Khánh Huyền, lớp 12 Pháp, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, đạt 28,5 điểm tổ hợp D03 thi tốt nghiệp THPT (Toán 9,2; Tiếng Pháp 9,8; Ngữ văn 9,5). Với kết quả này, Huyền trở thành thủ khoa khối D03 toàn quốc, là người thứ hai của Hà Tĩnh đỗ quán quân khối này, sau Phan Thị Minh Nhân, thủ khoa Đại học Ngoại thương Hà Nội năm 2014.

Huyền là con đầu trong gia đình có ba chị em ở TP Hà Tĩnh, bố là nhà báo, mẹ làm giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học. Từ nhỏ, Huyền học tiếng Anh từ mẹ và đam mê môn này, song bước ngoặt đến vào cuối lớp 9. Năm đó, nữ sinh đăng ký dự thi lớp chuyên Anh của trường THPT chuyên Hà Tĩnh nhưng không đủ điểm nên quyết định chuyển hướng sang học chuyên Pháp.

"Em khá buồn khi trượt chuyên Anh. Tuy nhiên sau vài tháng tiếp xúc với tiếng Pháp, em cảm thấy thú vị. Đây là môn mới mẻ, dù ban đầu có chút rắc rối nhưng càng học càng muốn tìm tòi, khám phá mọi thứ", Huyền kể. Ba năm THPT, nữ sinh giành giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh tiếng Pháp lớp 11 và 12.

Định hướng theo học tổ hợp D03, Huyền nói Tiếng Pháp là "môn tủ", đã có chứng chỉ nên tự tin, Ngữ văn cũng khá yên tâm bởi từng thi học sinh giỏi tỉnh ở bậc THCS, lo nhất là Toán vì từ khi vào THPT mới bắt đầu ôn chuyên sâu.

vu-khanh-huyen-3587-1659144386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dpw7TLac-jpDu2HRhOx9QA

Vũ Khánh Huyền, thủ khoa khối D03 toàn quốc năm 2022. Ảnh: Đức Hùng

Huyền cho rằng những bài giảng tại lớp của cô thầy là quan trọng nhất. Em luôn chú ý nghe, ghi chép tỉ mỉ các phương pháp mà giáo viên trình bày trên bảng. Theo nữ sinh, có nhiều chi tiết nhỏ tưởng chừng không quan trọng, nhưng em luôn để ý, đến giờ ra chơi nhờ thầy cô phân tích lại để hiểu thêm. Và khi được nhắc lại, những cái tưởng như không liên quan đó được em ghép lại thành các mẹo nhỏ, giúp đưa ra hướng giải quyết bài tập một cách nhanh nhất.

Lúc ở nhà, trước khi ngồi vào bàn, Huyền lên lịch, chia giờ học từng môn ra tờ giấy rồi nhìn vào đó thực hiện. Những khi căng thẳng, em nghe nhạc, lên mạng trò chuyện với bạn bè. Nữ sinh không gò bó bản thân phải học đến 1-2h sáng, vì xuyên đêm như vậy dễ bị kiệt sức và khó tập trung. Buổi tối, em thường đi ngủ lúc 23h, sau đó đặt báo thức, 3-4h dậy ôn bài khoảng 2-3 tiếng, đến 6h ra vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đến trường.

Về phương pháp ôn thi khối D03, nữ sinh trường THPT chuyên Hà Tĩnh luyện đề nhiều vào đầu lớp 12 với môn Toán, gần đến kỳ thi làm ít lại để tránh bị loãng. Với Ngữ văn, bên cạnh học kiến thức các tác phẩm trong sách, em lên mạng đọc những nhận định của các chuyên gia, người nổi tiếng để nâng cao vốn hiểu biết khi làm bài nghị luận xã hội. Còn Tiếng Pháp, ngoài đam mê, Huyền cho rằng cũng cần làm nhiều đề, hỏi ngay thầy giáo những câu đang băn khoăn.

