Trong dịp quay số nhận lì xì Tết ở lớp, Suri - con gái của nhà văn Nguyễn Thanh Ngân (Hà Nội) là 1 trong số hiếm hoi các bạn may mắn quay trúng được 2 bao lì xì, còn hầu hết các bạn khác thì chỉ được 1. Cô giáo chụp ảnh các trò đăng lên nhóm lớp cho các cha mẹ xem. Về nhà, không thấy con khoe gì (bình thường thì cái gì cũng khoe), bà mẹ mới hỏi dò thì bé kể: "Con làm mất lì xì rồi, con không biết nó rơi ở đâu nữa".
Bà mẹ hỏi: "Thế con đã tìm kĩ chưa?" - "Con đã tìm trong balo, trong ngăn bàn của con nhưng không thấy. Hình như, con nhớ là con đã cất vào ba lô rồi mà lại mất. Mà thực ra, lúc đó con có thấy một chiếc lì xì rơi dưới đất ngay chỗ bàn con nhưng con không dám lấy", Suri trả lời.
Cô bé giải thích, cái lì xì nào cũng giống nhau, con sợ nhỡ nó không phải của con mà của bạn khác làm rơi rồi các bạn đi qua đi lại đá nó bay ra chỗ con thì sao? Nên lúc về con chỉ nhặt lên để trên bàn để nếu ai mất sẽ quay lại tìm.
"Mình nghe vậy bị đơ mất một lúc. Tình huống này khá khó xử để đưa ra cho con một lời khuyên. Trong đầu mình lúc đó đang có 2 luồng suy nghĩ: một là mình sẽ bảo 'ôi, con ơi, con bị mất lì xì, và có một cái lì xì rơi ngay dưới chân con, nó không của con thì là của ai?' nhưng ngay sau đó, mình lại nghĩ 'con bé rất lương thiện và chính trực, thà bỏ lỡ còn hơn lấy nhầm của người khác. Thà kém vui, hụt hẫng một chút còn hơn thấy người khác bất hạnh. Thực ra điều này rất tốt. Mình hiểu, lời nói của cha mẹ trong những tình huống phát sinh kiểu này sẽ rất có ảnh hưởng đến con cái, nên mình lưỡng lự'", Thanh Ngân chia sẻ.
Bé Suri
Và cuối cùng bà mẹ này quyết định sẽ khen con:
"Con làm tốt lắm. Nếu ai đó bị mất mà tìm lại được chắc sẽ rất vui. Hoặc kể cả không có ai bị mất mà họ nhặt thêm được một cái lì xì thì họ cũng sẽ rất thích. Như vậy là, con đã mang niềm vui đến cho người khác, mỗi một việc tốt mà con làm đều được ghi nhận. Sau này ông trời sẽ trả lại cho con những điều tốt đẹp gấp nhiều lần. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, mẹ có một ý kiến đóng góp để con có thể tham khảo nếu không muốn đánh mất những thứ thuộc quyền sở hữu của mình trong những tình huống tương tự: đó là con hãy thử hỏi các bạn khác trong lớp xem có ai bị mất lì xì không.
Nếu không có ai cả, chắc chắn nó là của con rồi. Đôi khi chúng ta phải dùng đến trí thông minh, đến mưu mẹo một chút trong những tình huống khó xử. Còn khi đã quyết định bỏ qua thì đừng tiếc nuối. Con phải nhớ nhé, những việc mà con làm, tốt cho người khác nhưng cũng nên tốt với chính mình nữa, không nên ích kỉ nhưng cũng đừng chịu thiệt thòi quá. Cái gì là của con, hãy cứ tự tin mà giữ lấy, chỉ cần không tự tiện lấy của người khác là được".
Trước nhà trường thì gia đình mới chính là cái nôi của giáo dục nhân cách
Nói với con như vậy nhưng thực ra bà mẹ này biết, những suy nghĩ và cách hành xử của con chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng, quan điểm sống, lối sống của cha mẹ. Ri và Boi (con trai Thanh Ngân) từ ngày đi học không bao giờ xảy ra tình huống tự tiện lấy đồ của bạn, làm hỏng đồ của bạn, trêu chọc bạn... Học ở đâu cũng đều được cô giáo khen là rất ngoan, dạy Ri Boi rất thích, rất nhàn, các con chưa bao giờ là nỗi phiền toái của thầy cô giáo.
"Bởi vậy mới nói, trước nhà trường thì gia đình mới chính là cái nôi của giáo dục nhân cách. Giáo dục trong gia đình quan trọng hơn rất nhiều giáo dục trong nhà trường, đặc biệt là trong giai đoạn từ khi trẻ ra đời đến hết những năm tháng tiểu học. Nếu trong giai đoạn này, trẻ được giáo dục tốt thì những năm tháng cấp 2, tuổi dạy thì sẽ êm đềm trôi qua trong vui vẻ. Đây là giai đoạn lý tưởng nhất để dạy trẻ về nhân cách sống, giúp trẻ hình thành những thói quen tốt, rèn luyện tính kỷ luật, trau dồi những kỹ năng.
Dạy kiến thức sách vở ở giai đoạn này không quan trọng bằng dạy trẻ nhân cách, thói quen, kỷ luật và kỹ năng. Chỉ cần cha mẹ có thể rèn cho trẻ những thói quen tốt, để trẻ quen với môi trường có tính kỷ luật - tinh thần tự giác cao, phẩm chất đạo đức sáng ngời thì càng lớn, trẻ sẽ học càng tốt mà không cần ai phải kè kè bên cạnh kèm cặp, thúc giục cả.
"Tiên học lễ, hậu học văn' các cụ dạy không sai. Thứ đầu tiên mà chúng ta ai cũng phải học đó chính là nhân - lễ - nghĩa - trí - tín. Đây mới chính là cái gốc của giáo dục", bà mẹ hai con nhận định.
Theo chị, nếu đứa trẻ nào cũng được dạy dỗ cẩn thận trước khi đẩy cho nhà trường thì các thầy cô giáo sẽ nhàn hơn rất nhiều. Sẽ có nhiều thời gian tập trung cho việc trau dồi năng lực chuyên môn chứ không phải cả ngày chỉ đi lo giải quyết những vụ lùm xùm xảy ra trong môi trường lớp học. Tình trạng học sinh đi học trộm cắp đồ của nhau, bắt nạt nhau cũng sẽ giảm tối đa và đương nhiên chẳng có học sinh nào lại ném dép khiến giáo viên ngất xỉu trong một môi trường văn minh như thế cả.
Nhìn chung, nếu muốn con cái chúng ta được học tập trong một môi trường tốt, tự mỗi người cha mẹ phải không ngừng học hỏi, uốn nắn, điều chỉnh chính mình. Phải xem trọng giáo dục gia đình, xem trọng giáo dục nhân cách sống và kỷ luật trước, đừng vội vã hấp tấp muốn tống con tới trường cho thầy cô dạy kiến thức kẻo lại "vấp phải đá, quàng phải dây".