Trong cuộc thi quý I chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24, phát sóng hôm 7/1, Trần Trung Kiên, lớp 11A1, trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Tây Hòa, Phú Yên, giành chiến thắng cách biệt với 235 điểm. Em sẽ góp mặt trong trận chung kết, dự kiến diễn ra tháng 10 năm nay.
Sau 24 năm chương trình Olympia phát sóng, đây là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên có học sinh vào chung kết. Điểm đặc biệt trong hành trình của Kiên là trong hai trận tuần và tháng, em đều về nhì và góp mặt trong trận thi quý vì là thí sinh có điểm nhì cao nhất.
"Thất bại trong trận tuần và tháng là bài học để em trân trọng chiến thắng ở vòng thi quý. Nhưng em không coi thành tích này là chiến thắng cuối cùng, mà sẽ cố gắng giành kết quả tốt nhất ở trận chung kết", Kiên nói.
Kiên sau chiến thắng tại vòng thi quý I, Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kiên nói mình tham gia cộng đồng học sinh yêu thích Olympia khá muộn. Trong khi nhiều bạn xác định mục tiêu từ THCS, tới lớp 10, Kiên mới có những trận đấu tập đầu tiên. Trung bình, em chơi khoảng 1-2 trận một tuần, giai đoạn gần tham gia cuộc thi thì tăng lên ba.
Nam sinh Phú Yên được truyền động lực từ đàn anh Lê Trung Hiếu, cựu học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, người góp mặt trong trận quý I của Olympia năm thứ 9 cách đây 15 năm. Ngoài ra, Kiên cũng được một số anh, chị hỗ trợ, kết nối để làm quen, thi đấu với học sinh ở nhiều tỉnh, thành.
Lịch ghi hình các trận đấu của Kiên diễn ra vào giữa tháng 11. Em từ Phú Yên ra Hà Nội cùng bố và một số thầy cô. Lúc đó, Kiên không đặt mục tiêu xa, "chỉ mong qua vòng thi tuần".
Cuộc thi đầu tiên của Kiên diễn ra đầy bất ngờ. Nam sinh dẫn đầu cách biệt ở hầu hết phần thi, nhưng bị bạn chơi lội ngược dòng trong những câu hỏi cuối cùng. Kiên hoàn thành trận đấu với 260 điểm, phải đợi một trận đấu khác diễn ra để xem mình có thể vào thi tháng với vị trí người về nhì có điểm cao nhất hay không.
"Nửa ngày chờ đợi, em vừa buồn vừa lo, lại trách mình vì không hoàn thành trận đấu như mong muốn. Tới lúc được báo vào thi tháng, em mới nguôi ngoai", Kiên nhớ lại.
Với nam sinh Phú Yên, "có nằm mơ cũng không nghĩ tới" kịch bản bị lội ngược dòng lặp lại trong trận thi tháng. Kiên vẫn là người trả lời đúng từ khóa Vượt chướng ngại vật, dẫn đầu phần lớn thời gian thi đấu, nhưng lỡ chiến thắng ở phần Về đích. Nhưng may mắn cũng một lần nữa đến với Kiên, khi tiếp tục được vào vòng trong với kết quả về nhì cao nhất.
Kiên nhận ra vấn đề của mình là thiếu quyết đoán, bấm chuông chậm. Lịch ghi hình tuần, tháng, quý diễn ra liên tiếp trong ba ngày, nên Kiên chỉ có một đêm để ổn định tinh thần và khắc phục điểm yếu. Kiên kể dành một tiếng trong buổi tối trước khi thi trận quý để luyện bấm chuột, làm sao cải thiện tốc độ để bấm chuông, giành quyền trả lời nhanh. Cùng với đó, em nhắc nhở mình bình tĩnh và quyết đoán hơn.
Thay đổi của Kiên mang đến hiệu quả trong trận thi quý. Em thi đấu chắc chắn ở vòng Khởi động để không bị trừ nhiều điểm và quyết đoán trong những phần thi sau. Kiên cho rằng Vượt chướng ngại vật là bước ngoặt của trận đấu. Với gợi ý "điện tử" cùng một góc hình ảnh được lật mở, Kiên nhanh chóng bấm chuông và trả lời từ khóa "VNEID" - ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an.