Nữ sinh đánh giá đề Toán năm nay hóc búa, khiến thí sinh phải suy nghĩ nhiều hơn. Tiếng Pháp được cho là vừa sức, em nuối tiếc vì làm sai một câu dễ do chủ quan đọc lướt qua. Nữ sinh lo nhất là Ngữ văn. Khi đọc đề xong, em "khá hoảng" vì có một câu hỏi ít học qua. Sau khi bình tĩnh, Huyền đã viết một mạch 14 trang giấy, dự đoán được khoảng 9 điểm.

Nhẩm tính ba môn đạt 27,75 đến 28 điểm, Huyền an tâm khi kết quả này đủ để đỗ vào ngành Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương, song cận kề ngày công bố điểm, em vẫn hồi hộp. Tối 23/7, Huyền cùng bố mẹ chờ đến 0h ngày hôm sau để xem kết quả. Khi bấm số báo danh, màn hình hiện 28,5 tổ hợp D03, Huyền hét lớn, ôm lấy bố mẹ đang đứng bên cạnh, khóc nức nở.

"Em vỡ òa, bố mẹ cũng chung cảm xúc như vậy. Nhắn tin báo tin cho một người bạn thân, cô ấy đã khóc cùng", Huyền kể. Nữ sinh tâm sự chỉ cố gắng để vào đại học, đạt thủ khoa là kết quả "nằm ngoài sức tưởng tượng".

huyen-va-cac-ban-tham-gia-ngoa-6956-3989-1659144386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=CtCjNeizqFmZN-HmFeFklg

Khánh Huyền (hàng đứng, thứ tư từ trái sang) cùng các bạn trong câu lạc bộ tiếng Pháp của trường THPT chuyên Hà Tĩnh tham gia một buổi ngoại khóa vào năm lớp 10. Ảnh: NVCC

Chị Bùi Thị Yến, 43 tuổi, nhớ lại hôm thức cùng con gái xem điểm. Chị đã không dám nhìn vào màn hình máy tính. Khi nghe Huyền hét lên là "đậu rồi mẹ ơi", chị run run ôm con vào lòng, vui không nói nên lời, thức đến gần sáng.

"Ngày xưa khi Huyền chuyển sang học chuyên Pháp, tôi khá lo khi đây là ngoại ngữ mới, sợ áp lực. Qua thời gian thấy con tiếp thu nhanh và học tốt, cả nhà thở phào, luôn âm thầm theo dõi, ủng hộ mọi quyết định", chị Yến nói.

Theo thầy Nguyễn Công Điền, chủ nhiệm lớp 12 Pháp, trường THPT chuyên Hà Tĩnh, ở trên lớp Huyền ít thể hiện năng lực ra bên ngoài. Học trò có ý chí vượt bậc, luôn học âm thầm để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ thầy cô lẫn bạn bè.

"Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay để đạt được 28,5 điểm khối D03 là rất hiếm. Khi Huyền gọi điện thông báo điểm, bảo là 'không tin được thầy ơi', ban đầu tôi cũng khá bất ngờ, nhưng sau đó bình tĩnh lại thì thấy thành tích đó hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực không biết mệt mỏi của bạn ấy", thầy Điền cho hay.

Tân thủ khoa khối D03 toàn quốc xem việc trượt lớp chuyên Anh ngày xưa là cơ duyên, bởi nhờ đó em có hai vốn ngoại ngữ. Ngoài thành thạo tiếng Pháp, nữ sinh Hà Tĩnh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 6.5. Em dự định học thêm tiếng Trung. Trong quá trình học đại học hoặc sau khi tốt nghiệp, em sẽ tìm học bổng để theo học chuyên sâu ngành kinh tế ở những nước như Canada hoặc Pháp, song không quá gò ép bản thân phải cố đạt được.

"Đời phải trải qua giông tố nhưng không được cúi đầu trước giông tố", Huyền lấy câu trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" làm kim chỉ nam cho mình, nhắn nhủ mọi người nhớ đến lời khuyên này để cố gắng khi gặp khó khăn.

Đức Hùng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022