Theo dữ liệu của tổ chức hỗ trợ trầm cảm và lo lắng Châu Phi, cứ 4 sinh viên đại học tại Nam Phi thì có một người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm, một nửa trong số đó bắt đầu xuất hiện vấn đề sức khỏe tâm thần từ năm 14 tuổi. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Hoa Kỳ) cũng chỉ ra, cứ 1 trong 6 trẻ em Hoa Kỳ trong độ tuổi từ 2 - 8 tuổi (17,4%) được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần, hành vi hoặc phát triển.

Tương tự, báo cáo Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam của UNICEF năm 2015 chỉ ra, tỷ lệ hiện mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8% đến 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo tỉnh, giới tính và đặc điểm của người trả lời. Trên mẫu đại diện quốc gia của 10 trong số 63 tỉnh/thành cho thấy mức trung bình các vấn đề sức khỏe tâm thần trẻ em vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến nhất trong trẻ em Việt Nam là các vấn đề hướng nội (ví dụ như lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (ví dụ như tăng động và giảm chú ý), vấn đề về lạm dụng chất, đặc biệt là thuốc lá và phổ biến trong nam vị thành niên Việt Nam (gần 40%).

Trước những con số biết nói trên, một tên gọi cho Gen Z ra đời - Thế hệ bông tuyết (snowflake). Những “bông tuyết” sớm được nuôi dưỡng trong sự phát triển của công nghệ thông tin, mạnh về tri thức nhưng cũng dễ tổn thương nhất.

photo-5-171127162250632274149.jpg

Ảnh minh họa

Những bông tuyết “lấp lánh” nhưng “dễ vỡ”

Theo từ điển Cambridge, Snowflake ám chỉ người bị cho là quá dễ buồn bã và bị xúc phạm. Merriam-Webster cho biết, thuật ngữ này đã xuất hiện tại Mỹ từ những năm 1860s. Từ “snowflake” được phổ biến trong giới học thuật thông qua cuốn sách I Find That Offensive! (2016) của Claire Fox. Nội dung sách viết về cuộc tranh luận giữa sinh viên và giáo viên tại Đại học Yale về trang phục trong lễ Halloween.

Cụ thể, những trang phục này bị cho là thiếu văn hóa và các giáo viên đã có ý định ngăn không cho sinh viên mặc chúng. Cuộc tranh luận sau đó đã được quay lại và lan truyền trên mạng. Nhiều người chỉ trích thái độ của những sinh viên quá dữ dội, dẫn đến biệt danh Snowflake Generationđược đặt cho họ.

Đối với các thế hệ khác, người trẻ nói chung và Gen Z nói riêng chẳng khác gì một “đám trẻ đang khóc”, một thế hệ bông tuyết lấp lánh thật đấy nhưng yếu đuối vô cùng. Họ gán mác cho người trẻ bằng “lời đồn thổi vô căn cứ” như: Lười biếng và lạm quyền; Dễ bị tổn thương và bạo lực hơn; Không giỏi tiết kiệm và đầu tư; Dễ bị phân tâm hơn trước mọi vấn đề; Yếu đuối về mặt cảm xúc…

Thậm chí, dù được nhận định là thế hệ quan tâm đến các vấn đề tâm lý, nhưng Gen Z lại là thế hệ dễ mắc các vấn đề tâm lý nhất.

photo-4-1711271621278953764199.jpg

Ảnh minh họa

Vì sao trẻ em bây giờ lại “yếu ớt” như vậy?

Có rất nhiều lý do khiến giới trẻ xuất hiện vấn đề về sức khỏe tâm lý, từ sự cạnh tranh gay gắt trong học tập và công việc đến áp lực từ mạng xã hội và sự không chắc chắn về tương lai. Thậm chí chỉ vì muốn gây sự chú ý, chỉ vì muốn được công nhận mà nhiều bạn đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của đời người chọn cách tự làm đau mình, hay thậm chí tìm đến cái chết khiến nhiều người đau lòng, xót thương.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh đến từ Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare (Hà Nội) chia sẻ: “Tự tử dưới góc độ của tâm lý học là một phương pháp để nhiều người chấm dứt các cơn đau tâm lý mà họ chưa đủ sức khỏe tinh thần để chống chịu được. Vậy nên khả năng chống chịu căng thẳng của mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào tuổi tác, giới tính, vị trí xã hội và môi trường nền tảng sống…

Đặc biệt đối với giới trẻ của thế hệ này, nguyên nhân khiến các em lựa chọn một giải pháp cực đoan như vậy là vì sức mạnh nội tâm của các em chưa đủ lớn cộng thêm sự mỏng manh về ý chí sống và sự gắn kết lỏng lẻo trong mối quan hệ giữa người với người, thì chỉ cần một mâu thuẫn nhỏ với bố mẹ, thầy cô hay bạn bè cũng có thể kích động trẻ làm những điều dại dột”.

