Bạn phải yêu sự nghiệp giáo dục, yêu trẻ em và đặt trẻ em lên hàng đầu", Gu nói.
Khánh Linh (Theo SCMP, Sohu)