Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 8/1 ban hành quy chế tuyển sinh THCS, THPT từ năm 2025, trong đó yêu cầu chỉ xét tuyển lớp 6. Quy chế có hiệu lực từ 14/2, tiêu chí xét tuyển do Sở Giáo dục và Đào tạo mỗi tỉnh, thành hướng dẫn.

Chị Huệ kể con gái học lớp 5 trường Tiểu học Phương Canh (Xuân Phương, Nam Từ Liêm). Vì năm nào con cũng đạt loại xuất sắc, gia đình hướng cho con thi vào các trường THCS có tiếng như Nguyễn Tất Thành, Ngoại ngữ và Nam Từ Liêm để có môi trường học tập tốt.

Từ năm lớp 4, chị Huệ bắt đầu cho con đi ôn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh ở trung tâm. Hàng ngày, chị chầu chực đưa đón, cả đi - về khoảng 10 km. Ngoài ra, chị nhờ gia sư kèm thêm riêng một buổi Toán ở nhà để con chắc chắn kiến thức đã học. Trung bình một tháng, tiền học thêm của bé khoảng 6,5 triệu đồng.

"Quá sốc", chị thốt lên. "Suốt một năm qua, con đã chăm chỉ, nỗ lực ôn tập nhưng sắp đến kỳ thi lại bị cấm".

tuu-truong-1935-1690952075-911-6792-4119-1736363574.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SeeM_jDAWb2g4zWge5e7Fw

Học sinh trường THCS Cầu Giấy trong lễ khai giảng năm học 2022-2023, hôm 5/9/2022. Ảnh: Giang Huy

Chị Nguyễn Mai Lan ở quận Bắc Từ Liêm cũng rối bời sau tin cấm thi. Đặt mục tiêu cho con vào trường chất lượng cao hơn một năm nay, chị Lan dồn hết tâm sức đưa đón, chăm sóc, thậm chí học cùng để giảng giải những bài con chưa hiểu.

Gần đây, chị đăng ký cho con thêm một lớp chuyên luyện đề ở Hoài Đức, cách nhà chừng 10 km. Tổng cộng, bé học ba buổi Toán, ba buổi Văn và hai buổi tiếng Anh, mỗi tuần. Chi phí học thêm khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng.

"Tôi thất vọng khi Bộ ra quyết định lúc các con chỉ còn vài tháng nữa là thi. Nếu thay đổi thì phải từ đầu năm học để phụ huynh và con có sự chuẩn bị", chị Lan nói.

Tương tự, chị Đặng Thị Nga ở quận Hà Đông thấy quy định chỉ được xét tuyển vào lớp 6 quá đột ngột. Bao năm qua, nhiều trường vẫn tổ chức thi tuyển nên thay đổi này khiến chị và nhiều người "trở tay không kịp". Bởi dù con là học sinh xuất sắc nhưng nếu trường xét thêm tiêu chí khác như giải thưởng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh, vẽ, văn nghệ... thì con chị không có.

Chị Huệ cùng chung suy nghĩ. Vì xác định cho con tập trung ôn thi, chị không đăng ký cho bé tham gia các kỳ thi để làm đẹp hồ sơ. Hơn nữa, theo chị, xét bằng điểm học bạ không công bằng vì giữa các trường chấm điểm không đồng đều.

"Xét tuyển sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh", chị Nga nhận định.

Bất ngờ, hoang mang, bối rối là tâm trạng của nhiều phụ huynh định cho con "chạy đua" vào lớp 6 trường chất lượng cao, trường tư thục top đầu ở Hà Nội.

Trên các diễn đàn của phụ huynh hôm qua, các bài đăng về chủ đề này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Đa số bất bình vì sự thay đổi, cho rằng xét tuyển là không công bằng, có thể dẫn đến tiêu cực. Ngoài ra, phụ huynh và học sinh rơi vào thế khó khi chưa biết xoay xở ra sao để đạt được mục tiêu.

Thực tế, các trường công thường tổ chức thi tuyển vào tháng 5-6, trong khi các trường tư thục như Đoàn Thị Điểm, Archimedes, Ngôi sao Hoàng Mai, Newton... đã nhận hồ sơ, thường thi tuyển vào tháng 2-3 hàng năm. Kỳ thi của mỗi trường thường thu hút hàng nghìn thí sinh, thậm chí lên tới 5.500 như ở THCS Nguyễn Tất Thành, Đại học Sư phạm Hà Nội, vào năm ngoái.

Bà Lê Minh Nguyệt, Hiệu trưởng trường THCS Lê Lợi, quận Hà Đông - một trong 5 trường cấp 2 công lập chất lượng cao, nói nhận được nhiều câu hỏi của phụ huynh, giáo viên, tất cả lo lắng, băn khoăn về chất lượng đầu vào nếu xét tuyển.

Bà cho hay chương trình giáo dục phổ thông có các mô hình trường học khác nhau. Mỗi mô hình có yêu cầu, mục tiêu giáo dục riêng. Như trường chất lượng cao thì đầu vào phải tương đối, học sinh phải có năng lực, phẩm chất tốt.

