Quy trình mở ngành đào tạo mới được các trường đại học quan tâm tại Hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, hôm 15/5 ở TP HCM. Ban soạn thảo luật dự kiến chuyển "quy trình mở ngành" thành "quy trình đăng ký và cấp phép hoạt động theo lĩnh vực, trình độ và địa điểm đào tạo".
TS Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing, đánh giá đây là "bước lùi khá sâu" so với hiện nay. Ông cho biết hiện các trường đã tự chủ (hầu hết) được chủ động mở ngành, nhóm còn lại phải xin phép Bộ.
"Cần xem xét lại. Nên chăng, chúng ta chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Các trường đã xác định đủ năng lực sẽ tự công bố mở ngành, Bộ hậu kiểm", ông Việt đề xuất.
Theo TS Việt, quy trình đăng ký - cấp phép chỉ nên thực hiện ở lĩnh vực kinh doanh hoặc tổ chức hoạt động giáo dục có điều kiện. Nếu mở ngành cũng phải xin cấp phép sẽ kéo theo hàng loạt thủ tục như rút giấy phép và "đẻ thêm" một bộ máy thực hiện các hoạt động này.
"Khi quyết định mở ngành đào tạo, trường đại học tự chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội. Việc cấp phép, nên chăng, chỉ dành cho một số lĩnh vực rất đặc thù như giáo viên, sức khỏe, pháp luật, quốc phòng, an ninh", ông nói.

TS Phạm Quốc Việt, Phó hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing, nêu ý kiến tại hội thảo, ngày 15/5. Ảnh: ULAW
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, nói nghe đến quy trình đăng ký - cấp phép, các trường đại học đều ái ngại, lo bị siết tự chủ.
Trả lời, GS Nguyễn Tiến Thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho biết ban soạn thảo dự kiến chỉ yêu cầu các trường thực hiện quy trình đăng ký- cấp phép với chương trình đầu tiên của một ngành mới.
Ông giải thích, một ngành có nhiều chương trình đào tạo, ví dụ ngành Hóa có chương trình Hóa hữu cơ, Hóa sinh, Hóa vật liệu. Khi muốn mở ngành Hóa, các trường chỉ cần làm thủ tục với chương trình Hóa hữu cơ, sau đó được mở chương trình còn lại mà không cần xin phép.
GS Thảo cho hay luật hiện nay quy định trường tự chủ mới được tự mở ngành. Sắp tới, hướng tiếp cận là không cần yêu cầu này. Tuy nhiên, điều kiện mở ngành mới đòi hỏi đội ngũ giảng viên có trình độ, cơ sở vật chất đầy đủ. Nếu không, Bộ có quyền yêu cầu dừng.
"Nếu không yêu cầu kê khai - cấp phép thì nhà nước quản lý bằng gì? Nếu các trường tự chủ rồi tự mở ngành lung tung, không đảm bảo chất lượng thì sao?", ông Thảo nêu vấn đề.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho rằng các trường không nên quá lo lắng, việc khai báo được triển khai trên hệ thống điện tử, giảm hồ sơ, giấy tờ.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận Luật giáo dục đại học 2018 có khái niệm "mở ngành mới", dẫn đến hàng trăm ngành ra đời mà không nằm trong danh mục do Nhà nước quy định. Sinh viên tốt nghiệp không biết ngành ghi trên văn bằng thuộc nhóm nào. Thực tế, nhiều trường mở chương trình đào tạo chứ không phải ngành mới.
Theo Thứ trưởng, Bộ không muốn kiểm soát lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh ngày càng trao quyền nhiều hơn cho các trường. Tuy nhiên, thời gian qua, bên cạnh những trường làm nghiêm túc lại có những đơn vị lạm dụng, làm chưa đúng.
"Quy định mới đưa ra nhằm hạn chế sự lạm dụng", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại hội thảo. Ảnh: ULAW
Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành, miễn đáp ứng các quy định của Bộ. Còn trước đó, trường muốn mở phải xây dựng chương trình, lập hồ sơ để hội đồng khoa học thông qua, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra điều kiện thực tế, sau đó có một hội đồng chuyên môn thẩm định rồi chuyển lên Bộ chờ xem xét, phê duyệt.
Sự thay đổi này khiến từ năm 2019 đến tháng 8/2023, các trường mở mới gần 1.200 ngành, theo thống kê của Bộ.
Hồi tháng 4/2024, thanh tra Bộ chỉ ra nhiều trường phải đóng hàng loạt ngành vì không có sinh viên hoặc không đảm bảo quy định.
Lệ Nguyễn