Nữ sinh trường TH School đã chọn theo học song ngành Quản trị kinh doanh và Khoa học chính trị ở trường Kinh doanh IE, Đại học IE, Tây Ban Nha. Đây là nơi đưa ra mức hỗ trợ cao nhất - 135.000 euro (gần 4 tỷ đồng), tương đương 90% học phí cho 5 năm học. Trong đó, 30% dựa trên xét hồ sơ và điểm bài thi đầu vào; 60% nhờ vòng phỏng vấn sau đó.

"Em không ngờ niềm vui lớn nhất lại đến từ ngôi trường cuối cùng thông báo kết quả", An nói. Theo QS, ngành Quản trị kinh doanh của trường xếp hạng 32 thế giới.

Nguyen-Hanh-An-1747642744-1557-1747642915.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6iRz-BK7lyBH5NmXnsqqfw

Nguyễn Hạnh An. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hạnh An nghĩ đến du học từ lớp 6. Chương trình học bằng tiếng Anh và hầu hết bạn bè dự định du học đã thôi thúc An tìm cơ hội. Một phần cảm hứng đến từ trải nghiệm du học của dì, người đã dạy An tiếng Anh và khuyên em thi học bổng vào môi trường quốc té.

Để chuẩn bị dần, An học tốt từ đầu, hầu hết đạt điểm A, A* chương trình phổ thông Anh - Cambridge. Trong kỳ thi AS-Level, nửa đầu của chương trình Tú tài Anh (A-Level), Hạnh An được điểm A môn Xã hội học và Tâm lý học; điểm B môn Kinh doanh. Điểm dự đoán A-Level các môn này lần lượt là A*, A* và A.

An còn tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan sở thích đọc sách và kinh doanh. Nữ sinh tâm đắc nhất là câu lạc bộ sách Irma Pince do em sáng lập năm 2021, sau đưa vào bài luận chính ứng tuyển đại học.

Thích đọc sách ngoại văn nhưng không thể mua vì đắt, An bất ngờ khi thấy thư viện trường đầy ắp loại sách này. Em liền nảy ra ý tưởng chia sẻ sách thông qua một câu lạc bộ.

Ban đầu, các hoạt động diễn ra online, chủ yếu là giới thiệu và thi tìm hiểu về sách. Dù nội dung tỉ mỉ, mỗi bài đăng trên fanpage chỉ nhận được khoảng 50 lượt tương tác, khiến An hụt hẫng. Nữ sinh bèn tìm đến các hội, nhóm về sách trên mạng để tìm hiểu nhu cầu và kết nối các bạn cùng sở thích. Sau hai năm, lượt tương tác tăng gấp 10 lần, nhiều thành viên hơn.

Song, điều An muốn nhất là tặng sách lại chưa làm được, vì hạn chế về tài chính. Cả đội lên kế hoạch xin tài trợ, gửi một bản đến Trung tâm Mỹ và được chấp nhận. Giai đoạn này, các em chủ yếu tổ chức workshop thảo luận sách và các chủ đề xã hội, đan xen các hoạt động như rèn kỹ năng đọc, trang trí kẹp sách... Nhờ vậy, câu lạc bộ thành công gây quỹ tặng sách cho trẻ em vùng cao.

Nỗ lực này mang về cho Hạnh An giải thưởng Diana từ Vương quốc Anh, năm 2024. Giải thưởng có lịch sử 25 năm, nhằm tôn vinh thanh thiếu niên đóng góp tích cực cho xã hội.

Để làm nổi bật đam mê kinh doanh trong hồ sơ, Hạnh An kể về lần tham gia cuộc thi sáng kiến khởi nghiệp cho học sinh THPT. Năm 2024, nữ sinh giành giải nhì cá nhân và giải nhất đồng đội ở cuộc thi khởi nghiệp Aspiring Vietnam. Việc giải quyết bài toán có thật của các doanh nghiệp củng cố sự tự tin và yêu thích của An với kinh doanh.

