Hôm 18/12 là ngày Đại học Yale công bố kết quả kỳ xét tuyển sớm. Nguyễn Doãn Đức Vinh, học sinh trường quốc tế Mỹ St. Paul Hà Nội, ngủ chập chờn vì hồi hộp.
"Nếu em được chấp nhận, Yale sẽ gửi video chiếu hình ảnh về trường. Và đúng như vậy. Không cần đợi video chạy, em đã biết mình đỗ ngành Kinh tế - Chính trị và Triết học", nam sinh kể.
Vinh báo tin cho ông bà, người thân và bạn bè. Hôm đó, cả nhà rộn ràng tiếng hò reo, tiếng điện thoại chúc mừng.
Trong lá thư viết tay gửi cho nam sinh, đại diện trường bày tỏ niềm vui khi đọc hồ sơ ứng tuyển của em. Vinh được đánh giá thông minh, hài hước và trí tuệ, có ước mơ mang đến những cơ hội học tập tốt hơn cho các học sinh Việt Nam.
"Những phẩm chất này đã giúp bạn trở thành một sinh viên Yale. Tôi đang nóng lòng được gặp bạn ở Yale", trích thư.
Yale là một trong 8 trường Ivy League, ở vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng đại học Mỹ của Us News. Trường năm nay nhận được hơn 6.700 hồ sơ ứng tuyển sớm, 728 người được nhận, tương đương 10,8%.
Nguyễn Doãn Đức Vinh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Với chị Doãn Thị Mai Hương, mẹ Vinh, kết quả này xứng đáng cho nỗ lực của con trai suốt những năm qua. Chị cho biết Vinh mơ ước du học từ cấp hai, mong đến các trường hàng đầu thế giới. Từ năm lớp 9, em bắt đầu tìm hiểu lộ trình chuẩn bị hồ sơ du học, lên kế hoạch học các chứng chỉ chuẩn hóa và hoạt động ngoại khóa.
Vinh học SAT và thi một lần vào đầu năm lớp 10, được 1560/1600 điểm. Nam sinh thích Đại học Yale vì trường là nơi hiếm hoi có ngành học ghép của ba môn Kinh tế, Chính trị, Triết học. Hè năm đó, Vinh nộp hồ sơ và được chọn tham gia trại hè Yale Young Global Scholars (YYGS) dành cho học sinh THPT từ nhiều nước, do đại học này tổ chức.
Trong hai tuần, em được sống trong ký túc xá và học các môn về Chính trị, Luật, Kinh tế. Vinh được thử sức trong vai trò biên tập viên kinh tế và triết học cho Young Global Scientists Journal, tạp chí dành cho học sinh trung học Mỹ.
"Trở về từ chuyến đi ấy, Vinh càng quyết tâm trở thành sinh viên Yale", chị Hương kể.
Chị cho hay trước đó, con trai đam mê tranh biện và tham gia nhiều giải đấu trong nước. Lên cấp ba, Vinh tìm hiểu thêm về Kinh tế và Triết học. Em từng giành giải nhất thi Olympic Kinh tế Việt Nam (VEO) cuối năm lớp 10; vô địch cuộc thi tranh biện Speak to Inspire Debate Division 2022 do Đại sứ quán Mỹ và Netflix tổ chức; huy chương vàng cuộc thi viết luận Kinh tế - International Economics Olympiad Essay Challenge 2023, giải khuyến khích Olympic Triết học quốc tế (IPO) tổ chức tại Phần Lan năm lớp 11.
Để tham gia những kỳ thi này, Vinh cho hay phải tự tìm hiểu rất nhiều. Em đọc các bài báo về kinh tế trên The Economist, The Wall Street; xem video về triết học cổ đại, Hy Lạp; các bài giảng trên mạng của Đại học Harvard về luật, website bách khoa toàn thư về tâm lý học của Đại học Stanford...
Trong các hoạt động ngoại khóa, Vinh tâm đắc nhất dự án giáo dục Pathways, với sự hỗ trợ của Khan Academy Vietnam, nền tảng học trực tuyến miễn phí. Từ năm 2023, em là đại sứ và quản lý dự án, có nhiệm vụ tổ chức các lớp học SAT, AP và các môn như Triết học, Kinh tế, Chính trị - vốn không có trong chương trình phổ thông.
