Kết quả Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024 do Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/1 cho thấy số năm đi học bình quân của người Việt là 9,6, tăng so với mức 9 của 5 năm trước. Trong đó, nam giới nhiều hơn nữ 0,7 năm, thành thị hơn nông thôn 2,5 năm.

Chỉ số này được tính bằng cách lấy tổng số năm đã đi học của người 25 tuổi trở lên chia cho tổng dân số trong độ tuổi này. Lý do là 25 được coi là độ tuổi mà một người có thể hoàn thành các cấp từ tiểu học tới hết đại học và cao học.

5D3-2446-JPG-copy-1736238285-1297-1736238489.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_7H5i0sxI1705NCsfoOwsw

Học sinh Đà Nẵng trong giờ chào cờ đầu tuần, tháng 9/2023. Ảnh: Nguyễn Đông

Tỷ lệ đi học trung bình của cấp tiểu học là 98,7%, theo cơ quan thống kê là ngưỡng cao và gần như không thay đổi qua các năm. Tỷ lệ này ở THCS là 95,6% và THPT là 79,9%.

"Có thể nói Việt Nam đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp tiểu học và tiệm cận mục tiêu hoàn thành phổ cập giáo dục THCS", Tổng cục Thống kê cho hay.

Riêng cấp THPT, năm 2024, người tốt nghiệp bậc học này chiếm 40% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên, tăng so với 25% của năm 2014. Song số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn thấp - trên 26%. Tỷ lệ qua đào tạo tăng chậm hàng năm là thách thức lớn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi dự báo Việt Nam sẽ chấm dứt thời kỳ dân số vàng vào năm 2038.

Tổng cục Thống kê cho biết kết quả này sẽ là cơ sở đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025, hoạch định chính sách giai đoạn 2026-2030, cũng như giám sát các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam cam kết.

Năm học 2024-2025, cả nước có khoảng 25 triệu người học, trong đó hơn 23 triệu ở bậc mầm non và phổ thông. Học phí các cấp từ 8.000 đến 220.000 đồng một học sinh mỗi tháng, tùy địa bàn. Đây là năm đầu tiên trẻ mầm non 5 tuổi được miễn học phí. Toàn ngành giáo dục có hơn 1,6 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý và người lao động, gần 54.000 trường học.

Hồng Chiêu

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022