"Đầu vào có sự lựa chọn thì mặt bằng chung học sinh mới đồng đều. Nếu đánh đồng tất cả không thi thì không hợp lý lắm", bà nói. Nguyện vọng của trường là dùng bài kiểm tra đánh giá năng lực đầu vào, kết hợp xét học bạ.

Lý do là hàng năm trường nhận được hàng nghìn hồ sơ, đều là học sinh xuất sắc 5 năm hoặc điểm Toán, Tiếng Việt 10, tiếng Anh 9 trở lên ở hai năm cuối cấp. Nhưng, trường chỉ được nhận 210-250 em. Hồ sơ đông, điểm số giống nhau nên khó đánh giá đúng học sinh nếu không có bài kiểm tra.

Ở trường THCS Ngoại ngữ - nơi từng có "tỷ lệ chọi" thi lớp 6 lên tới 1/20-1/30, hiệu trưởng Nguyễn Huyền Trang cho biết đang xin ý kiến lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, về việc này.

Khẳng định vẫn có thể tuyển sinh được bằng xét tuyển, song một số nhà trường chung nhận định rằng quy chế mới còn bất cập và thiếu khoa học.

Tại TP HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết vẫn đề xuất tuyển sinh lớp 6 bằng bài kiểm tra đánh giá. Nhiều địa phương khác có mô hình trường trọng điểm như Nghệ An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... chưa có phương án.

thilop6-1-1736390741-5460-1736394235.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CcQHmFJPEq9AS-wef2KNLw

Thí sinh thi lớp 6, trường Trần Đại Nghĩa ở TP HCM, ngày 12/6/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Dù vậy, theo PGS. TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cấm thi lớp 6 giảm áp lực thi cử cho học sinh, khi các em mới từ tiểu học lên, hoạt động chủ đạo là học thông qua vui chơi.

Ông nhìn nhận, nếu có hệ thống tiêu chí xét tuyển đảm bảo tính minh bạch, công khai sẽ vừa tiết kiệm kinh phí, giảm áp lực lại công bằng, đánh giá toàn diện hơn, không chỉ tập trung mỗi điểm số. Việc này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục, không hướng đến bệnh thành tích.

Nhưng ông cũng băn khoăn tiêu chí sẽ xây dựng như thế nào cho công bằng, minh bạch rất khó bởi lâu nay vẫn có những lo ngại về chuyện "chạy học bạ", "chạy hồ sơ" để con được ưu ái.

"Việc xét tuyển không chừng lại gây căng thẳng cho toàn xã hội. Vì xét tuyển không có định lượng, chỉ có định tính. Cần lường trước việc này", ông nói.

Chuyên gia giáo dục cho biết ở các nước, học sinh được xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn hoặc viết bài luận. Nhưng ở Việt Nam, những hình thức này có thể không hiệu quả, gây lùm xùm dư luận.

Việc đưa ra quy chế mới, theo ông Nam là tốt cho học trò nhưng sự thay đổi quá nhanh, khi các gia đình đã chuẩn bị thời gian dài, đã gây ra sự căng thẳng. Những nhà làm chính sách đã chưa thực sự để tâm đến ảnh hưởng tâm lý của đối tượng yếu thế nhất là học sinh.

"Khi ban hành chủ trương, nhẽ ra phải công bố luôn phương án giải quyết, đưa ra được phương thức triển khai, giám sát thì phụ huynh mới an tâm. Giờ việc này lại giao các Sở, trong khi họ làm cũng phải dựa trên sự thống nhất", ông phân tích.

Trả lời VnExpress sáng 9/1, nhiều trường tư thục cho hay chưa thể có phương án tuyển sinh lớp 6 ngay vì cần có thời gian nghiền ngẫm quy chế mới của Bộ. Đại diện trường Tiểu học, THCS và THPT Ngôi Sao Hoàng Mai nói chuẩn bị họp để trao đổi về việc này.

Ông cho biết hàng năm, trường nhận được hàng nghìn hồ sơ, trong khi chỉ tiêu chỉ khoảng vài trăm. "Dù gì vẫn cần kiểm tra đánh giá đầu vào", ông nói. Nếu xét tuyển, có thể học bạ chỉ là một phần, ngoài ra dựa vào một số cuộc thi.

Trường THCS Đoàn Thị Điểm sáng nay ra thông báo dừng nhận hồ sơ lớp 6 cho đến khi có phương án tuyển sinh mới. Trong khi đó, trường liên cấp Nguyễn Siêu đã tuyển xong, do trường này tổ chức thi cách đây một tuần.

Chưa rõ tiêu chí xét tuyển là gì nhưng chị Huệ tính cho con thi lấy chứng chỉ tiếng Anh TOEFL Primary để tăng cạnh tranh cho hồ sơ. Chị Nga cũng xoay sang chứng chỉ tiếng Anh, còn chị Lan nói chưa có phương án.

"Chắc tôi vẫn nộp hồ sơ và cho con học tiếp ở trung tâm để nắm vững kiến thức", chị nói.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022