Hoàng Văn Thái, 20 tuổi, hiện là sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trường Đại học Kinh tế TP HCM. Thi IELTS hồi đầu tháng, Thái đạt 8.5, trong đó giành điểm tuyệt đối ở kỹ năng Nghe. Điểm ba kỹ năng còn lại của Thái lần lượt là 8.5 Đọc, 8.5 Viết và 7.5 Nói.

"Kết quả ngoài kỳ vọng nên mình rất hào hứng, gọi báo tin ngay cho bố mẹ", Thái nhớ lại. Đây là lần thứ hai nam sinh thi IELTS, nhằm chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển vào một công ty đa quốc gia. Ba năm trước, Thái thi chứng chỉ để đăng ký xét tuyển đại học, được 8.0.

Anh-1-1-JPG-9448-1721894465.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DWNytpW1xjxD6oHkUPe4cA

Hoàng Văn Thái. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thái sinh ra ở xã Tân Đông, tỉnh Tây Ninh, nơi tiếp giáp với ba xã của Campuchia. Bố mẹ đều làm nông, trồng các loại cây đặc trưng ở đây như mía, cao su.

Nam sinh nhìn nhận xã biên giới có nguồn lực giáo dục hạn chế, không có trung tâm tiếng Anh, còn người dân chưa chú trọng việc học. Trau dồi tiếng Anh để tăng cơ hội học lên cao và làm việc ở môi trường quốc tế là điều không mấy người nghĩ đến.

Ngày ở tiểu học, Thái chủ yếu tự học tiếng Anh qua sách giáo khoa. Lên cấp hai, nhà có điều kiện hơn, nam sinh xin lên thị trấn học. Mỗi ngày, Thái đạp xe 20 km cả đi cả về.

"Việc đi lại có phần vất vả, nhưng vì được học nên mình hăng hái lắm", Thái kể. Nam sinh thường ghi lại đời sống học tập ở thị trấn vào sổ nhật ký, thỉnh thoảng mở ra xem.

Dù vậy, Thái vẫn thấy học tiếng Anh trên lớp là chưa đủ nên dành nhiều thời gian tự tìm hiểu. Nam sinh mày mò xem các video khoa học trên Youtube, đặc biệt là các thí nghiệm vật lý, từ đó mở rộng vốn từ vựng.

Khó khăn của việc tự học khi đó, với Thái là không biết nhờ ai giải đáp những chỗ chưa hiểu. Người duy nhất biết tiếng Anh là cô giáo, nhưng cô cũng chỉ vững kiến thức cơ bản. Thái đặt mục tiêu thi đỗ trường chuyên để học bài bản, chuyên sâu hơn.

Nam sinh "lục tung" các hướng dẫn trên mạng, đọc sách, tra từ điển và luyện đề thi các năm trước. Kết quả, Thái thi đỗ vào lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha của tỉnh. Năm học cuối tại đây, Thái còn thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh và đạt giải nhất.

Cũng thời điểm này, Thái biết chứng chỉ ngoại ngữ đang được dùng phổ biến trong xét tuyển đại học. Nam sinh chọn ôn IELTS với mục tiêu thi đỗ một ngành kinh tế.

"Ước mơ từ nhỏ của mình là làm giáo viên tiếng Anh, nhưng làm kinh tế là lựa chọn phù hợp hơn để giúp đỡ gia đình", Thái kể.

Thường xuyên đọc sách và xem video bằng tiếng Anh, kỹ năng Nghe và Đọc của Thái khá vững, nên nam sinh chỉ luyện đề trên mạng để quen dạng bài.

Với hai kỹ năng còn lại, trong thời gian đầu ôn thi, Thái nhận ra mình làm chưa tốt vì "không có người chữa bài nên không biết sai ở đâu". Sau đó, tình cờ biết đến một bạn cùng khối chuyên đang du học ở Singapore, Thái chủ động bắt chuyện. Trò chuyện một thời gian về nhiều chủ đề chung, thấy bạn dùng tiếng Anh rất hay, nhất là cách diễn đạt và trình bày lập luận, Thái nhờ bạn giúp mình luyện Nói và Viết.

Trần Phước Mỹ, bạn thân, cũng là gia sư tiếng Anh của Thái, ấn tượng với thái độ chín chắn về mục tiêu thi IELTS của bạn.

"Thái học để hiểu. Vì vậy, bạn luôn tìm cách học thực tiễn và ứng dụng nhất", Mỹ nói. "Thái luôn đưa ra càng nhiều luận điểm thuận/nghịch, hoặc phản biện chính mình khi luyện đề Nói và Viết".

Lần thứ hai thi chứng chỉ, Thái vẫn nhờ bạn chữa đề và rèn kỹ năng lập luận. Trong hai tháng nghỉ hè, đôi bạn gặp nhau mỗi tuần một lần để chữa hơn 10 bài luận và 4 bài nói mà Thái đã chuẩn bị. Mỹ cũng giúp bạn luyện nói như một buổi thi thật, sau đó bình luận và góp ý chi tiết về logic, sự trôi chảy, ngữ pháp và từ vựng. Hầu hết đề ôn tập được lấy từ bộ sách Cambridge IELTS.

Anh-Su-Kien-2-1-JPG-6410-1721894466.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Iwx4Y0minjj9-pIql2LM9g

Thái (áo kẻ xanh) trong buổi thảo luận chủ đề du lịch ở câu lạc bộ tiếng Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài luyện đề, nam sinh vẫn trau dồi tiếng Anh bằng cách đọc báo, tạp chí khoa học và sách ngoại văn thường thức. Thái là độc giả thường xuyên của các bài viết về triết học trên New York Times hay các bài về sức khỏe và dinh dưỡng trên tạp chí khoa học Nature...

"Tiếng Anh là công cụ giúp mình tiếp cận nguồn tri thức rộng lớn của thế giới. Trong balo mình, lúc nào cũng có một cuốn sách tiếng Anh", Thái nói. Nam sinh đang tìm hiểu về những hiện tượng tâm lý trong cuốn Quirkology của Richard Wiseman, giáo sư tại Đại học Hertfordshire, Anh.

Thái cũng thường trò chuyện, giúp đỡ người nước ngoài ở khu vực nhà thờ Đức Bà (TP HCM) để tập phản xạ nói, cũng như được nghe nhiều trải nghiệm của du khách.

Học kỳ trước, nam sinh chọn môn Quản trị chuỗi cung ứng toàn cầu vì được học toàn bộ bằng tiếng Anh. Thái luôn ghi chép bài bằng tiếng Anh để hiểu và tư duy theo ngôn ngữ này. Cuối kỳ, nhóm của nam sinh phân tích chiến lược cung ứng và mua hàng của một công ty dược phẩm bằng hình thức video và nhận phản hồi tốt của thầy cô.

Trong hành trình của mình, Thái nói một điều may mắn nữa là được bố mẹ ủng hộ. Bố là người khuyên Thái học thêm tiếng Anh trên mạng, vì nghe nói học tiếng Anh sẽ có tương lai rộng mở. Mẹ Thái cũng khuyến khích, dù bà chưa từng học thứ tiếng này.

Thời gian tới, Thái cho biết sẽ tập trung học, hoàn thành tốt kỳ thực tập và giúp đỡ bạn bè học tiếng Anh.

"Mình cũng tiếp tục viết blog bằng tiếng Anh, chia sẻ góc nhìn về các vấn đề của đời sống bằng ngôn ngữ này", Thái nói.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022