Việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã trở nên xa xỉ với các thầy cô giáo.
Mỗi tuần, Sandra xách một chiếc vali nhỏ từ nơi làm việc về nhà. Cô không phải tiếp viên hàng không cũng không phải là nhà thiết kế thời trang mà là một giáo viên. Chiếc vali lèn chặt hồ sơ, sổ sách và bài tập của học sinh mà Sandra phải mang về nhà để hoàn thiện.
“Đồng nghiệp của tôi hay nói đùa rằng chúng tôi giống như tiếp viên hàng không, mang hành lý trở về nhà sau một chuyến bay dài”, chị Sandra bày tỏ.
Theo Sandra, vì có quá nhiều việc phải làm không nằm trong chương trình dạy, giáo viên Singapore thường mang bài tập của học sinh về nhà chấm cùng những công việc hành chính còn dang dở. Có những ngày, chiếc vali của Sandra chứa tới 120 quyển sách.
Giống như nhiều giáo viên Singapore, Sandra theo đuổi nghề giáo vì đam mê và coi trọng giảng dạy là một công việc cao quý. Tuy nhiên, việc phải dành hàng giờ để giải quyết công việc hành chính, lên kế hoạch cho các hoạt động ngoại khoá (CCA) và trao đổi với phụ huynh khiến Sandra mệt mỏi.
Sau một ngày dài ở trường với khối lượng công việc vẫn còn ngổn ngang, trở về nhà, Sandra vẫn phải thu xếp việc gia đình để chấm điểm bài tập về nhà và soạn giáo án. Công việc đang chiếm gần như toàn bộ thời gian trong ngày của nữ giáo viên.
“Ranh giới giữa công việc và cuộc sống của tôi bị mờ đi. Tôi không biết phải làm thế nào nữa”, Sandra bày tỏ.
Khối lượng công việc quá nhiều khiến giáo viên kiệt sức là vấn đề đã tồn tại lâu năm trong ngành Giáo dục Singapore, nơi xã hội đặt kỳ vọng cao về vai trò của nhà trường và nhà giáo trong việc giáo dục trẻ. Năm 2021, Singapore từng xôn xao câu chuyện một người đàn ông gửi thư cho báo Strais Times. Trong thư, anh kêu gọi chính phủ giảm khối lượng công việc của giáo viên để vợ anh có nhiều thời gian hơn cho gia đình.
“Chúng ta cần làm gì đó để giáo viên không bị kiệt sức. Họ đến trường trước khi mặt trời mọc và chỉ về nhà khi mặt trời lặn. Việc chấm bài, trao đổi với học sinh và phụ huynh vẫn tiếp tục diễn ra trong nhà”, bức thư miêu tả.
Đầu tháng 10, Chính phủ Singapore đã tiến hành tăng lương từ 5 – 10% cho giáo viên các trường mẫu giáo, trường phổ thông và các chuyên gia giáo dục. Động thái này là một phần trong nỗ lực tiếp tục thu hút và giữ chân nhân tài trong ngành sư phạm. Dù không ít người hoan nghênh hành động trên, số khác lại cho rằng, việc tăng lương không phải giải pháp giữ chân giáo viên lâu dài.
Lạm phát gia tăng áp lực lên giáo viên Anh.
Nguyên nhân gốc rễ của tình trạng giáo viên rời bỏ nghề là khối lượng công việc quá lớn, trong đó công việc hành chính chiếm quá nhiều thời gian ngoài giờ lên lớp. Do đó, nếu giáo viên không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống, họ sẽ mất đi động lực duy trì công việc.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Giáo dục Singapore cho biết đã triển khai nhiều biện pháp giúp giảm bớt khối lượng công việc của giáo viên. Đơn cử, Bộ Giáo dục đã triển khai hệ thống thông tin giáo dục trực tuyến, nơi giáo viên có thể cập nhật, lưu trữ và đối chiếu... dữ liệu của học sinh mà không mất thời gian hoạt động vật lý. Đồng thời, Bộ đã phân bổ thêm kinh phí cho các trường thuê nhân viên hành chính.
