Trong hơn 1.000 sinh viên nhận bằng tốt nghiệp ngày 25/4 của Đại học Bách khoa TP HCM, Lã Nguyễn Gia Hy, 22 tuổi, sinh viên khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính, dẫn đầu về điểm trung bình (GPA), được trao huy chương vàng.

"Em hoàn tất chương trình cuối năm ngoái và biết điểm GPA 4.0 trước Tết, lúc đó rất vui nhưng không bất ngờ vì đây là mục tiêu trong kế hoạch", Hy kể.

Xuất thân là học sinh chuyên Toán trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, Hy được tuyển thẳng Đại học Bách khoa bằng giải nhì học sinh giỏi quốc gia.

Nam sinh kể thời điểm chọn ngành học cũng là lúc chương trình máy tính chơi cờ vây Alphago của Google đánh bại kỳ thủ hàng đầu thế giới. Việc suy nghĩ, tính toán nước cờ vốn được xem là một trong những thử thách phức tạp nhất đối với máy tính nhưng Alphago đã làm được khiến Hy thán phục, quyết tâm tìm hiểu ngành này.

Sau này, sự xuất hiện của các mô hình AI tạo sinh như ChatGPT hay Deepseek càng khiến em tò mò và muốn đi sâu vào định hướng Trí tuệ nhân tạo trong ngành Khoa học máy tính.

thu-khoa-dh-bach-khoa-tp-hcm-j-8561-9300-1745520902.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zSV9bARFFpe7qKU0sFBhTw

Lã Nguyễn Gia Hy. Ảnh: Như Quỳnh

Đặt chân vào Bách khoa, Hy xác định không có đường tắt cho việc học. Em lên kế hoạch học tập, tận dụng thời gian để duy trì kết quả tốt nhưng không phải học "bạt mạng", thâu đêm suốt sáng. Nam sinh duy trì sự cân bằng và tinh thần tích cực nhờ dành thời gian đọc sách, nghe nhạc mỗi ngày và chơi thể thao vào cuối tuần.

Thời gian hè, Hy chủ động xem qua một lượt các môn cơ sở và chuyên ngành. Đến khi vào học chính thức, em có thêm một lần "sơ duyệt", giúp ôn thi cuối kỳ nhẹ nhàng hơn, có thời gian cho các bài tập lớn.

"Em lên kế hoạch trong kỳ I, kỳ II sẽ đăng ký những môn nào. Mỗi môn đều có thông tin giáo trình, tài liệu, nên em lên mạng học trước", nam sinh chia sẻ.

Hy cho biết đa số thầy cô ở Bách khoa đều có slide bài giảng khi đi dạy. Nhiều bạn chọn ôn theo tài liệu này vì "cô đọng" hơn giáo trình. Nhưng em chọn đọc kỹ giáo trình. Mỗi cuốn dày khoảng 400-500 trang, Hy tập trung vào các chương được giảng trên lớp, kết hợp với slide để hiểu bài một cách toàn diện.

Em chủ động tìm thêm tài liệu từ YouTube và làm đề thi của các trường khác để mở rộng góc nhìn. Nhờ đó, Hy duy trì điểm số cao, đạt học bổng khuyến khích học tập của trường ở cả 6 học kỳ đã qua.

"Không phải môn nào mình cũng thích và hứng thú tìm hiểu, đào sâu. Nhưng em đều đặt kỷ luật cho bản thân, mỗi ngày xem thêm được bao nhiêu trang giáo trình, làm thêm được bao nhiêu bài tập", Hy nói.

Theo Hy, để tốt nghiệp sớm, sinh viên cần tìm hiểu kỹ quy chế học vụ và chương trình học của ngành để xây dựng lộ trình phù hợp. Nam sinh lấy ví dụ trường yêu cầu hoàn thành đồ án chuyên ngành trước khi làm đồ án tốt nghiệp, nên em thực hiện đồ án chuyên ngành sớm vào học kỳ 2 của năm thứ ba.

Nam sinh kể đây là giai đoạn căng thẳng nhất trong thời đại học. Em cùng lúc làm đồ án chuyên ngành, tìm nơi thực tập và học Nguyên lý ngôn ngữ lập trình - môn khó nhất trong chương trình. Đây là môn duy nhất Hy không đạt điểm A (8,5 điểm trở lên).

Nhờ hoàn thành sớm, học kỳ cuối của Hy nhẹ nhàng hơn, chỉ cần hoàn thành 7 tín chỉ, bao gồm đồ án tốt nghiệp. Em tận dụng cơ hội này để học cải thiện cả 6 môn chính trị, xã hội, đều đạt điểm A.

Điều khiến Hy tiếc nuối là đã không tham gia nghiên cứu khoa học sớm hơn. Phải đến cuối năm thứ ba, nam sinh mới bắt đầu nghiên cứu, thực hiện hệ thống chatbot tư vấn tuyển sinh của trường và hệ thống phân loại rác thải bằng AI.

Gia-Hy-1745519832-5941-1745520902.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eDMV9lbGiD1thI43EjVcfg

Gia Hy (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm nghiên cứu của khoa, tháng 4. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Quản Thành Thơ, Trưởng khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, đánh giá Hy là sinh viên xuất sắc. Em có nền tảng kiến thức tốt, khả năng tự học cao và luôn nghiêm túc trong học tập cũng như nghiên cứu.

Khi tham gia nhóm nghiên cứu cùng thầy, nam sinh thể hiện sự chủ động và cầu tiến rõ rệt. Hy tự tìm hiểu nhiều tài liệu chuyên sâu, nắm bắt vấn đề nhanh và không ngại đề xuất những hướng tiếp cận mới.

Đề tài của Hy giải quyết một bài toán đang thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng nghiên cứu, khai thác đồ thị tri thức vào các hệ thống mô hình ngôn ngữ lớn để tăng độ chính xác của tri thức dùng để trả lời người hỏi. Dù vẫn trong giai đoạn đầu, em đã cho thấy tiềm năng nghiên cứu rất tốt.

"Tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi, khả năng làm việc độc lập và đặc biệt là thái độ nghiêm túc, trách nhiệm mà em thể hiện trong suốt quá trình làm việc cùng nhóm", PGS.TS Thơ nhận xét.

Với định hướng học lên tiến sĩ chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo, Hy đang nộp hồ sơ ứng tuyển một số đại học châu Á, châu Âu, Mỹ. Nam sinh ưu tiên các chương trình thạc sĩ hoặc tiến sĩ có học bổng toàn phần.

"Em cố gắng mở rộng phạm vi ứng tuyển để tăng cơ hội, chỉ cần có môi trường học tập phù hợp và cơ hội học bổng, thì em đều nỗ lực để theo đuổi", Hy nói.

Trong thời gian chờ kết quả, nam sinh tập trung phát triển khả năng đọc hiểu tài liệu học thuật, viết báo khoa học và giao tiếp học thuật bằng tiếng Anh nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt trong nghiên cứu khoa học thời sinh viên.

Lệ Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022