Ngày 20/9, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã trình UBND thành phố dự thảo hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông công lập. Mức hỗ trợ là phần chênh lệch giữa học phí năm 2022 với 2021, cụ thể như sau:
Trong đó, nhóm 1 (thành thị) gồm thành phố Thủ Đức và các quận tại TP HCM. Nhóm 2 (nông thông) là năm huyện còn lại, gồm Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.
Học sinh trường Mầm non 19/5, quận 1 đến trường hồi tháng 2. Ảnh: Quỳnh Trần
Đề xuất này được đưa ra sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá mức chênh lệch, sự tác động tới đời sống người dân sau khi dự thảo quy định khung học phí năm học 2022-2023 được công bố. Nếu thành phố áp dụng mức mới này, học phí bậc nhà trẻ, mẫu giáo nhóm 2 không tăng so với năm 2021, nhưng nhóm 1 tăng 1,5-1,9 lần. Tại bậc phổ thông, THCS tăng 5 lần, còn lại 2-3 lần.
Thực tế trong 6 năm qua, TP HCM không tăng học phí (mức thu năm 2021 đã được áp dụng từ 2016). Do đó, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, khi phải điều chỉnh mức thu theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 81 năm 2021, dù áp dụng mức thấp nhất, con số này vẫn có sự chênh lệch đáng kể với mức thu cũ, gây phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội và phụ huynh. Bên cạnh đó, Sở đánh giá 2021-2022 là năm học "chưa có tiền lệ, gây nhiều xáo trộn đến đời sống, ảnh hưởng kinh tế của người dân", nên cần có chính sách hỗ trợ phù hợp và kịp thời.
Nếu đề xuất này được thông qua, chính sách hỗ trợ được áp dụng ngay từ năm học 2022-2023. Tổng chi ngân sách để thực hiện hỗ trợ dự kiến 1.541 tỷ đồng - nhiều nhất cả nước. Ngoài TP HCM, nhiều tỉnh, thành khác cũng đã ban hành chính sách hỗ trợ học phí năm nay và được thông qua, như Hà Nội 1.330 tỷ đồng, Hải Phòng 400, Đà Nẵng 450, Cần Thơ 309, Quảng Ninh 458, Bà Rịa - Vũng Tàu 140.
Thanh Hằng - Thu Hằng