3 tháng vừa qua là những chuỗi ngày thử thách với cả thế giới khi phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Còn ở Việt Nam, ngay từ rất sớm, khi nghe về tin tức virus corona đang lây lan từ Vũ Hán, Trung Quốc, hàng loạt biện pháp phòng dịch đã được triển khai. Riêng với ngành giáo dục, học sinh, sinh viên toàn quốc đã được cho phép nghỉ học từ sau tết Nguyên Đán 2020. Và cho đến nay, hầu hết các trường học trên cả nước chưa quay trở lại hoạt động.

Để học sinh, sinh viên không bị mất kiến thức trong thời gian nghỉ dịch, các hình thức học tập trực tuyến bắt đầu được chú ý và dần được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết. Với một đất nước ưa chuộng cách dạy và học truyền thống như Việt Nam, thì việc chuyển đổi sang các nền tảng online trở nên mới mẻ không chỉ trong mắt của học sinh, phụ huynh mà ngay cả đội ngũ thầy cô giáo. Nhưng đến giờ phút này, sau những nổ lực của cả thầy và trò, thì việc học online đã trở thành biện pháp thay thế hữu ích nhất cho việc học tập, và bắt đầu đi vào guồng quay theo trật tự nhất định.

Lần đầu, các thầy cô phải tự tìm hiểu và mày mò về các phần mềm công nghệ mới, thay đổi phương pháp sư phạm

Tại các trường Đại học, ngay từ rất sớm, nhiều trường đã lên kế hoạch triển khai việc dạy học online cho sinh viên. Ngay sau khi thông tin về dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao và các trường Đại học và các cấp học phổ thông đồng loạt cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ, Ban lãnh đạo Trường ĐH Luật TP. HCM đã có những chỉ đạo kịp thời đối với các phòng chức năng liên quan và tập thể cán bộ, giảng viên của trường, đồng thời cấp tốc lên kế hoạch từng bước triển khai việc giảng dạy, học tập, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu, tương tác, đánh giá kết quả học tập của người học bằng hình thức trực tuyến.

Còn tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM đã chính thức triển khai hình thức giảng dạy trực tuyến từ 2/3. Trong những tuần lễ đầu tiên, tất cả các môn học được yêu cầu giảng viên phải thông báo, ghi âm bài giảng và đưa lên Blackboard của nhà trường. Sau đó từ 16/3, toàn bộ các môn học đã được nhà trường yêu cầu bắt buộc triển khai dưới hình thức livestream để đảm bảo tương tác tốt nhất và nhanh nhất đến các bạn sinh viên.

b6d307b1464dbd13e45c-15860996636182111905135.jpg

Triển khai sớm, nhưng ai cũng hiểu đây chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn, được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề nan giải của dịch bệnh. Còn trước đó, việc dạy và học trực tuyến chưa thực sự trở thành mối quan tâm hàng đầu của giảng viên và sinh viên. Do đó không thể tránh khỏi những bỡ ngỡ khi lần đầu chạm ngõ với hình thức dạy học mới lạ này.

Thạc sĩ Phùng Hồng Thanh - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế - Trường Đại học Luật TP.HCM chia sẻ: "Khi chuyển sang hình thức dạy online thì bản thân mình cũng có một số bỡ ngỡ do chưa thuần thục tất cả các kỹ thuật của các ứng dụng dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó thì mình cũng khá lo lắng không biết các bạn sinh viên của mình có thể thích nghi tốt với phương pháp học mới này không, khi học từ xa thì các bạn có tập trung vào bài giảng như khi học trên lớp được hay không."

photo-1-15860998651841830688614.jpg

Lần đầu, các thầy cô phải tự tìm hiểu và mày mò về các phần mềm công nghệ mới như Google Meet, Zoom, Microsoft Team, LMS,...để xây dựng một lớp học trực tuyến, cách tạo video meeting, cách cài đặt, hiệu chỉnh các lựa chọn trên phần mềm khi giảng bài, ghi hình lại bài giảng,…Ngoài ra, hơn thế nữa, giảng viên cũng phải học cách thay đổi tư duy giảng dạy, tự lên kịch bản sư phạm phù hợp với đặc thù môn học để sinh viên đạt hiệu quả cao nhất khi tiếp thu bài vở. Nhiều điều để những giảng viên phải tự học và tự tìm các thích ứng trong bối cảnh này, vì rõ ràng đây là giải pháp bắt buộc mà các trường cho là khả thi nhất ở thời điểm này cho việc truyền đạt kiến thức đến người học.

"Đào tạo từ xa nhưng đôi khi chúng ta lại cảm thấy khoảng cách giữa thầy trò có vẻ như lại bị xóa bỏ qua hình thức học này"

Gạt qua những khó khăn trước mắt mà cách dạy và học mới mang lại, hầu hết giảng viên đều cho thấy tinh thần thoải mái và năng lực tích cực khi tiếp xúc với phương pháp dạy từ xa. Với cuộc sống không ngừng đổi thay, đòi hỏi người làm nghề giáo cũng phải luôn tiếp thu những xu hướng mới để việc dạy và học của môi trường giáo dục Việt Nam ngày càng đa dạng, thu hẹp dân khoảng cách quốc tế.

