Một video vỏn vẹn 15 giây mới đây tại Trung Quốc thu hút sự chú ý của cư dân mạng: Một nữ sinh bị mẹ lừa, đích thân cắt tóc kiểu "nồi úp", khi nhìn vào gương liền gào khóc. Người mẹ không những không nghĩ đến việc sửa lại mái tóc, ngược lại cười ha ha, đưa điện thoại chụp ảnh cô con gái "xấu xí". Đứa con gần như suy sụp, khóc lóc đóng cửa bỏ đi, trong video chỉ còn lại tiếng cười vang dội của người mẹ.
Rất nhiều ý kiến đã chê trách người mẹ làm tổn thương lòng tự trọng của con mình.
Dưới bài đăng, một số cô gái khác kể lại sự tự ti của mình vì bị cắt tóc lúc nhỏ, bị bạn cùng lớp cô lập. Người mẹ không nhận ra sai lầm, còn giận dữ chỉ trích cư dân mạng "xen vào việc của người khác".
Tóc kiểu "nồi úp" (Ảnh minh họa)
Một bà mẹ khác, vì cô con gái tăng cân, nặng hơn 30kg không thể mặc đồng phục mới của trường, liền nhanh tay chụp lại dáng vẻ ngáo ngơ của con, đăng lên mạng xã hội. Bạn cùng lớp của con gái xem được, cùng nhau cười nhạo, đứa trẻ về nhà khóc và yêu cầu mẹ xóa đi. Bà mẹ lờ như không nghe gì, còn cười xòa gửi video cho giáo viên để tám chuyện.
So với các cậu bé, những cô con gái nhạy cảm hơn, mong manh hơn và dễ bị tổn thương hơn. Vì vậy, các gia đình có con gái, cha mẹ nên biết 4 điều cấm kỵ, nhất định không bao giờ làm tổn thương con.
1. Lòng tự trọng
Cô gái nào cũng yêu cái đẹp. Đặc biệt, tuổi dậy thì là giai đoạn mà các cô gái đặc biệt quan tâm đến ngoại hình. Những hành động vô tình hoặc cố ý của người mẹ như hai trường hợp trên không chỉ làm hỏng hình ảnh của mình, làm tổn thương lòng tự trọng con cái, mà còn có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của đứa trẻ sau này.
Lòng tự trọng là "cột sống" của một người. Nếu người lớn không chú trọng giữ gìn phẩm giá của đứa trẻ, cười nhạo, châm biếm, hạ thấp, làm cho con cảm thấy xấu hổ, lòng tự trọng của con gái sẽ bị tổn thương, sau đó hình thành tâm lý tự ti, hèn nhát, tiêu cực và một loạt các hiện tượng tự trọng thấp khác.
Không quở trách con trước mặt người khác, vạch trần khuyết điểm của con, không so sánh, không xâm phạm đến quyền riêng tư của con cái... Khi các con nhận được sự tôn trọng từ bố mẹ, chúng sẽ ý thức hơn với hành động, cuộc sống của mình để hoàn thiện nhân cách và có những bước tiến dài trên quá trình phát triển bản thân.
2. Cảm giác an toàn
Bill Gates đã từng nói: "Ưu tiên hàng đầu của tôi để giáo dục trẻ em là cung cấp cho chúng một cảm giác an toàn". Sự phát triển của trẻ em giống như xây dựng các tòa nhà cao tầng, cảm giác an toàn là nền tảng, nền móng càng vững chắc, tòa nhà có thể được xây dựng càng cao. Cảm giác an toàn là thành phần cơ bản và quan trọng nhất trong tính cách của một cô gái.
Các nghiên cứu khoa học não đã chỉ ra rằng trẻ em cảm thấy an toàn hơn, học tập càng nhanh, làm việc càng tích cực hơn. Ngược lại, nếu cảm giác an toàn bên trong không được đảm bảo, đứa trẻ luôn lo lắng, dành nhiều tâm trí hơn để có được sự bình an bên trong, rất khó để tập trung vào việc hoàn thành một điều gì đó.
Tình mẫu tử là nguồn cảm giác an toàn tốt nhất, vì vậy trước 3 tuổi, sự hiện diện của người mẹ vô cùng quan trọng nhằm giúp con gái sinh ra tâm lý "miễn là con cần, mẹ sẽ ở đây". Từ đó có được sự vững chắc bên trong.
Các bé gái 3-6 tuổi có khả năng nhận thức thế giới mạnh mẽ hơn, vì vậy tại thời điểm này cha mẹ cần phải tạo ra một bầu không khí gia đình hài hòa, để cho trẻ em cảm thấy thế giới thân thiện, từ đó hình thành tính cách dũng cảm và tự tin.
