Thay vì học hành các thành viên ngồi "tám" chuyện

photo-1-1500290087057.jpg

Khi việc học không còn là ưu tiên số 1 nữa thì kiến thức bạn nhận về chẳng là bao và cái bạn mất là kha khá thời gian

Học nhóm là một trong những phương pháp học tập quen thuộc mang lại hiệu quả nếu bạn áp dụng đúng cách. Những kiến thức các bạn chia sẻ với nhau trong nhóm, những lần trao đổi bài học luôn là cách hữu hiệu để nâng cao khả năng của mỗi bạn. Ngoài ra khi làm bài tập lớn hay chuyên đề các bạn có thể hỗ trợ nhau, phát hiện những sai sót mà đỡ mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, không phải khi nào mọi sự cũng đơn giản vậy. Thực tế, vẫn tồn tại những nhóm học không đi theo mục tiêu này. Các bạn tập hợp nhau để cùng học nhưng việc học chưa thấy đâu thì những câu chuyện "tám" xuyên lục địa đã bắt đầu và không có điểm kết. Và tất nhiên, khi đó việc học sẽ không được tập trung vì không còn là ưu tiên số 1 nữa. Kiến thức nhận về không được bao nhiêu và cái bạn mất là kha khá thời gian.

Mọi việc hãy cứ để vài bạn có khả năng vượt trội... "cân" tất  

Một nhóm học có bao nhiêu thành viên điều này không quan trọng. Vì sao ư? Bởi dù ít hay nhiều thành viên thì người ôm đồm công việc vẫn sẽ là một vài thành viên có khả năng vượt trội lo hết. Từ việc đi tìm tài liệu, lập đề cương, thuyết trình... mọi thứ đều được đùn đẩy và mọi người không tự chủ động để cùng nhau hoàn thành bài vở. Đặc biệt khi có những bài tập lớn thay vì việc thành viên trong nhóm đều cần phải nỗ lực, đưa ra ý kiến để thành phẩm đạt chất lượng tốt nhất thì nhiều bạn lại có suy nghĩ "mình không làm sẽ có người khác làm" nên thờ ơ, vì kiểu gì cũng có điểm, điểm chung của cả nhóm mà. Đây cũng chính là nguyên nhân hình thành tâm lý, một số bạn chỉ cố xin vào một nhóm nào đó, ngồi không và nhận điểm!

Sẽ thật mệt nếu trưởng nhóm "vô tình" ôm đồm mọi thứ 

img-xb5l3jl-1500290413599.jpg

Làm việc nhóm chỉ mang lại hiệu quả khi bạn áp dụng đúng cách.

Làm việc nhóm quả thật không đơn giản như chúng ta tưởng. Mọi người đùn đẩy công việc cho nhau cũng là vấn đề, trưởng nhóm nhất quyết ôm đồm mọi thứ lại càng vấn đề hơn nữa. Có thể do tự tin thái quá vào khả năng của mình hơn, hoặc cũng có thể không yên tâm và tin tưởng vào các thành viên còn lại mà trưởng nhóm không chia công việc quan trọng và thường bỏ qua ý kiến của mọi người. Thậm chí, những ý kiến đóng góp của mọi người về đề tài, hướng triển khai... cũng "vô tình" bị bỏ qua. Nếu như vậy thì liệu có còn là hoạt động nhóm? Sự tự tin thái quá, không hợp tác, tin tưởng nhau giữa các thành khi làm việc chung chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Với cách làm việc nhóm như thế này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây "sứt mẻ" tình cảm bạn bè.

Vậy cần lưu ý gì để làm việc nhóm có hiệu quả?

- Nghiêm túc, tập trung khi thảo luận tránh trường hợp ngồi "tám" chuyện, làm sai mục đích của việc tạo nhóm học tập.

- Chọn bạn cùng nhóm có chung mục tiêu học tập, việc học sẽ hiệu quả hơn.

- Có thời khóa biểu cụ thể rõ ràng để các thành viên có cơ hội gặp mặt, trao đổi vấn đề.

- Cần tạo ra bầu không khí trao đổi cởi mở, thân thiện, hợp tác, không áp đặt cái tôi của mình quá lớn vào quá trình thảo luận để mọi người có thể hỗ trợ nhau cùng tiến bộ.

- Sau tất cả, mỗi cá nhân cần nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc chung của nhóm!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022