Câu trả lời giúp Kiên giành 60 điểm, vươn lên dẫn đầu và tạo cách biệt với các bạn chơi và duy trì tới khi trận đấu kết thúc. Kiên nói em không có chiến thuật cụ thể cho phần chơi này. Hình ảnh gợi mở giúp Kiên mường tượng ra VNEID vì đã vài lần giúp người thân cài đặt, nhưng nhìn chung, Kiên nghĩ mình chỉ chắc khoảng 75% cho câu trả lời.
"Nếu không quyết đoán, em có thể lỡ cơ hội giành điểm", Kiên nói, cho rằng mình đã đúng khi quyết định bấm chuông vào thời khắc đó.
Kiên trong lần ra Hà Nội nhận giải nhất cuộc thi Câu chuyện của Teen 2023, tháng 5/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trong cả ba trận đấu, Kiên thường giành nhiều điểm từ các câu hỏi Lịch sử, hiểu biết chung. Cậu học trò quê Phú Yên cho biết từng có khoảng thời gian khó khăn trong việc học và ghi nhớ kiến thức Lịch sử. Vì thế, khi chuẩn bị kiến thức cho cuộc thi, Kiên chủ động tìm đọc tài liệu môn này, thấy hứng thú hơn và dần yêu thích.
Nam sinh cũng có thế mạnh ở các môn tự nhiên, đặc biệt là Toán, nhưng chưa thể hiện được ở cuộc thi. Kiên nghĩ có thể do áp lực sân khấu, thời gian suy nghĩ ngắn nên chưa phát huy được hết khả năng.
Thầy Châu Văn Tốc, giáo viên dạy Toán và chủ nhiệm Kiên từ năm lớp 10, cho biết em là học sinh xuất sắc với loạt thành tích như thủ khoa đầu vào của trường, luôn đạt điểm cao nhất khối, cũng từng giành giải nhất "Câu chuyện của Teen" 2023 - cuộc thi viết do Viện Tâm lý Giáo dục tổ chức. Năm học lớp 10, Kiên thi học sinh giỏi vượt cấp và giành giải ba môn Toán cấp tỉnh.
"Kiên là học sinh toàn diện, chăm chỉ và có khả năng tự học tốt", thầy Tốc nói, hy vọng Kiên có thể phát huy khả năng Toán học trong trận chung kết Olympia.
Kiên còn làm lớp phó học tập. Thầy Tốc nhận xét em hòa đồng với bạn bè, hay giúp đỡ mọi người. Dù vóc dáng không quá cao lớn, Kiên có thể lực tốt, nhiệt tình tham gia các hoạt động tập thể.
Kiên (ngồi, thứ tư từ phải sang) và các bạn tới thăm thầy Tốc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Còn khoảng 10 tháng tới khi trận chung kết diễn ra, Kiên nói sẽ dành thời gian ôn tập kiến thức, khả năng tiếng Anh và rèn tốc độ suy nghĩ. Là lứa học sinh đầu tiên học chương trình mới ở bậc THPT, Kiên mượn sách giáo khoa của chương trình 2006 để đọc. Em cho rằng kiến thức không bao giờ lỗi thời, cuộc thi cũng có thể hỏi những câu liên quan nên muốn chuẩn bị tốt nhất có thể.
Kiên nói muốn học tập lối chơi điềm tĩnh, lạnh lùng từ đàn anh Nguyễn Việt Thành, thí sinh thắng quý I, góp mặt trong trận chung kết Olympia năm thứ 23. Việc giữ được bình tĩnh trên sân khấu nhiều áp lực là điều em hướng đến trong mỗi trận đấu.
Thời gian rảnh, Kiên vẫn xem và chơi bóng đá, thỉnh thoảng đạp xe và chơi cầu lông. Em cho biết muốn cân bằng giữa việc học, chuẩn bị cho Olympia với các hoạt động giải trí.
"Trận chung kết sẽ áp lực vô cùng. Em hy vọng mình có thể giữ được bình tĩnh, sự tự tin để thi đấu tốt nhất có thể", Kiên chia sẻ.
Thanh Hằng