Hanh-An-trai-ngoai-cung-gioi-t-8751-5728-1747667396.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d9nLxWpnacQUqKCyYZNQnQ

Hạnh An giới thiệu về văn học Bắc Mỹ thời hiện đại trong một sự kiện, tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cùng lúc, Hạnh An tìm trường rất kỹ, với mục tiêu kiếm học bổng, bởi gia đình chỉ có thể hỗ trợ vài trăm triệu.

"Em không muốn vì ước mơ của mình mà đặt gánh nặng lên bố mẹ", An nói. Những năm qua, dù được trường hỗ trợ phần lớn, bố mẹ An phải "rất cố gắng" để chi trả phần còn lại.

Nữ sinh chuẩn bị một bộ hồ sơ chung gồm bảng điểm, bài luận chính, điểm IELTS, AS và A-Level; đồng thời xin 1-3 thư giới thiệu từ thầy cô. Với các trường ở Mỹ, trong một tháng trước hạn nộp kỳ sớm (Early Decision), An viết thêm hàng chục bài luận phụ. Em nộp cả các đợt sau ở Mỹ và vào một số trường ở Canada, châu Âu - thường có hạn vào tháng 1/2025. Để xin học bổng, Hạnh An chuẩn bị thêm hồ sơ tài chính và bài luận, tùy yêu cầu từng trường.

"Quyết tâm lớn đến mức em có thể xong một bộ hồ sơ mỗi ngày, gồm cả việc sửa đi sửa lại bài luận", An nhớ lại.

An thấy trường Kinh doanh IE tuyển sinh đặc biệt nhất, dài 4 tháng. Sau vòng đơn, An làm bài kiểm tra Toán và Kinh tế, rồi trải qua hai đợt phỏng vấn. Cuối cùng, An vào vòng thi học bổng. Trường yêu cầu hai bài luận phụ về lý do đăng ký và những điều ứng viên có thể làm nếu đạt. Không chỉ làm đúng yêu cầu, Hạnh An gửi thêm video về hành trình cố gắng của mình để thuyết phục hội đồng tuyển sinh.

Đó cũng là lúc An nhận tin trúng học bổng ba trường ở Canada, gồm Đại học Toronto (top 1), Đại học Alberta (top 4), York University (top 17). Mức hỗ trợ ở mỗi trường là 60.000-125.000 CAD (1,1-2,4 tỷ đồng) cho 5 năm học.

Ngoài ra, An được 6 đại học Mỹ chấp nhận, hỗ trợ khoảng 176.000-208.000 USD (4,5-5,4 tỷ đồng) toàn khóa. Trong nhóm này, nổi bật có Depauw College và Gettysburg, ở vị trí 50 và 55 trong bảng xếp hạng đại học khai phóng Mỹ, theo US News.

Song, An đắn đo vì số tiền phải đóng vẫn vượt quá khả năng của gia đình. Cuối cùng, em chọn Đại học IE.

Cô Đặng Thị Ngọc Huyền, cố vấn hướng nghiệp, hiểu mỗi lựa chọn đều được An cân nhắc kỹ lưỡng.

"Hạnh An tự lập, kiên trì, quyết đoán và cầu toàn", cô nhận xét. "Không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, nhưng bạn luôn lấy lại tinh thần rất nhanh và tiếp tục 'săn' học bổng".

Trợ lý hiệu trưởng Brett Grant ở TH School thêm rằng với tính cách cởi mở và quan tâm sâu sắc đến xã hội, Hạnh An sẽ không chỉ học tập tốt, mà còn ảnh hưởng tích cực đến những cộng đồng mình tham gia.

Đinh Tiến Đạt, nhà sáng lập Arinet Education, là người đồng hành và hỗ trợ An suốt hai năm qua. Anh đánh giá vấn đề tài chính là một thử thách lớn với An khi xin học bổng. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa và bài luận thể hiện rõ nét cá tính và tiềm năng đã giúp An đạt kết quả ngoài mong đợi.

Hạnh An nói muốn làm việc trong các tổ chức quốc tế về giáo dục, phát triển bền vững sau này. Còn trước mắt, nữ sinh háo hức trải nghiệm cuộc sống, học tập ở thành phố khởi nghiệp sôi động Madrid.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022