Trần Đăng Khôi là học sinh lớp Hóa 1, trường THPT Hà Nội - Amsterdam (Ams). Tại Olympic Hóa học quốc tế (IChO) năm nay diễn ra từ ngày 21 đến 30/7 ở Arab Saudi, Khôi giành huy chương vàng, xếp hạng 23 trên hơn 300 thí sinh. Tổng điểm của Khôi là 75,22/100, riêng phần thi lý thuyết đạt 53,5/60 điểm, cao nhất đội Việt Nam.

"Em khá chắc mình sẽ giành huy chương, nhưng không ngờ là huy chương vàng", Khôi nói. "Phần thi thực hành, em làm chưa được như ý muốn".

Thành tích của Khôi góp phần giúp đoàn Việt Nam đồng hạng hai với Mỹ, trong 89 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, về số huy chương vàng.

z5688082348794-c9c5077d2bd3ee1-2748-9074-1722595234.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fIHzCsOz2PhXqGn9idE9xw

Trần Đăng Khôi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày cấp 2, Khôi học lớp tăng cường Toán ở một trường tư thục, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước ở môn này. Dù vậy, Khôi nhận chỉ học được chứ không đam mê Toán.

Lên lớp 8, Hóa là môn học mới nên nam sinh tò mò. Ngoài học lý thuyết, Khôi được tự tay làm nhiều thí nghiệm, ấn tượng với sự biến đổi màu sắc của các phản ứng hóa học. Thí nghiệm đầu tiên Khôi làm là cho axit và bazo tiếp xúc với giấy quỳ tím rồi quan sát hiển thị màu.

"Các chất trong suốt khi nhỏ lên giấy quỳ tím lại ra các màu khác nhau, em thấy rất kỳ diệu", Khôi nhớ lại. "Em cũng đặt mục tiêu phải hiểu được vì sao nó đổi màu như thế".

Bắt đầu thích Hóa cũng là lúc Khôi đọc về các anh, chị đạt giải IChO trên báo. Khôi ngưỡng mộ, mong một ngày có thể giành được huy chương này.

Kỳ thi đầu tiên mà Khôi tham gia là đợt chọn đội tuyển học sinh giỏi cấp trường, vào cuối lớp 8. Không như kỳ vọng, Khôi trượt đội tuyển, bỏ lỡ kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố lớp 9. Nam sinh nhìn nhận mình thích môn Hóa nhưng chưa học nghiêm túc.

"Em buồn, nhưng vực dậy tinh thần ngay để tập trung học và ôn thi chuyên", Khôi nói.

Theo Đăng Khôi, Hóa là môn học mới, chưa nhiều kiến thức như các môn tự nhiên khác, nên ôn tập thuận lợi hơn. Khôi cũng xác định thi vào Ams, tin rằng đây là môi trường phù hợp để em học tốt và có cơ hội tranh tài ở các cuộc thi về Hóa.

Từ đó, bên cạnh chăm nghe giảng và làm bài trên lớp, Khôi thường ôn Hóa nâng cao vào buổi tối. Mỗi lần em đều học tập trung, cố gắng nắm bắt nhanh và liên hệ, mở rộng kiến thức. Để vào trường Ams, Khôi cũng chịu khó học tốt cả Toán, Văn và Tiếng Anh.

Năm 2021, Đăng Khôi thi đỗ như mong muốn, với 9/10 điểm bài chuyên Hóa. Thầy Nguyễn Hồng Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp Khôi, nói học trò thể hiện quyết tâm tranh giải ở các kỳ thi Hóa ngay từ đầu.

"Học online gần như toàn bộ năm học đầu tiên nhưng Khôi luôn nắm chắc kiến thức và làm bài tập chỉn chu. Em nói mục đích là để thi học sinh giỏi quốc gia", thầy nhớ lại.

Năm học đó, Khôi đạt giải nhất thi học sinh giỏi cấp thành phố và giải khuyến khích quốc gia môn Hóa. Đối với Đăng Khôi, đó là một bước tiến nhỏ nhưng tạo động lực lớn trên con đường chạm đến huy chương IChO.

z5688340636383-a0c827eb3bdd1cd-1857-7896-1722595234.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WK9a1RaLUt04Vi_hVcDxfA

Thầy Hải, giáo viên chủ nhiệm, người đồng hành cùng Khôi trong các kỳ thi học sinh giỏi và Olympic Hóa quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm lớp 11 và 12, Đăng Khôi tiếp tục đạt giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi. Hồi đầu năm, sau khi giành giải nhất quốc gia, nam sinh vượt qua vòng chọn đội tuyển tham gia Olympic Hóa học quốc tế Mendeleev. Kỳ thi diễn ra tại Thâm Quyến, Trung Quốc, từ ngày 21 đến 26/4. Hơn 150 thí sinh tranh tài ở ba vòng thi cả lý thuyết và thực hành, mỗi vòng 5 tiếng.

Tại đây, Khôi giành huy chương bạc, nhưng chưa hài lòng vì vẫn mất điểm ở phần thực hành. Trước đó, điểm thực hành của nam sinh cũng thấp nhất trong bốn thành viên đội tuyển thi IChO.

"Còn một kỳ thi quốc tế trước mắt, em tự nhủ phải khắc phục yếu điểm này", Khôi chia sẻ. Trong một tháng ôn tập trung, Khôi quan sát các bạn thực hành, học cách lập kế hoạch từng bước trong đầu trước khi làm thí nghiệm.

Song, khi thực hành ở IChO, nam sinh bị áp lực thời gian. Phản ứng oxi hóa HCO2Na bằng KMnO4 diễn ra tương đối chậm nên Khôi thêm hóa chất để đẩy nhanh tốc độ. Tuy nhiên, điều này khiến hóa chất không phản ứng hết, dẫn đến khó quan sát hiện tượng. Khôi cũng không thể làm lại do hết hóa chất và thời gian chỉ còn lại vài phút.

"Em kỳ vọng làm được 70% bài thi, song cuối cùng chỉ đạt 50%", Đăng Khôi nói. Đứng thực hành gần như liên tục trong 5 tiếng, nam sinh bị mệt, ngủ ngay khi trở về ký túc xá. Còn bài lý thuyết Khôi làm tốt, vì đã luyện đề IChO các năm trước và nắm được logic ra đề.

IMG-3739-JPG-6354-1722595234.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MjUQ55fgbCKYH1yYHrpQgQ

Đăng Khôi (thứ hai, từ phải sang) cùng thầy cô và bạn bè ở IChO 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bên cạnh Hóa, Khôi có đam mê khác là khám phá văn hóa. Trong 10 ngày thi, em nhớ nhất được đi ngắm thủ đô Riyadh, tham gia lễ hội eSport, thăm thành cổ và trang trại ngựa của vị vua nước này. Còn hồi tập huấn đội tuyển, biết các bạn ở tỉnh chưa đến Hà Nội nhiều, Khôi chủ động làm hướng dẫn viên.

"Ban đầu, bọn em rủ nhau đạp xe quanh hồ Tây, cuối cùng lại rong ruổi khắp Hà Nội. Lúc nào mệt, chúng em vào quán cà phê nghỉ chân", Khôi kể.

Trở về từ cuộc thi, Đăng Khôi cho biết sẽ tạm nghỉ một năm để đi du lịch, hoạt động ngoại khóa và xác định ngành học mình muốn.

Phương Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022