Quy định được trường THPT Thạnh Lộc áp dụng từ tháng 9. Thầy Lương Văn Định, Hiệu trưởng, cho biết không cấm học sinh mang điện thoại vì lúc tan học, nhiều em cần dùng để đặt xe hoặc gọi người nhà đến đón. Còn lại, các em không được dùng, trừ khi giáo viên cho phép.
Lý giải, thầy Định nói nhận thấy trong giờ ra chơi, phần lớn học sinh không vận động, giao lưu mà chăm chăm vào điện thoại. Nhiều em dùng mạng xã hội không đúng cách, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng học hành.
Trường đã họp và được tất cả phụ huynh đồng thuận việc cấm điện thoại. Sau đó, nhà trường tổ chức một buổi sinh hoạt tập thể, giải thích cho hơn 2.000 học sinh về tác hại khi sử dụng điện thoại không đúng nơi, đúng lúc.
"Nhiều học sinh chưa đồng tình. Điều này dễ hiểu bởi lâu nay các em dành nhiều thời gian và bị hấp dẫn bởi các ứng dụng, trò chơi trong đó", thầy Định nói. Trường THPT Thạnh Lộc dự tính đầu tư thêm bàn bóng bàn, tổ chức các hoạt động thể thao để học sinh tham gia vào giờ giải lao.
Học sinh trường THPT Thạnh Lộc chơi cờ hoặc đọc sách, làm bài tập trong giờ ra chơi, ngày 13/9. Ảnh: Minh Khánh
Nguyễn Viết Hoàng Minh, học sinh lớp 11, ủng hộ quy định mới của trường. Theo Minh, phần lớn bạn bè dùng điện thoại để chơi game, lướt mạng, thậm chí còn lén dùng trong giờ học. Thầy cô bắt gặp chỉ tạm giữ điện thoại, hết giờ sẽ trả lại, mọi việc cũng lại đâu vào đấy.
"Không có điện thoại, các bạn sẽ chơi thể thao, tương tác với nhau nhiều hơn", Minh đoán.
Từ khi áp dụng quy định mới, Ngọc Ánh, học sinh lớp 12, bỏ thói quen dùng điện thoại vào giờ nghỉ trưa hoặc tìm đáp án bài tập trên mạng. Nhờ đó, em có giấc ngủ trưa, tập trung vào giờ học.
Thầy Định cho hay giáo viên, giám thị sẽ thường xuyên quan sát học sinh trong giờ học, giờ ra chơi. Phụ huynh được cung cấp số điện thoại bàn của giám thị, phòng trường hợp cần liên lạc gấp với con. Tương tự, học sinh cần gọi về nhà cũng có thể dùng điện thoại của trường.
Học sinh trường THPT Phan Đăng Lưu gửi điện thoại cho giáo viên giữ khi tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, tháng 6. Ảnh: Lệ Nguyễn
Cùng là trường công ở quận 12, THPT Trường Chinh đã cấm khoảng 2.800 học sinh dùng điện thoại từ năm học trước. Sau một năm, thầy Trịnh Duy Trọng, Hiệu trưởng, nói nhận được nhiều phản hồi tích cực.
"Cảnh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại trong giờ ra chơi không còn, thay vào đó, sân trường nhiều học sinh chơi thể thao", thầy cho hay.
Theo thầy Trọng, ban đầu thầy cô phải từ từ phân tích, tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, thường xuyên đi dọc hành lang để giám sát. Dần dần, học sinh tự giác thực hiện.
"Thậm chí, trong buổi đối thoại với trường năm ngoái, một số em còn cảm ơn trường khi đưa ra quy định này", thầy Trọng nói thêm.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh có thể dùng điện thoại trong các tiết để phục vụ việc học tập, nếu được giáo viên cho phép. Các em không bị cấm dùng trong giờ ra chơi, giải lao.
Nhiều nơi trên thế giới gần đây có động thái thắt chặt việc cho học sinh dùng điện thoại trong trường, như Pháp, Hy Lạp, Hungari, Đan Mạch.. Năm 2023, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) kêu gọi toàn cầu cấm học sinh dùng điện thoại ở trường, nhằm giảm gián đoạn giờ học, nâng cao chất lượng học và bảo vệ trẻ em khỏi bị bắt nạt trên mạng.
Lệ Nguyễn