Sau 6 tuổi, cảm giác an toàn của cô gái đạt được bao nhiêu phụ thuộc nhiều nhất chính là từ cha mình. Vì vậy, người cha phải phát huy vai trò "chỗ dựa vững chắc", bất cứ khi nào con gái cần, phải cho con sự an ủi và giúp đỡ đầu tiên.
3. Sự tự tin
Khí chất đẹp nhất của cô gái, không gì khác hơn là sự tự tin. Nếu cô ấy lớn lên trong một môi trường bị từ chối, sẽ dễ dàng trở nên tự nghi ngờ, tự từ chối, không dám phấn đấu, bất cứ điều gì đối mặt đều sợ hãi.
Có một cô gái học giỏi nhất nhì trong trường, nhưng luôn luôn bị mẹ phê bình, quở trách. Dần dà, ngay cả bản thân cô cũng không công nhận mình. Gặp chuyện luôn tự trách bản thân trước, khi người khác theo đuổi cô lại theo bản năng trốn tránh, nói ra khuyết điểm của mình để triệt tiêu lời khen ngợi, luôn tự cho mình không xứng đáng.
Vì vậy, đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của những đánh giá tiêu cực từ cha mẹ về con cái. Cha mẹ tốt biết cách khen ngợi con, luôn luôn chấp nhận và khẳng định giá trị của con thay vì phê bình, chê trách.
4. Lòng can đảm
Trong quan niệm truyền thống, các cô gái luôn là những người yếu đuối và cần được bảo vệ. Vì vậy người lớn luôn yêu cầu con nhẹ nhàng, dịu dàng, không được thế này thế kia để ra dáng "thục nữ". Dần dà, các cô gái thực sự trở nên im lặng và nhút nhát, chỉ cần va chạm một chút là khóc lóc, né tránh, ỷ lại. Nhưng xã hội hiện đại đã không còn thích hợp cho "tiểu công chúa" yếu đuối bất lực nữa.
Lãnh đạo sẽ không vì cô ấy là con gái mà ưu đãi, khách hàng sẽ không bởi vì cô ấy là một cô gái mà lựa chọn hợp tác, người xấu cũng không bởi vì sự yếu đuối của cô gái mà nảy sinh lòng thương hại. Cha mẹ tốt,luôn luôn khuyến khích các cô gái can đảm, theo đuổi ước mơ, mạnh dạn thể hiện bản thân, biết tự bảo vệ mình.
Ví dụ như Lý Yên, con gái diva Vương Phi, vốn mắc dị tật hở hàm ếch bẩm sinh, từng trải qua ba lần phẫu thuật. Vương Phi - Lý Á Bằng từng nghĩ sẽ "giấu con" ở Mỹ, tránh để Lý Yên bị soi mói. Họ cũng lo sợ con gái thiếu tự tin, sống khép kín. Nhưng dần dần, cả hai nhận thấy con gái vui tươi, lạc quan và không cần được "giấu".
Lý Yên thích bộc lộ bản thân, làm điều mình thích và không quá bận tâm tới sự soi mói, xì xào của người khác. Vương Phi từng nói về con: "Tôi không nghĩ con mắc bệnh tật gì, luôn cảm thấy con là đứa trẻ bình thường, xinh đẹp. Lý Yên còn là đứa trẻ vững vàng tâm lý".
Lý Yên, con gái Vương Phi, vốn mắc dị tật hở hàm ếch bẩm sinh, từng trải qua ba lần phẫu thuật.
Sự chấp nhận và khuyến khích của gia đình đã nuôi dưỡng một cô gái dũng cảm, độc lập và tự do.
Có bao nhiêu bậc cha mẹ đã nói điều này với con gái của họ? "Con phải ngoan", "phải nghe lời", "phải hiểu chuyện"... Không biết rằng, con gái quá ngoan ngoãn chưa hẳn đã tốt. Tâm lý học đã chứng minh rằng khi còn nhỏ, các cô gái rất ngoan, lớn lên thường dễ bị các vấn đề tâm lý hơn.
Một cô gái tốt không nhất thiết phải quá ngoan, nhưng phải có chủ kiến, có thể suy nghĩ độc lập, dám từ chối, có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ, không bao giờ là con rối trong tay người khác.
Cha mẹ nên cho con gái mình quyền nói chuyện, để cho con mạnh dạn thể hiện bản thân, thậm chí cho phép con cãi nhau, bày tỏ ý kiến của mình, có cơ hội đối thoại bình đẳng với cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ nên buông bỏ càng nhiều càng tốt, không thay thế con cái để đưa ra quyết định, để cho trẻ chịu trách nhiệm về quyết định của mình càng nhiều càng tốt.
Cô gái được tôn trọng, dám nói, dám nghĩ, dám thách thức bản thân, có nhiều quyền chủ động hơn sẽ tự lái con tàu cuộc đời của chính họ.