"Điều đó thể hiện sự tôn trọng và chấp hành pháp luật Việt Nam của các tổ chức, đơn vị", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết trong văn bản gửi báo chí chiều 10/11.
Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam được quy định tại Nghị định số 86 năm 2018 của Chính phủ về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, một số quy định tại Nghị định này chưa cụ thể nên sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban thành Thông tư số 11 ngày 26/7/2022 quy định rõ các điều kiện. Ông Độ khẳng định thông tư này đã được lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận của của các đơn vị trong nước và quốc tế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các bên thông qua nhiều kênh (trực tiếp, điện thoại, e-mail) và khẩn trương thẩm định nhưng hồ sơ đề nghị phê duyệt liên kết của nhiều cơ sở tổ chức thi chưa đạt yêu cầu.
"Các yêu cầu bảo đảm chất lượng, tiêu chí liên kết hoặc tư cách pháp nhân của các bên liên kết, thông tin thể hiện tại các đề án cũng không đủ hoặc không rõ ràng nên Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đủ căn cứ để phê duyệt và công bố công khai cho dư luận giám sát", ông Độ nói.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, tại buổi họp báo về Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chiều 8/7. Ảnh:Thanh Hằng
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá thời gian qua việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam (về cơ sở vật chất, thiết bị, đội ngũ cán bộ coi thi, giám sát) dẫn đến một số tiêu cực như thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ.
"Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc", Thứ trưởng nói. Ngoài ra, việc này còn khiến người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi, gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Theo quy định hiện nay, để được tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ theo mẫu và đề nghị Bộ phê duyệt, gồm Đơn đề nghị, Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài, Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết, Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
"Nếu hồ sơ đảm bảo các yêu cầu, Bộ sẽ xử lý nhanh nhất để bảo đảm đúng quy định, khoảng 20 ngày", ông Độ nói, cho biết sau khi phê duyệt sẽ đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để người dân biết.
Từ tối qua hai đơn vị tổ chức thi IELTS ở Việt Nam đã ra thông báo dừng thi chứng chỉ này trong toàn quốc. Theo ghi nhận của VnExpress, không chỉ IELTS mà một số đợt thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác như chứng chỉ tiếng Anh Aptis, Cambridge (Starters, Movers, Flyers, PET, KET), chứng chỉ HSK, HSKK (đánh giá năng lực Hán ngữ quốc tế), Nat-test (năng lực tiếng Nhật) cũng bị thông báo hoãn từ trước đó.
Tuy nhiên, việc hoãn thi IELTS được quan tâm vì nhu cầu nộp hồ sơ du học, làm việc lớn hơn. Vài năm gần đây, nhiều đại học Việt Nam còn có xu hướng tuyển sinh bằng điểm IELTS kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Chứng chỉ này cũng được sử dụng rộng rãi để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên, cộng điểm ưu tiên hay tuyển thẳng vào lớp 10 ở một số tỉnh, thành. Lệ phí thi IELTS hiện nay là hơn 4,6 triệu đồng một lượt.
Bình Minh