Song song, Bộ Giáo dục Singapore tăng cường quan tâm vấn đề sức khoẻ tâm thần của giáo viên, đặc biệt sau dịch Covid-19. Bộ đã xây dựng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp tại nhà và đường dây nóng tư vấn 24/7 cho cán bộ nhân viên. Ngoài ra, Liên minh Giáo viên Singapore (STU) đã cung cấp dịch vụ bồi dưỡng nâng cao nghề nghiệp, dịch vụ tư vấn,... giúp giáo viên xác định và tìm phương hướng giải quyết những khó khăn trong công việc.
Tuy nhiên, một nguyên nhân gây áp lực lên giáo viên mà Bộ Giáo dục chưa thể giải quyết là phụ huynh. Là một quốc gia coi trọng giáo dục, phụ huynh Singapore rất quan tâm và muốn tham gia vào quá trình giáo dục trên lớp của con.
Họ thường xuyên nhắn tin, gọi điện cho giáo viên để thảo luận từ các vấn đề nhỏ nhất là bài tập của học sinh đến vấn đề lớn như kỷ luật học sinh, nội dung bài giảng... Nhiều giáo viên cảm thấy áp lực, lo lắng khi phụ huynh can thiệp quá sâu vào công tác giáo dục.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục Singapore đã nhiều lần nhấn mạnh phụ huynh cần chia sẻ và ủng hộ giáo viên, hạn chế liên lạc với giáo viên ngoài giờ hành chính.
Giáo viên Singapore mang bài tập về nhà chấm.
Sau một ngày làm việc đến tối muộn, chị Katie, sống tại Anh, phải dậy từ 5 giờ 45 phút sáng để kịp bắt chuyến xe đến trường lúc 6 giờ 30 phút, nơi hàng núi giấy tờ, sổ sách đang đợi giải quyết. Là giáo viên tại một trường phổ thông ở thủ đô London, cô giáo Katie tan làm lúc 5 giờ nhưng vẫn tiếp tục làm việc ít nhất là đến 9 giờ tối. Bởi lẽ, thời gian ở trường, cô phải giảng dạy, hỗ trợ học sinh, thậm chí là thay ca với giáo viên nghỉ, nên những công việc như hoàn thành giấy tờ, chấm điểm... phải gác lại đến buổi tối.
“Tôi đã từng rất yêu công việc của mình. Nhưng sau 15 năm, mỗi ngày tôi đều sợ đến trường. Tôi cảm thấy lo lắng và phát ốm khi nghĩ đến núi công việc đang đợi giải quyết”, chị Katie bày tỏ.
Katie không đơn độc. Giáo viên trên khắp Vương quốc Anh đều rơi vào tình trạng kiệt sức và đối mặt với khủng hoảng sức khoẻ tâm thần.
Khảo sát Chỉ số Hạnh phúc của giáo viên do tổ chức Hỗ trợ Giáo dục Anh thực hiện chỉ ra 77% giáo viên có sức khoẻ tâm thần kém do công việc. Còn 72% cảm thấy bị căng thẳng và phải làm việc quá sức.
Cuộc khảo sát chỉ ra rằng, khối lượng công việc quá lớn khiến giáo viên mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sức khoẻ tinh thần kém. Vì lẽ đó, khảo sát ước tính 44% giáo viên phổ thông tại Anh sẽ nghỉ việc vào năm 2027.
Là hiệu trưởng một trường phổ thông ở Exmoor (Anh), ông Nick Smith cho rằng căng thẳng gia tăng do giáo viên phải gánh thêm nhiều trách nhiệm trong khi kinh phí dành cho trường học bị cắt giảm và lương giáo viên không thay đổi. Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, giáo viên phải học cách làm chủ giảng dạy trực tuyến, đồng thời, theo dõi, thống kê số lượng học sinh mắc Covid-19.
Khi học sinh trở lại trường, bên cạnh dạy học tăng cường, giáo viên phải kiêm các nhiệm vụ y tế như đo thân nhiệt, bảo đảm học sinh giữ khoảng cách, rửa tay... Những công việc “không tên” khiến giáo viên không còn thời gian dành cho bản thân.