photo-3-17112716196321723131727.jpg

Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh (Viện Tâm lý - Giáo dục BrainCare)

Quả thực là vậy, môi trường giáo dục có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ. Một sự thật không thể phủ nhận là nhiều đứa trẻ hiện đang sống trong môi trường bảo bọc quá mức, được nuôi dưỡng với sự chăm sóc, yêu thương và kỳ vọng của cả gia đình. Nhưng khi mọi nhu cầu về vật chất và tinh thần đều được đáp ứng một cách quá mức, trẻ có thể sẽ phát triển tâm lý phụ thuộc và thiếu tự lập. Khi gặp khó khăn hay thất bại, trẻ không biết cách tự vực dậy mà thay vào đó bỏ cuộc dễ dàng.

Bên cạnh đó, áp lực học tập và thành tích cũng ngày càng tăng cao, đôi khi đặt nặng vấn đề thành công hơn là quá trình học hỏi và phát triển cá nhân. Trẻ em bị đẩy vào cuộc đua không ngừng nghỉ, khiến họ không có cơ hội để thất bại và học hỏi từ thất bại đó - một bước quan trọng trong việc hình thành tính cách mạnh mẽ. Nhưng mọi người đã quên rằng, một “đặc quyền” của người trẻ là được sai và dám sai. Thất bại chưa bao giờ là điều đáng sợ, đáng sợ hơn chúng ta không biết làm cách làm để đứng lên từ thất bại đó.

Trẻ cần được học cách đối mặt với những thất bại nhỏ để từ đó xây dựng nền tảng vững chắc cho những điều lớn lao. Như cây cần không gian để phát triển tự nhiên, trẻ cũng cần được tự do khám phá và trải nghiệm thế giới xung quanh.

Ngoài ra, sự phát triển của công nghệ thông tin đã khiến trẻ em ngày càng dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử, hạn chế thời gian vui chơi ngoài trời và tương tác trực tiếp với bạn bè. Điều này không chỉ làm giảm cơ hội để trẻ rèn luyện khả năng chịu đựng và giải quyết vấn đề, mà còn có thể dẫn đến nhiều vấn đề tâm lý, từ lo âu đến rối loạn hành vi.

“Hệ thống nhu cầu của Maslow”

Các thế hệ đi trước mặc dù phải đối mặt với nhiều quy tắc kỷ luật nghiêm ngặt, thậm chí là trải qua hình phạt đòn roi nặng nề, nhưng lại ít phải chịu các vấn đề tâm lý so với thế hệ hiện tại. Chính vì thế, người lớn vô hình chung gán mác con trẻ là một thế hệ “yếu đuối”, là những bông tuyết lấp lánh nhưng dễ vỡ.

Không ít bạn trẻ từng lắng nghe những câu nói “huyền thoại” của các bậc phụ huynh như: “Ngày xưa, bố mẹ có được ăn sung mặc sướng như thế này đâu. Toàn phải ăn cơm độn ngô, cơm độn sắn đấy thôi mà vẫn cố gắng học tập, con chỉ có việc ăn và học thôi mà cũng không xong”.

Rồi những lời than trách con nhà mình chẳng bằng con nhà người ta: “Bạn kia học giỏi con nhỉ, nhà người ta không có điều kiện mà còn cố gắng như thế. Con được một phần như bạn thì có phải tốt không?”.

Theo Hệ thống nhu cầu của Maslow - một lý thuyết về tâm lý học được đề xuất bởi Abraham Maslow trong bài viết A Theory of Human Motivation năm 1943, bốn cấp cơ bản nhất của kim tự tháp chứa những điều kiện mà Maslow gọi là “nhu cầu thiếu”: lòng tự trọng, tình bạn - tình yêu, an toàn và nhu cầu thể chất.

Nếu những “nhu cầu thiếu hụt” này không được đáp ứng - ngoại trừ nhu cầu cơ bản nhất (sinh lý) - chúng có thể không có dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài, nhưng cá nhân sẽ cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Mức độ nhu cầu cơ bản nhất phải được đáp ứng trước khi có khao khát về nhu cầu khác.

