Ông Mãi phát biểu như trên khi nghe "Đề án đào tạo tổng thể nhân lực trình độ quốc tế ở 8 ngành, giai đoạn 2020-2035", do Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nêu tại hội nghị Hội đồng hiệu trưởng các trường đại học, ngày 29/2.
Chủ tịch thành phố yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, từ nay đến tháng 6, các bên liên quan tới đề án cần phối hợp triển khai kế hoạch đào tạo với ít nhất 4 ngành, sau đó tiếp tục với 4 ngành còn lại.
"Các ban ngành và trường đại học phải trả lời cho được cần đào tạo những ngành nào, bao nhiêu và cần thành phố đầu tư, có chính sách gì. Thành phố sẵn sàng đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho việc đào tạo nguồn nhân lực", chủ tịch thành phố nói.
Thành phố sẽ đầu tư cho các trường, bất kể trường thuộc thành phố, bộ, ngành trung ương hay tư nhân, thông qua nhiều chính sách, như hỗ trợ các trường trên địa bàn giải quyết những vấn đề pháp lý về đất đai, triển khai chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu chính sách cho các trường đại học vay vốn.
Song song đó, thành phố sẽ chọn lựa đầu tư trực tiếp hoặc đề xuất trung ương xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp ở thành phố, bao gồm cả trong trường đại học.
Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HSU
Về đề án, theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, có 8 ngành, nhóm ngành đào tạo được tập trung, gồm: Công nghệ thông tin - Truyền thông, Cơ khí - Tự động hóa, Trí tuệ nhân tạo, Quản trị doanh nghiệp, Tài chính - Ngân hàng, Y tế, Du lịch, Quản lý đô thị.
Đến nay, đề án thành phần ở 4 ngành đã được thông qua, chuẩn bị triển khai, gồm: Đào tạo nhân lực cho ngành Quản lý đô thị do trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) chủ trì; ngành Công nghệ thông tin do trường Đại học Bách khoa chủ trì, ngành Trí tuệ nhân tạo do trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì; ngành Tài chính - Ngân hàng do Đại học Kinh tế TP HCM chủ trì.
Có ba nhóm có thể tham gia đề án. Nhóm thứ nhất là sinh viên năm thứ 3, 4 của các trường đại học với một số điều kiện cụ thể về kết quả học tập, trình độ ngoại ngữ, ngành học. Với nhóm này, các trường có thể tuyển sinh thông qua khảo sát để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Nhóm thứ hai là học sinh lớp 12 thông qua các đợt tuyển sinh hàng năm của trường đại học. Cuối cùng là nhóm cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại thành phố, có nguyện vọng tham gia chương trình. Hình thức tuyển sinh có thể bằng bài thi hoặc xét tuyển.
Người học phải thực hiện đúng quy chế đào đào tạo của trường đại học và quy định của TP HCM khi tham gia đề án. Trong vòng một năm sau khi tốt nghiệp, họ được thành phố giới thiệu việc làm. Các trường đại học phải chịu trách nhiệm về pháp lý của chương trình đào tạo; cũng như thỏa thuận với UBND thành phố.
Kinh phí thực hiện đề án lấy từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp của các tổ chức, cá nhân, xã hội hóa và các nguồn thu hợp pháp khác.
Ông Dương Trí Dũng trình bày đề án Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế. Ảnh: HSU
Mục tiêu của đề án là tất cả sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động quốc tế. Trong quá trình học, sinh viên các ngành trọng điểm được kiến tập, thực tập tại các công ty có môi trường làm việc quốc tế. Ngoài ra, tất cả trường tham gia đề án được công nhận trong khu vực ASEAN, hoàn thành các thủ tục công nhận tương đương bằng cấp và chuyển đổi tín chỉ/học phần với các trường trong khu vực châu Á, thế giới.
Tiêu chí cụ thể về đầu ra sẽ được xác định sau.
Trước mắt, Sở đề xuất thành phố thí điểm đặt hàng cụ thể cho trường đại học chủ trì đề án thành phần, với số lượng sinh viên cụ thể.
Lệ Nguyễn