TS. Nguyễn Ngọc Trường Minh Trưởng Bộ môn Viễn thông - Khoa Điện tử Viễn thông Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM) cho biết tuy việc tiếp xúc với công nghệ gây khó khăn cho không ít thầy cô, nhưng trên hết mọi người đều sẵn sàng vì sinh viên. Thầy chia sẻ: "với yêu cầu đặt ra và đặc biệt trên hết là tình yêu với nghề, chúng tôi vẫn chịu khó mày mò, tìm hiểu, thậm chí chúng tôi còn thử tạo những nhóm giữa các thầy cô với nhau để kiểm tra trước, tạo một lớp học "ảo" để trao đổi với nhau các tính năng để việc dạy học đạt hiệu quả tốt nhất."

photo-1-1586099915369894089534.jpg

Những buổi lên lớp không có sinh viên, nhưng thầy cô đều chăm chút bài giảng của mình kỹ lưỡng, chi tiết hơn. Không thụ động trong việc chỉ truyền tải kiến thức , các thầy cô luôn tìm cách để sinh viên vận dụng được lý thuyết qua các bài tập nhỏ, các tình huống. Thầy Cô sẽ kịp thời nắm bắt được mức độ hiểu bài của sinh viên để điều chỉnh tốc độ giảng và giải đáp các vướng mắc của họ. Ngoài hình thức học qua màn hình, giảng viên cũng tìm cách liên lạc, tương tác với sinh viên để chuẩn bị về tâm lý học tập cho sinh viên, căn dặn việc sử dụng tài liệu trong quá trình học, giảng dạy, hướng dẫn thảo luận, phân công bài tập, bài đánh giá giữa kỳ...Không gian mạng trở nên sôi động trong các trường đại học hơn bao giờ hết.

Theo Th.S Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn, Giảng viên Khoa Luật Quốc tế - ĐH Luật tp. HCM cho biết: "Không phải chỉ trong bối cảnh hiện tại, mà trong xu thế phát triển chung cùng nhu cầu được tiếp cận việc học tập nghiên cứu của người học thì hình thức học tập trực tuyến trước sau gì cũng là điều tất yếu bổ trợ cho các phương pháp giảng dạy và học tập truyền thống. Chính vì vậy đa phần các giảng viên đều vượt qua tâm lý "ngại thay đổi" và ngược lại, xem đây cũng là một cơ hội để trang bị, hoàn thiện khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong việc giảng dạy của mình."

852c4c2f11d3ea8db3c2-15861000091291772044827.jpg

Covid-19 đến, nhiều viễn cảnh đen tối dang diễn ra, nhưng nếu có cái nhìn lạc quan hơn, thì không hẳn bức tranh diễn ra trong vòng 3 tháng qua là màu u ám. Vì trong nghịch cảnh, con người đã tìm cách thích nghi để tồn tại, và chứng minh ý chí con người là không giới hạn. Giáo dục cũng vậy, đặc biệt là với Việt Nam. Nhờ vào tình cảnh không ai mong muốn mà dịch bệnh mang lại, giáo dục Việt Nam mới bắt đầu có sự quan tâm đặc biệt dành cho phương pháp giáo dục trực tuyến. Trong khi thế giới đang chuyển mình bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực, và việc học online không còn quá xa lạ với sinh viên nhiều quốc gia, thì đến nay, sau nhiều năm, các cơ sở giáo dục, cơ quản quản lý đã nhận ra được tầm quan trọng của nó và không ngừng có những điều chỉnh nhằm mang đến trải nghiệm học từ xa tốt nhất cho người học.

Th.s Quách Doanh Nghiệp, giảng viên Khoa Tài Chính, Đại học Kinh tế TP.HCM chia sẻ: "Rõ ràng công nghệ ngày nay cho phép chúng ta làm được nhiều hơn, công nghệ cũng tác động làm thay đổi nhiều mặt của đời sống thì giáo dục cũng phải thay đổi để theo kịp thời đại. Ngày nay chúng ta có thể kết hợp nhiều công nghệ vào trong giảng dạy để làm cho hoạt động giảng dạy thêm phong phú, đa dạng hấp dẫn người học, giúp họ sử dụng thời gian hiệu quả hơn, làm tăng chất lượng bài học".

photo-1-1586100080465211808016.jpg

Còn theo Th.s Trịnh Anh Nguyên, đây chính là bước tập dượt để thầy và trò cùng gỡ bỏ tâm lý "ngại bước ra khỏi vùng an toàn", hướng tới phương pháp học tập có ưu thế "vượt không gian" và "vượt thời gian, phù hợp với xu thế quốc tế hóa và đa dạng hóa trong học tập, nghiên cứu khoa học.