Mỗi cá nhân cần được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trước khi có thể tiến lên các cấp độ cao hơn của sự tự hoàn thiện. Hiện, thế hệ trẻ có thể có đầy đủ những điều kiện để đáp ứng tầng nhu cầu sinh lý và nhu cầu an toàn của tháp Maslow. Vậy còn nhu cầu được yêu thương, được lắng nghe và có một nơi được thuộc về thì sao? Bao nhiêu phụ huynh nghĩ cho con một cuộc sống đầy đủ thì đã là yêu thương con rồi? Chính sự thiếu hụt này có thể dẫn đến hệ quả là cảm giác cô đơn, trạng thái trầm cảm và các vấn đề về tâm lý khác mà trẻ em phải đối mặt.

photo-2-17112716183171711261186.jpg

Ảnh minh họa

Thách thức của việc so sánh giữa các thế hệ nằm ở chỗ từng thế hệ phải đối mặt với những hoàn cảnh và khó khăn riêng biệt. Đây là điều không thể đo lường một cách công bằng được bởi chúng ta không thể áp dụng bối cảnh xã hội của thế hệ này để đánh giá thế hệ khác. Mặc dù thế hệ trước đã vượt qua nhiều khó khăn, nhưng không thể phủ nhận rằng thế hệ trẻ hiện nay cũng phải đối mặt với những thách thức của riêng mình.

Đứng dưới góc độ của một nhà tham vấn và trị liệu tâm lý, Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh cũng nhận định: “Ở hầu hết mọi thời đại đều có áp lực và cũng có nhiều người với sức khỏe tinh thần mỏng manh, chưa gia tăng được sự chống chịu với căng thẳng mà kết thúc cuộc sống của mình. Tuy nhiên ở thời đại này, các câu chuyện về một cậu bé hoặc cô bé nào đó kết thúc sự sống của mình vì một áp lực nào đó từ gia đình hoặc nhà trường quá dễ dàng xuất hiện trên mạng xã hội và truyền thông. Đây vừa là vấn đề của thời đại khi mà trẻ thấy được các bạn mình làm được mình cũng sẽ làm được mà cũng như là một lời kêu cứu của thế hệ trẻ đến với bố mẹ và những nhà làm giáo dục tại Việt Nam. Trẻ cần được lắng nghe nhiều hơn và được nuôi dưỡng sức khỏe tâm trí lành mạnh hơn”.

Vậy nên, chúng ta nên nhìn nhận một cách đa chiều hơn về những áp lực mà người trẻ ở đây đang gặp phải. “Thời thế - thế thời”, mỗi thời đại sẽ phải gánh chịu những áp lực khác nhau. Điều phụ huynh đang thiếu ở đây đó là sự thấu hiểu từ các bậc cha mẹ và một sự định hướng đúng đắn cho sự phát triển toàn diện tâm sinh lý trong môi trường xã hội đang liên tục đổi thay một cách chóng mặt.

Đã đến lúc chúng ta nên ngừng áp đặt lên trẻ

Đã đến lúc, chúng ta nên ngừng so sánh, và áp đặt giá trị lên thế hệ trẻ, thay vào đó, chúng ta nên lắng nghe, thấu hiểu để giúp các bạn trẻ tìm thấy giá trị của mình và đường đi đúng đắn cho bản thân.

Thạc sĩ - chuyên gia tâm lý Lê Thế Hanh chia sẻ 4 hoạt động thiết yếu mỗi ngày để nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần cho trẻ:

1. Dành thời gian từ 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày để nói chuyện với trẻ, kể cho trẻ nghe về cuộc sống của bố mẹ cũng như lắng nghe những sự kiện tại trường học mà trẻ đang có.

2. Cùng trẻ xem các bộ phim tâm lý xã hội và gia đình để đồng hành và hướng dẫn trẻ phát triển tư duy xã hội cũng như kỹ năng xử lý tình huống trong phim và trên thực tế.

3. Nếu như có mâu thuẫn với trẻ, phụ huynh cần giữ sự bình tĩnh để có thể cùng trẻ giải quyết vấn đề, hạn chế đánh giá phán xét hành vi của trẻ mà chỉ tập trung vào bài học để trẻ phát triển.

4. Gia tăng thêm các hoạt động chung với trẻ như cùng nhau làm việc nhà, sửa sang đồ đạc, mua sắm và trao quyền nhiều hơn cho trẻ trong các hoạt động ở nhà và trường học để trẻ xây dựng tinh thần trách nhiệm.

photo-1-17112716153242025269025.jpg

Ảnh minh họa

Thấu hiểu và hướng dẫn trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà còn là của cả cộng đồng. Việc xây dựng một môi trường lành mạnh, nơi trẻ có thể cảm thấy được yêu thương và chấp nhận, là yếu tố quan trọng giúp trẻ mạnh mẽ hơn trong việc đối mặt và vượt qua những thách thức của cuộc sống.

Ngoài ra, việc cung cấp không gian để trẻ tự phát triển, thể hiện bản thân và chấp nhận cả điểm mạnh - điểm yếu của mình, là chìa khóa để nuôi dưỡng nên những cá nhân có khả năng chống chịu và vươn lên mạnh mẽ trước sóng gió của cuộc đời.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022