Có một thực tế cho thấy rằng, nếu một đứa trẻ có tính cách tò mò, chúng thường nhiệt tình hơn trong việc học. Vậy làm thế nào để nuôi dưỡng trí tò mò và ham muốn học tập của một đứa trẻ?
Dưới đây là những kinh nghiệm được rút ra từ một cuộc khảo sát của 75 sinh viên Đại học Tokyo, Nhật Bản. Bài viết được trích và chỉnh sửa một phần dựa trên cuốn sách "Thói quen gia đình của những đứa trẻ tự học", được viết bởi tác giả Issei Nishioka thuộc Đại học Tokyo và Issei Nishioka (giám sát viên).
Cách nuôi dưỡng sự tò mò và ham muốn học hỏi của trẻ
Bạn đã bao giờ nghe câu nói: "Sự tò mò của trẻ em rất quan trọng trong học tập" chưa? Người ta nói rằng, miễn là trẻ có tính tò mò, chúng sẽ tự học mọi thứ.
Việc ai đó có tò mò hay không dường như phụ thuộc vào tính cách bẩm sinh, vậy làm thế nào có thể nuôi dưỡng điều này ở một đứa trẻ?
Câu trả lời chính là hãy đưa trẻ tới những nơi mà chúng yêu thích và cả không yêu thích.
Để khơi dậy trí tò mò của trẻ, cha mẹ hãy đưa con mình tới 4 nơi thú vị như bảo tàng lịch sử, phòng trưng bày nghệ thuật, bảo tàng khoa học và công nghệ, vườn bách thú. Nếu có thể, tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ có cơ hội được tới cả 4 nơi này.
Trên thực tế, nhiều sinh viên Đại học Tokyo cho biết họ đã được cha mẹ mình đưa tới nhiều nơi để mở mang sự hiểu biết. Nhiều người trong số họ nói: "Đó chính là động lực khiến tôi yêu thích lịch sử và hóa học''.
Bằng cách tạo cơ hội cho trẻ chưa quen với thế giới rộng lớn được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực khác nhau, cha mẹ có thể cho con mình cơ hội trở nên hứng thú với điều gì đó mới mẻ. Hơn nữa, điều này cũng có thể tạo động lực học tập.
Khi chọn các địa điểm tham quan, điều quan trọng là đưa trẻ đến cả những nơi mà chúng quan tâm và những nơi mà chúng không quan tâm. Nếu cha mẹ đưa trẻ tới viện bảo tàng, cho chúng xem những tác phẩm nghệ thuật khó hiểu, trẻ có thể chấp nhận nhiều thứ dưới hình thức nghệ thuật.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể kích thích trí tò mò của trẻ bằng cách dẫn chúng tới nhiều nơi khác nhau thay vì chỉ ở mỗi địa điểm trẻ thích.
Ví dụ, một đứa trẻ có thể không hứng thú với nghệ thuật nhưng lại muốn tìm hiểu về khoa học và công nghệ hoặc hệ sinh thái của động vật.
Cha mẹ dễ dàng khơi gợi trí tò mò của con mình bằng cách cho chúng được nhìn thấy những thứ mới mẻ. Ngay cả khi trẻ không tìm thấy điều mình hứng thú nhưng vẫn cảm thấy "có một số điểm thú vị" thay vì "không phải mọi thứ đều thú vị".
Ví dụ, ngay cả khi trẻ không quan tâm đến hệ sinh thái của các loài cá, chúng có thể nghĩ rằng các sinh vật dưới biển sâu rất thú vị. Tất cả những trải nghiệm này không có gì lãng phí cả.
Sẽ là một ý tưởng tốt nếu trẻ bắt đầu bằng việc tham quan những nơi mà cha mẹ mình cảm thấy thú vị. Khả năng cao là trí tò mò của trẻ sẽ được kích thích khi nhìn thấy cha mẹ mình thích thú.
Trong trường hợp cha mẹ lo lắng về việc ngay cả khi con mình học được một điều gì đó mới mẻ, chúng cũng nhanh chóng quên nó.
Giải pháp là cha mẹ có thể đưa trẻ tới một nơi liên quan trong vòng 1 tháng để học điều gì đó mới.
Ví dụ, bạn có thể đưa con mình đi du lịch nước ngoài sau khi tham gia lớp học tiếng Anh, đưa con đến những ngôi đền, ngôi chùa, di tích lịch sử sau khi tìm hiểu về lịch sử...
Trên thực tế, một số sinh viên Đại học Tokyo nảy sinh tình yêu với lịch sử Nhật Bản vì họ thường đến thăm các đền chùa trong chuyến du lịch cùng gia đình, trong khi những sinh viên khác lại có hứng thú với sinh học vì họ có nhiều cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.
Ngoài ra, nếu đó là thứ đã xuất hiện trong sách giáo khoa hoặc thứ gì đó mới mà trẻ học được từ truyện tranh, chúng sẽ ham học hỏi và cảm động hơn khi thực sự đến thăm nơi đó.
Động lực học tập của trẻ sẽ tăng lên nếu chúng hiểu được mối liên hệ giữa những gì mình học với cuộc sống.
Vốn dĩ nội dung học ở trường hay luyện thi đều dựa trên những kiến thức có ích trong cuộc sống thực tế. Chẳng hạn như thành phần của không khí và cấu trúc của thực vật mà chúng ta học trong khoa học không thể xác nhận bằng mắt thường. Điều này thường dẫn đến sự mất kết nối giữa những gì được học và thế giới thực sự trông như thế nào.
Kết quả là, "những gì chúng ta học trong sách giáo khoa" và "thế giới thực như thế nào" có thể được coi là 2 điều khác nhau. Để ngăn điều này xảy ra, điều quan trọng là đưa trẻ đến một nơi mà chúng có thể hiểu rằng, những gì mình đã học đều bắt nguồn từ hệ thống và quy tắc của thế giới này.
Điều này cho phép những gì trẻ học trong sách giáo khoa ăn sâu vào não dưới dạng kiến thức. Việc học trở nên thú vị khi trẻ hiểu được mối liên hệ giữa những gì mình đã học và xã hội.
Một số sinh viên của Đại học Tokyo chia sẻ rằng:
"Tôi đã ghé thăm nhiều đền chùa vì yêu thích lịch sử Nhật Bản".
"Tôi nhớ mình được cha mẹ đưa tới nhiều bảo tàng có liên quan tới những thứ mình quan tâm trong manga như bảo tàng khoa học thành phố, phòng triển lãm nhà máy điện hạt nhân, bảo tàng không gian, bảo tàng chiến tranh... Tất cả đều tạo nên nền tảng yêu thích khoa học và lịch sử trong tôi".
"Khi còn là học sinh cấp 2, tôi đã bị ảnh hưởng bởi đại dương ở quần đảo Marshall và nảy sinh niềm yêu thích với đại dương. Điều này khiến tôi theo học ngành thủy sản ở trường đại học".
"Khi cả nhà đi du lịch, tôi thường được đưa đến các phòng trưng bày nghệ thuật và bảo tàng, những nơi mà tôi không hứng thú nhưng tôi có thể tìm hiểu về nhiều thứ khác nhau. Điều đó thật kích thích. Cha tôi rất thích đền chùa, chúng tôi thường đến đó nên tôi dần yêu thích lịch sử".
Tóm lại, có thể thấy rằng, cha mẹ có thói quen đưa con cái tới tham quan và khám phá những nơi thú vị sẽ kích thích mạnh mẽ trí tò mò của chúng. Đặc biệt, điều này còn tác động tới việc hình thành niềm say mê và ước mơ của trẻ sau này.