Việc chuyển đổi hình thức học tập từ truyền thống sang trực tuyến có một điểm sáng đáng ghi nhận là hạn chế được sự thụ động của sinh viên thường thấy ở lớp. Các sinh viên dần thoát ra khỏi vùng an toàn, tăng tính tự giác để tìm kiếm tài liệu học tập, chủ động tiếp thu kiến thức, rèn luyện được tính tập trung trong lúc nghe giảng. Th.S Nguyễn Ngọc Trường Minh cho rằng: "Học không chỉ là thụ động ngồi nghe mà rất cần sự tương tác, trao đổi phản biện từ cả hai phía. Đó mới là cái đích cuối cùng của giáo dục.Do đó, mặc dù gọi là đào tạo từ xa nhưng đôi khi chúng ta lại cảm thấy khoảng cách giữa thầy trò có vẻ như lại bị xóa bỏ qua hình thức học này."

Tại sao chúng ta lại không nhìn vào những điểm tích cực mà cố gắng hơn để cùng thích nghi?

Dịch bệnh đã mở ra cơ hội chưa từng có cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có giáo dục. Bước chuyển mình này chính là bàn đạp để giáo dục Việt Nam vững bước tiến ra biển lớn, tiếp cận với những môi trường giáo dục tiên tiến trên thế giới. Xu hướng này là nền tảng kết nối tương lai, do đó nếu biết tận dụng và phát triển những gì đang làm, chắc chắn một ngày không xa, việc đào tạo sẽ trở nên dễ dàng hơn. Không còn lệ thuộc bởi không gian, thời gian, người học và các cơ sở giáo dục sẽ có những sự chủ động nhất định trong việc dạy và học, giảm chi phí, rút ngắn thời gian học và đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều người hơn.

"Rõ ràng, dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn nhưng nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, nó đã mở ra cho chúng ta những cơ hội để học và tiếp cận nhiều điều mới mẻ trong lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu hay sinh hoạt hằng ngày của mình. Tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi bài giảng số, tương tác ảo... là những điều mà giảng dạy truyền thống chưa mang lại được. Vậy tại sao chúng ta lại không nhìn vào những điểm tích cực này mà cố gắng hơn để cùng thích nghi."- TS. Nguyễn Ngọc Trường Minh trao đổi thêm.

photo-1-1586101317154646005061.jpg

Nhưng để làm được những điều ấy, Ngành Giáo dục cần có một lộ trình cụ thể, kế hoạch rõ ràng cho đường đi dài mới có thể thay đổi được thói quen học tập hiện tại bằng những phương pháp học mang hơi thở thời đại. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt nhất những yêu cầu mà việc học online cần có. Ngoài ra, việc công nhận kết quả học trực tuyến cũng cần được thực hiện bài bản, đúng quy định để người học có thể an tâm vào phương pháp học từ xa này.

Thầy Quách Doanh Nghiệp nêu ý kiến: "Cơ quan quản lý cần có các quy định cần thiết để hướng dẫn việc tổ chức lớp học, thi trực tuyến, chuẩn hóa hình thức học và thi trực tuyến để tiến tới công nhận hình thức này ngang như hình thức học trực tiếp, làm cho người học, người dạy, người sử dụng kết quả đầu ra đều cảm thấy yên tâm về chất lượng của hình thức này. Cho phép triển khai một tỷ trọng nhất định số tiết của môn dưới dạng trực tuyến để giúp mọi người làm quen với công nghệ, tận dụng công nghệ để phục vụ việc dạy và học hiệu quả hơn."

Còn Th.S Trịnh Anh Nguyên cho rằng: "Còn về lâu dài, cơ quan quản lý giáo dục nên có những quy định bắt buộc các cơ sở đào tạo phải từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc giảng dạy và học tập theo hình thức trực tuyến, đồng thời tập huấn cho đội ngũ giảng dạy các thao tác kỹ năng cần thiết khi giảng dạy bằng phương pháp này."

photo-1-15861011909381117493514.jpg

Mọi sự thay đổi đều cần thời gian và một quá trình nhất định. Nhưng việc có thay đổi được hay không còn nằm ở việc chúng ta quyết định thời điểm nào sẽ thực hiện. Và ngay lúc này, khi việc học online đang được triển khai ở hầu khắp các trường học thì tại sao không thể tiếp tục duy trì và phát huy những điều đang diễn ra, nhằm tạo ra những bước ngoặt và bộ mặt mới cho ngành giáo dục nước nhà. Việc học trực tuyến vẫn chỉ mới bắt đầu và phía trước sẽ còn là một câu chuyện dài, nhưng vẫn có niềm tin vào những bước đi chắc chắn hơn của Việt Nam dành cho giáo dục trực tuyến ở một tương lai không xa.

banner-giam-dau-1585984043679400213379-158619033250714857652.jpeg

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022