Tết đến, ai cũng vui vẻ và hạnh phúc, nhưng người vui nhất có lẽ chính là trẻ con. Thậm chí từ trước Tết cả tháng, chúng đã háo hức đếm ngược rồi. Tuy nhiên, khi nhiều bậc phụ huynh cùng tụ tập lại một chỗ, chủ đề nói chuyện thường tập trung lên người trẻ con. Và đây là nguồn cơn khiến Tết là ngày vui nhưng cũng dễ trở thành "cơn ác mộng" đối với chúng.

Nhiều người lớn thích bàn luận về con cái mình và con cái nhà người khác mà không hề biết rằng, nhiều lời họ nghĩ là nói đùa lại có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý của trẻ. Đặc biệt là với trẻ từ 7-13 tuổi, đây là giai đoạn trẻ bắt đầu hiểu một số vấn đề, nhưng quan điểm về cuộc sống, thế giới, giá trị và nhận thức về bản thân của chúng vẫn còn chưa ổn định. Trong giai đoạn này, người lớn không nên tự ý "định nghĩa" cho trẻ bằng những quan điểm, định kiến cố hữu của mình, bởi những "định nghĩa" này có thể bị trẻ coi là "nguyên tắc" hoặc "kết luận".

Nhìn chung, đừng nói 3 câu này với trẻ trong dịp Tết, và càng không nên coi đó là trò đùa để cợt nhả với trẻ.

1. Đừng nói với trẻ rằng, trẻ mặc không đẹp bằng người khác

Đối với trẻ, việc mặc quần áo mới, đi giày dép mới trong dịp Tết là một niềm vui lớn. Khi cảm thấy hài lòng về bản thân, chúng sẽ càng chú ý đến đánh giá của người lớn. Đừng bao giờ nói với trẻ rằng bộ đồ của chúng mặc không hợp, không đẹp. Điều này chẳng khác nào đổ gáo nước lạnh vào niềm vui của chúng!

photo-2-1707403146156640285616.jpg

Ảnh minh họa

Điều tồi tệ nhất là có những người lớn còn bắt trẻ cởi quần áo của mình để cho người khác thử, và sau đó nói thêm rằng người khác mặc đẹp hơn. Ở góc nhìn của người lớn, người lớn có thể nghĩ việc này là bình thường nhưng từ góc nhìn tâm lý của trẻ, việc bị chê bai có thể khiến chúng cảm thấy tự ti và mất hứng thú với quần áo mới.

2. Không nói với trẻ rằng, bố mẹ thương em gái/ em trai của trẻ hơn

Câu nói này dù trong trường hợp nào cũng là không nên, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự hòa thuận trong gia đình. Ấy thế nhưng năm hết Tết đến, khi nhiều người thân và bạn bè tụ họp, nhiều người vẫn có thói quen lấy điều này ra để trêu trẻ, chọc ghẹo trẻ chỉ để xem phản ứng của trẻ ra sao.

Người nói có thể không có ý gì, nhưng đối với trẻ, tâm lý của chúng sẽ bị ảnh hưởng, chúng dễ hiểu nhầm: "À, bố mẹ không yêu mình nữa". Điều này thực sự là một tổn thương lớn đối với trẻ, và chúng có thể sẽ mắc kẹt trong tâm lý mâu thuẫn "liệu bố mẹ có thực sự yêu mình không" trong một thời gian dài!

3. Đừng nói với trẻ rằng, ai đó thông minh hơn, điểm số cao hơn trẻ

Đừng bàn luận về điểm số, thành tích trong dịp Tết, cá rằng đây là mong muốn của mọi đứa trẻ.

Việc thảo luận về điểm số, thành tích gần như trở thành một trong những chủ đề không thể thiếu trong dịp Tết của các bậc phụ huynh. Con nhà ai được điểm cao hơn, con nhà ai thành tích đi xuống, con nhà ai học giỏi, con nhà ai thi trượt…, tất cả đều bị lôi ra để nói. Đối với phụ huynh, có thể đó là một cách "khích tướng" để trẻ cạnh tranh hơn, hoặc đơn giản chỉ là một thái độ so sánh thường thấy.

photo-1-17074031451671756749350.jpg

Ảnh minh họa

Nhưng không phải chỉ có người lớn thích thể diện, trẻ em thực ra cũng thế. Những đứa trẻ học giỏi tự nhiên sẽ tự hào, nhưng đối với những đứa trẻ không học tốt, chúng sẽ cảm thấy không thể ngẩng đầu trước bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là anh chị em trong nhà.

Nếu bạn yêu trẻ, đừng dùng cái gọi là "khích tướng" hay "so sánh" để tổn thương trẻ, nhất là trong dịp Tết. Nếu muốn nói chuyện với trẻ, cổ vũ trẻ, hãy cố gắng khen ngợi chúng, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của lời nói và đừng đánh giá thấp tâm lý nhạy cảm của trẻ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022