Vậy nhưng, theo ông Nick, trong bối cảnh dịch bệnh dần được kiểm soát, cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra khiến Anh rơi vào khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Một lần nữa, căng thẳng gia tăng do giáo viên phải gánh thêm trách nhiệm trong khi kinh phí dành cho giáo dục bị cắt giảm.
“Kỳ vọng dành cho nhà giáo hiện nay là rất lớn nhưng áp lực của chúng tôi còn lớn gấp nhiều lần những gì mọi người nghĩ. Tôi đã rất mệt mỏi khi phải đi làm từ 6 giờ 45 phút sáng và làm việc đến tận 9 giờ tối 3 ngày mỗi tuần. Tôi cùng đồng nghiệp cũng phải làm việc trong kỳ nghỉ hè và cuối tuần”, ông Nick chia sẻ.
Trước tình cảnh trên, Bộ Giáo dục đề nghị tăng lương lên 5% cho giáo viên và hiệu trưởng các trường phổ thông trong năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, giáo viên muốn tăng 12% để đáp ứng chi phí sinh hoạt tăng. Đề nghị trên đã không được chấp thuận.
Vì lẽ đó, hai công đoàn giáo viên lớn nhất nước Anh là NASUWT và NEU cảnh báo trong thời gian tới có thể xảy ra một cuộc đình công quy mô lớn trong giáo dục. Cuộc đình công không chỉ nhằm phản đối việc chính phủ không chấp thuận tăng lương mà còn yêu cầu Bộ Giáo dục giảm khối lượng công việc đang đè nặng lên vai thầy cô.
Giáo viên Australia làm việc 70 giờ mỗi tuần.
Câu chuyện tương tự đang diễn ra tại Australia. Thầy giáo tiếng Anh Ryan Johnstone chia sẻ: “Bạn bè luôn bị sốc khi tôi mô tả công việc của mình. Tôi làm việc 70 giờ một tuần, bắt đầu một ngày từ 7 giờ sáng và kết thúc vào 7 giờ tối, thậm chí là 10 giờ. Tôi luôn làm việc vào cuối tuần và không có thời gian cho các kỳ nghỉ”.
Sau 21 năm dạy trung học, thầy Ryan nhận thấy bản thân đang đối mặt với áp lực khổng lồ và dự định xin nghỉ việc trong năm nay. Câu chuyện giáo viên kiệt sức vì khối lượng công việc và xin nghỉ đã không còn xa lạ tại Australia.
Báo cáo của Ủy ban Năng suất Australia chỉ ra, mặc dù giáo viên Australia làm việc nhiều giờ hơn các nước khác nhưng phần lớn là các nhiệm vụ “giá trị thấp” như giải quyết khiếu nại, thủ tục giấy tờ, văn thư,...
Theo thầy Ryan, một trong những thách thức lớn nhất mà giáo viên Australia phải đối mặt là quan điểm giáo dục coi mỗi học sinh là một cá nhân nhưng quy mô lớp học còn quá lớn. Để minh hoạ cho vấn đề này, thầy giáo lấy ví dụ một giáo viên tiếng Anh ở trường trung học thông thường dạy 5 lớp. Mỗi lớp có 26 – 30 học sinh. Vị chi, thầy giáo phải quản lý 150 học sinh cùng lúc.
Trong xu hướng mỗi học sinh là một cá nhân cần được giáo dục bằng các phương pháp khác nhau, với 150 học sinh, người thầy không thể kiểm soát nổi. Giáo viên không thể chăm lo cho từng em cũng như quan tâm, giáo dục từng em theo phương pháp khác nhau.
Do đó, một trong những kiến nghị của các công đoàn giáo viên Australia là giảm thiểu số lượng học sinh mà một giáo viên phải quản lý. Bên cạnh đó, phụ huynh cần phải phối hợp với giáo viên trong công tác giáo dục trẻ. Chính phủ, đồng thời phải tăng cường đầu tư nguồn lực, vật lực và nhân lực cho ngành Giáo dục.