Đường phố vắng tanh, xóm trọ tối om nhưng Ngân đã quen. Đây là năm thứ hai nữ sinh trường Đại học Luật TP HCM, không về quê Nghệ An vào dịp Tết.

Ngân cho hay mẹ bị bệnh, bố mất khả năng lao động, chưa kể vé tàu, xe đắt đỏ nên cô chủ động ở lại thành phố để kiếm tiền, trang trải chi phí học hành, sinh hoạt.

"Nhìn bạn bè về quê sum vầy bên gia đình, mình cũng nao nao. Hoàn cảnh của mình như vậy thì phải cố gắng, chăm chỉ hơn", Ngân nói, cho biết đêm qua đã tranh thủ gọi cho bố mẹ vào thời khắc giao thừa, khi đang ở chỗ làm. Được cả nhà chúc mừng năm mới, nữ sinh nguôi ngoai nỗi nhớ nhà.

Vì ngày Tết, tiền công mỗi giờ được nhân ba, lên 60.000 đồng nên Ngân cố "cày", không nghỉ ngày nào. Sáng mùng 1, cô nấu bữa sáng đơn giản, ăn vội rồi đến nơi làm thêm vào 11h, chuẩn bị để cửa hàng đón khách từ 12h.

Trần Thị Trúc Ly, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM, cũng lần thứ hai liên tiếp ở lại thành phố dịp Tết.

Trước đó, nhìn bạn bè kéo valy về quê, cô gái quê Quảng Ngãi chạnh lòng, tủi thân. Nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải tự lo cuộc sống nên Ly xin làm xuyên Tết ở một cửa hàng tiện lợi.

"Ngày thường một giờ công được 23.000-32.000 đồng. Dịp Tết lương nhân đôi, nhân ba nên mình tranh thủ ở lại làm đến mùng 10 rồi mới về nhà", cô gái 21 tuổi chia sẻ, nhẩm tính mấy ngày Tết có thể kiếm được 6-7 triệu đồng.

Nữ sinh kể năm ngoái vào đêm giao thừa vẫn đi làm. Lần đầu xa nhà dịp Tết, tủi thân nên cô khóc nức nở. "Năm nay đã có kinh nghiệm, cứng cỏi hơn nên mình cố gắng không khóc, không để bố mẹ phải buồn", Ly chia sẻ.

b3748ec4-60ea-44ce-ae60-ba26b7-6961-6003-1707329209.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IUVBJ0YTdDPfx0iOkWENtQ

Trúc Ly (áo trắng) trong buổi họp mặt sinh viên đón Tết xa nhà của Đại học Quốc gia TP HCM, sáng 3/2. Ảnh: UEL

Ngoài Ly, trường Đại học Kinh tế - Luật có 20 sinh viên khác ở lại TP HCM vào dịp Tết này. Còn theo thống kê của ban quản lý ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM, hơn 50 sinh viên đăng ký ở lại, đa số để làm thêm.

Ông Tăng Hữu Thủy, Giám đốc Trung tâm quản lý Ký túc xá, Đại học Quốc gia TP HCM, cho biết đơn vị này trước đó đã nắm thông tin và kết nối với nơi sinh viên làm việc, xác nhận ca làm để hỗ trợ giờ ra vào ở ký túc.

"Các em làm ca đêm đến 11, 12h mới xong, di chuyển từ trung tâm thành phố về lại ký túc xá cũng mất khoảng một tiếng. Do đó, ban quản lý nắm giờ giấc để bảo vệ mở cổng cho các em", ông Thủy nói. Ngoài ra, các trưởng cũng liên hệ, xác nhận các em ở lại thành phố ăn Tết để gia đình yên tâm.

Tại Hà Nội, số lượng sinh viên không về quê ăn Tết được ghi nhận ít hơn. Nhiều trường như Kinh tế Quốc dân, Thương mại, Thủy lợi, Mỏ - Địa chất, Kỹ thuật Mật mã... không có sinh viên ở lại. Học viện Báo chí và Tuyên truyền có ba sinh viên người Việt, đều có hoàn cảnh khó khăn, và 12 sinh viên Lào đón Tết tại ký túc xá.

424803958-795089045995976-5685-3905-4363-1707329209.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zZ-05vS4AgwcYisCnok_Nw

Sinh viên đón Tết xa nhà nhận quà của Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM, ngày 31/1. Ảnh: SAC

Sau khi thống kê số lượng sinh viên ở lại, trường đại học và đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên tinh thần các em.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, trường Đại học Kinh tế - Luật, cho biết hôm 3/2, lãnh đạo trường và các phòng ban đã gặp, chúc Tết và lì xì cho sinh viên ở lại.

Với Học viện Báo chí và Tuyên truyền, thạc sĩ Lê Khánh Lộc, Trưởng phòng Quản lý ký túc xá, nói 22h tối qua, ban giám đốc đã tới ký túc xá gặp gỡ, chúc Tết sinh viên. Trước đó, các em được hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người để mua thêm đồ ăn.

"Chúng tôi cũng chuyển sinh viên ra phòng gần khu của ban quản lý để tiện hỗ trợ, tạo không khí gần gũi, có các hoạt động như khi ở nhà để các em đỡ buồn", ông Lộc chia sẻ.

Tương tự, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM cũng bố trí cho hơn 50 sinh viên ở tập trung tại một khu. Các em được hỗ trợ một triệu đồng tiền ăn uống mỗi người, cùng phần quà từ Đại học Quốc gia TP HCM trị giá khoảng 250.000 đồng. Sáng mùng 1, sinh viên được ban quản lý, đại diện các trường lì xì.

Trước đó, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM tặng mỗi người một phần quà Tết trị giá 1 triệu đồng. Anh Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm, đánh giá suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, đặc biệt là với các sinh viên khó khăn và học sinh, nên trung tâm góp phần hỗ trợ các em.

Từng nhiều năm ở lại thành phố làm thêm dịp Tết, ông Tăng Hữu Thủy nói thấu hiểu cảm xúc, nỗi niềm của sinh viên xa nhà trong khi bạn bè đều quây quần bên gia đình.

"Chúng tôi cố gắng giữ sợi dây liên kết với sinh viên, để các em không cô đơn, buồn tủi trong những ngày này", ông Thủy nói.

Lệ Nguyễn - Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022