Pathways cũng tổ chức các chuyến thăm công ty, ngân hàng, giúp học sinh quan sát và hiểu hơn về các ngành, nghề. Vinh từng phỏng vấn chuyên gia trong nhiều lĩnh vực; tổ chức webinar trên các nền tảng mạng xã hội về định hướng nghề nghiệp.
"Các dự án của Pathways đã tiếp cận được hơn 300.000 người trên ba nền tảng Instagram, Facebook và LinkedIn. Những lớp học phối hợp với Khan có hơn 300 học sinh Việt Nam đến từ khoảng 30 tỉnh, thành và ở nước ngoài", Vinh cho biết.
Cùng đó, nam sinh duy trì được kết quả học tập tốt ở trường, với điểm trung bình học tập (GPA) đạt 4/4. Vinh học 8 môn AP (lớp nâng cao, dạy chương trình dự bị đại học ở Mỹ) tại trường gồm Giải tích, Ngôn ngữ, Địa lý, Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Lịch sử thế giới, Hóa, Xác suất thống kê. Trừ môn Ngôn ngữ đạt 4/5, các môn còn lại Vinh đều được điểm tuyệt đối 5/5. Em cũng đạt IELTS 8.5 trong lần thi đầu tiên.
Vinh cho hay ngoài điểm số và hoạt động ngoại khóa, bài luận là một phần quan trọng trong hồ sơ du học Mỹ. Bài luận chính dài 650 từ, yêu cầu thí sinh viết về những điều ảnh hưởng đến cuộc đời. Vinh chọn viết về trải nghiệm đóng hài kịch cùng bạn bè.
Em kể mỗi dịp cuối năm, gia đình thường háo hức chờ đón chương trình Táo quân trên truyền hình. Những vấn đề xã hội quan tâm được phản ánh và tái hiện bằng tiểu phẩm hài, mang lại tiếng cười và suy ngẫm cho người xem. Vinh cũng tham gia đóng kịch ở trường và việc này giúp em tăng khả năng quan sát bao quát.
"Khi nói đến vấn đề nhạy cảm, có thêm chút hài hước thì mọi việc sẽ bớt căng thẳng hơn", nam sinh nhìn nhận.
Đại học Yale có 7 bài luận phụ, mỗi bài 30-400 từ hỏi lý do chọn Yale, người truyền cảm hứng, chính sách Triết học yêu thích... Vinh ưng nhất bài viết 400 từ nói về một khoảnh khắc trong cuộc đời có ảnh hưởng tới bản thân. Nam sinh cho hay sau nhiều năm học cả trường tư và công, em nhận thấy nhữngbất bình đẳng trong giáo dục giữa các nhóm trong xã hội. Từ đó, em muốn tạo ra nhiều dự án giúp học sinh tiếp cận một cách công bằng hơn.
Vinh xếp hạng 23/114 ở IPO, Phần Lan, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Dạy Vinh môn AP Kinh tế hồi lớp 10 và Nguyên lý kinh doanh ở lớp 11, thầy Ethan Blonder không ngạc nhiên khi biết học trò trúng tuyển vào Yale. Theo thầy, hồ sơ của nam sinh có nhiều hoạt động, cuộc thi và dự án đa dạng. Nhưng em không làm những điều này chỉ để vào được đại học mà xuất phát từ sự quan tâm thực sự và cố gắng hiểu biết nhiều hơn về thế giới.
Khi học, Vinh luôn tìm cách phân tích mọi thứ, thay vì chỉ học biểu đồ để phục vụ cho bài kiểm tra. Ngoài ra, em biết cách cân bằng cuộc sống khi vẫn dành thời gian cho đam mê đóng kịch, chơi thể thao...
Vinh sẽ bắt đầu hành trình du học vào mùa thu 2025. Hiện em tập trung học 4 môn AP (Văn học, Tâm lý, Vật lý và Lịch sử Mỹ) để được miễn tín chỉ khi vào đại học. Vinh dự định khám phá các lĩnh vực khác nhau khi đến Mỹ, chọn ra nghề nghiệp phù hợp với mình nhất.
Bình Minh