Ngày phụ nữ Việt Nam có nên mua quà cho cô giáo? Đây là câu hỏi dù không hề mới nhưng năm nào sắp đến 20/10 cũng được nhiều phụ huynh đem ra bàn tán sôi nổi. Và đôi khi quanh chủ đề có phần hơi riêng tư và tế nhị này cũng nảy sinh đủ vấn đề dẫn tới quan điểm trái chiều.

Một phụ huynh mới đây đăng đàn nhờ tư vấn vì quá "đau đầu" với các khoản thu về việc đi phong bì ngày 20/10. Được biết, con của phụ huynh này hiện theo học tại một trường tư thục. Trong bảng thống kê phí mà phụ huynh liệt kê, có thể thấy ngoài phần chung có cả phần riêng, ngoài "bỏ thiệp" còn có thêm hoa, quà.

Trong đó, phần chi cho 1 cô giáo là 2,5 triệu đồng (bỏ thiệp 2 triệu, 500 ngàn đồng góp chung 3 khối để mua hoa và quà); Văn phòng 1 triệu đồng; Lao công 300 ngàn đồng. Tổng chung cả khối sẽ là 3,8 triệu đồng cho 14 lớp. Mỗi lớp 272 ngàn đồng, làm tròn 275 ngàn đồng, phần dư dành mua thiệp.

Về phần riêng sẽ chi cho 3 cô giáo khác 500 ngàn đồng, có thể có hoa hoặc giỏ quà. Giáo viên các bộ môn Toán, Văn, Anh 500 ngàn đồng, các bộ môn khác 300 ngàn đồng. Về phần giáo viên chủ nhiệm sẽ tùy vào mỗi lớp.

photo-2-16974488790061847945990.png

Khoản phí gây tranh cãi

Phụ huynh này cho biết mình cảm thấy rất áp lực vì chuyện tiền nong trong trường và thắc mắc không biết các trường tư khác có "bắt" phải đóng phí như vậy không. Chị cũng chia sẻ, các khoản này ban phụ huynh tự áp đặt, không có sự "trưng cầu dân ý".

Hợp lý hay không hợp lý?

Bên dưới bài đăng của phụ huynh này, hàng trăm ý kiến trái chiều được đưa ra. Một số cho rằng, trường tư thục là tự thu - tự chi (và tự thỏa thuận) nên là đã cho con học thì phải chấp nhận "luật chơi". Bên cạnh đó, 275 ngàn đồng 1 lớp thì vẫn ổn. Ngày 20/10 có một chút dành cho nhà trường gọi là có tình cảm.

Tuy nhiên, đa số bình luận cho rằng, không nên tặng quà, tặng tiền, biếu xén cho bất cứ ai đang làm việc liên quan đến con mình. Điều này sẽ tiếp nối thói quen xấu: Có quà mới làm tốt. Với giáo viên, nếu có tấm lòng quan tâm thầy cô, chỉ nên tặng quà trong ngày 20/11 vì đó là ngày Nhà giáo Việt Nam.

"Quan điểm của riêng tôi thì ngoài 20/11 là ngày cả xã hội tri ân ngành giáo dục thì chúng ta cũng không cần đi bất cứ ngày nào, nếu có thể thì là thêm tết Nguyên Đán là cùng. Còn nếu gia đình nào có điều kiện thì đi thế nào là việc riêng của họ. Số tiền mỗi lớp tuy không nhiều nhưng vô hình tạo tiền lệ cho những khóa học sau hoặc các khối khác cũng phải theo", một phụ huynh nêu ý kiến.

Họ cũng cho rằng, cha mẹ nên ngừng suy nghĩ "thầy cô dạy con mình cực khổ, nên cần phải cảm ơn bằng quà", bởi đó là việc họ lựa chọn cho cuộc đời mình. Đôi khi việc tặng quà còn xúc phạm thầy cô mẫu mực.

Tôn sư trọng đạo là cái cần học chứ không phải mua bán sự tôn kính bằng hành động "đút lót". 20/10 là ngày các cậu bé trai, các ông chồng, các thầy giáo nên dạy nhau hãy biết tôn trọng người phụ nữ của gia đình, những người phụ nữ xung quanh họ và một "nửa thế giới" ngoài kia. Và như thế, các mẹ cũng là phụ nữ đấy.

photo-1-169744887721262893905.png

Ảnh minh họa

Nhiều người nói, tặng quà cho giáo viên để tỏ lòng biết ơn. Nhưng từ bao giờ lòng biết ơn lại được quy đổi bằng quà cáp, tiền bạc. Những thế hệ trước biết ơn thầy cô của mình nhưng có nhiều cách để thể hiện. Phong bì chỉ là một sự lựa chọn, nó phụ thuộc vào cách hành xử riêng của mỗi người chứ chẳng hề có quy định chung nào hết.

Trên thực tế, được phụ huynh quan tâm tặng quà, nhiều giáo viên cũng không sung sướng gì. Không nhận thì họ nghĩ rằng mình chê, còn nhận quà thì lại băn khoăn không biết phụ huynh đánh giá thế nào về mình, có nghĩ rằng mình sính quà cáp, rồi đánh giá này nọ hay không... Chưa kể, những lùm xùm tranh cãi như thế này càng khiến nhiều giáo viên chạnh lòng.

Một số phụ huynh cho rằng các trường cần quy định gỡ bỏ việc ban đại diện cha mẹ học sinh phải có trách nhiệm thay mặt lớp chúc giáo viên. Nếu cha mẹ nào biết ơn thầy cô đã dạy dỗ các con thì hãy tự bày tỏ theo cách của mình. Món quà hay chiếc phong bì là tấm lòng, không phải nghĩa vụ mà các phụ huynh phải nhờ vả ban đại diện.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022