Thúy Ngân, 25 tuổi, tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đã có hơn chục năm học tiếng Hàn Quốc. Hiện cô duy trì học tiếng để chờ cơ hội du học hoặc làm việc cho các cơ quan của Hàn Quốc.
Ngân bén duyên với tiếng Hàn nhờ mê idol (thần tượng), là fan của ban nhạc DBSK gồm 5 thành viên nam từ khi là học sinh lớp 5. Ngày đó mạng xã hội chưa phát triển nên Ngân thường copy những bài hát của nhóm vào đĩa CD rồi mở trên máy tính.
"Tất cả đồ dùng từ cặp sách, hộp bút đều có hình ảnh của thần tượng. Đi họp fan club, tôi là người nhỏ tuổi nhất", Ngân nhớ lại. Tiếng Hàn khi ấy còn mới, chưa có nhiều trung tâm dạy nên Ngân tự học để hiểu ý nghĩa bài hát. Mãi tới cấp 3, Ngân mới xin bố mẹ cho đi học ở trung tâm.
Trong khi đó, Trần Thái Thị Tú Anh, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đến với tiếng Hàn qua tư vấn của mẹ.
"Mẹ nhìn thấy sự xuất hiện của nhiều tập đoàn, công ty Hàn Quốc ở Việt Nam, nên bà dự đoán sẽ nhiều việc làm", Tú Anh nói. Từ năm thứ hai, Tú Anh đã đi dạy tiếng Việt cho người Hàn và làm một số công việc liên quan. Hiện cô làm cho một công ty Hàn Quốc với lương 13 triệu đồng một tháng.
Ngân và Tú Anh là hai trong hơn 50.000 người đang học tiếng Hàn tại Việt Nam với mong muốn tìm hiểu văn hóa, du học hoặc nắm bắt cơ hội việc làm. Các chuyên gia nhìn nhận nhu cầu học tiếng Hàn còn tăng trong vài năm tới.
Ngân thăm Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc KOICA, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, Việt Nam là nước có quy mô đào tạo và nghiên cứu về ngôn ngữ văn hóa Hàn lớn nhất và toàn diện nhất khu vực châu Á.
Đến thăm Đại học Quốc gia Hà Nội hôm 22/6, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chia sẻ: "Tôi được biết tiếng Hàn đã trở thành sự lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam. Không chỉ sinh viên mà ngay cả khối phổ thông cơ sở hay phổ thông trung học đã có nhiều em theo học tiếng Hàn Quốc".
Nếu như năm 1993, Việt Nam mới có hai trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và TP HCM mở ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 100, thì nay gần 60 trường đại học và cao đẳng có ngành học tương tự. Số sinh viên chính quy lên tới 25.000 người.
Ở một số trường, những ngành học này nhiều năm lấy điểm chuẩn cao chót vót. Năm 2022, ba ngành của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm cao nhất 29,95/30, trong đó có Hàn Quốc học. Còn ở Đại học Hà Nội, Ngôn ngữ Hàn Quốc là ngành có đầu vào cao nhất với 37,55/40 điểm. Nếu không có điểm cộng, thí sinh phải đạt trung bình 9,4-9,98 điểm mỗi môn mới đỗ.
Ở phổ thông, Việt Nam đưa môn tiếng Hàn vào giảng dạy từ năm 2018, là nước duy nhất trên thế giới dạy môn này như ngoại ngữ một từ lớp 3. Số học sinh đang học tiếng Hàn khoảng 10.900.
Kể từ năm 2021, Việt Nam đứng đầu về số sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc với 70.212 người, theo thống kê tháng 2/2023. Khoảng 40% số này sang để học tiếng. Hàn Quốc hiện là một trong hai quốc gia mà người Việt du học đông nhất, cùng với Nhật Bản.
Theo TS Trần Thị Hường, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, phong trào học tiếng Hàn bắt đầu khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 12/1992. Số người học tiếng ngày càng tăng cùng với sự phát triển "chưa từng thấy" trong quan hệ hợp tác.
Lý do thứ hai, theo TS Đặng Thiếu Ngân, Giám đốc đối ngoại, Công ty Naver Việt Nam, tiếng Hàn càng "hot" khi làn sóng Hallyu (trào lưu Hàn Quốc) du nhập qua phim ảnh, ẩm thực, thời trang, Kpop..., kể từ những năm 1994-1996.
Sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn Hàn Quốc vào Việt Nam, trong đó có nhiều tên tuổi như Samsung, LG, SK, Posco, Huyndai, Lotte Group là cú hích để tiếng Hàn lên ngôi khi nhu cầu nhân lực sử dụng ngôn ngữ này tăng đột biến. Tính đến tháng 4, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với gần 82 tỷ USD vốn đăng ký, đứng thứ hai về vốn viện trợ phát triển (ODA), thứ ba về thương mại ở Việt Nam.
Do đó, nhiều người trẻ học tiếng Hàn vì cơ hội việc làm nhiều. Theo bà Hường, lương khởi điểm của sinh viên Ngôn ngữ Hàn sau khi ra trường từ 9 đến 15 triệu đồng một tháng. Sau 2-3 năm, nhiều người nhận mức trên 20 triệu đồng.
"Những bạn làm phiên dịch tự do có chuyên môn cứng có thể được trả 3.000 - 5.000 USD (70-110 triệu đồng)", bà Hường nói. Trong khi đó, thu nhập trung bình của người Việt hàng tháng hiện là 6,7 triệu đồng.
Khảo sát năm 2019 của trường về tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp cho thấy ở nhóm ngành ngôn ngữ, sinh viên Hàn Quốc học tìm được việc nhanh nhất và nhiều nhất với tỷ lệ 98%.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và phu nhân chụp hình kỷ niệm với sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 22/6. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc
Nhu cầu học tiếng Hàn tăng dẫn đến một số hệ quả, trong đó có thiếu giáo viên. Theo tiến sĩ Hường, một số nơi thiếu trầm trọng, đặc biệt ở khối phổ thông do lương thấp.
Ngoài ra, cạnh tranh trên thị trường việc làm cũng khốc liệt hơn. Nếu trước đây sinh viên tiếng Hàn dễ dàng vào các doanh nghiệp Hàn Quốc thì vài năm gần đây, họ không còn "độc chiếm địa bàn", theo TS Ngân. Nhiều sinh viên Kinh tế, Luật, Tài chính... cũng học tiếng Hàn để tăng cơ hội tìm việc. Tuy nhiên, bà Ngân đánh giá đây là tín hiệu tốt, tạo môi trường cạnh tranh tích cực để sinh viên đầu tư thêm các kỹ năng, chuyên môn sâu.
Tú Anh nói không quá lo lắng vì với lợi thế ngôn ngữ, cô sẽ được các công ty tuyển dụng đào tạo thêm. Nữ sinh dự định tìm học bổng để du học Hàn Quốc.
Còn Ngân nhận mình có duyên với Hàn Quốc khi cuộc sống và công việc xoay quanh ngôn ngữ này. Bị nhiều người nói viển vông khi học tiếng Hàn vì hâm mộ thần tượng, cô đã tới Đại học Hàn Quốc - một trong những đại học hàng đầu ở đây khi tham gia chương trình trao đổi hồi năm thứ ba đại học. Ngân được mời phiên dịch các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hướng dẫn sinh viên Hàn Quốc sang Việt Nam trao đổi và làm việc tại Cơ quan xúc tiến Thương mại thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc.
"Tiếng Hàn làm thay đổi cuộc đời tôi và mở ra cho tôi nhiều cơ hội không ngờ", Ngân nói.
Bình Minh