Thủy Tiên nói không bao giờ quên khoảnh khắc chần chừ, rồi bật khóc vì hạnh phúc khi quyết định mở mail thông báo của Hội đồng giám định luật, hồi cuối tháng 10.
"Kỳ thi này như một cuộc chiến. Mình đã dồn rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian ôn tập, đến mức ám ảnh", Tiên nói.
Lê Thủy Tiên nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ Luật tại Đại học Fordham, năm 2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vượt qua kỳ thi sát hạch là điều kiện tiên quyết để hành nghề luật sư tại Mỹ. Mỗi bang có những kỳ thi riêng. Kỳ thi của New York được tổ chức hai lần trong năm vào tháng 2 và tháng 7. Là một trong số ít bang ở Mỹ cho thí sinh từ mọi nơi trên thế giới dự thi nên kỳ thi của New York có tỷ lệ cạnh tranh cao, thuộc dạng khó nhất, nhì nước Mỹ.
Để vượt qua, thí sinh cần đạt ít nhất 266/400 điểm. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, tỷ lệ đỗ của kỳ thi này khoảng 38-75%, tùy đợt. Riêng kỳ thi hồi cuối tháng 7, tỷ lệ đỗ của những người không học luật chính quy ở Mỹ chưa tới 50%.
Tiên cho biết kỳ thi được thiết kế để kiểm tra cả mặt trí tuệ lẫn sức bền thể chất, tổ chức trong hai ngày. Buổi sáng bắt đầu từ 9h30 đến 12h30, buổi chiều từ 14h đến 17h.
Sáng ngày đầu tiên, các thí sinh trải qua hai bài thi giải quyết tình huống thực tế MPT (Multistate Performance Test), chiếm 20% tổng điểm kỳ thi. Phần này nhằm đánh giá khả năng vận dụng kiến thức pháp luật và kỹ năng, lập luận, đánh giá vấn đề vào các tình huống thực tế.
Buổi chiều, thí sinh thi viết luận Multisate Essay Exam (MEE) với 6 câu xoay quanh 12 chủ đề, lĩnh vực pháp luật, tương ứng với 30% số điểm. Thí sinh cần thể hiện khả năng xác định, phân tích và diễn đạt các vấn đề pháp lý một cách gãy gọn và súc tích dưới dạng văn bản.
50% số điểm còn lại nằm ở phần thi MBE (Multistate Bar Examination), vào ngày thứ hai. Đây được ví như một cuộc marathon kéo dài 6 tiếng với 200 câu trắc nghiệm. Phần này hỏi tổng quát kiến thức pháp lý và kỹ năng hành nghề của thí sinh, cũng như kiểm tra khả năng quản lý và phân phối thời gian, sức bền.
"Mỗi câu trắc nghiệm dài gần một trang giấy, làm đến câu 80 đã rất mệt, não muốn dừng hoạt động nhưng mình vẫn phải cố. Đây chính là thử thách với sức bền của thí sinh", cô kể.
Tốt nghiệp ngành Luật thương mại của Đại học Luật TP HCM năm 2018, Tiên đi làm ba năm trước khi sang Mỹ học thạc sĩ luật ở Đại học Fordham. Ra trường, cô làm trợ lý luật sư tại một công ty tư vấn luật ở New York. Muốn hành nghề chuyên nghiệp và nâng cao thu nhập, cô quyết định tham gia kỳ thi sát hạch luật sư.
Theo Tiên, nếu vượt qua kỳ thi, cô có thể nhận khoảng 100.000-120.000 USD mỗi năm, cao gấp hai lần so với trước. Xác định độ khó, cuối tháng 5, Tiên xin tạm nghỉ việc để tập trung ôn. Cô chi khoảng 2.000 USD, mua bộ tài liệu với gần chục cuốn sách dày hơn 300 trang. Tham khảo kinh nghiệm nhiều người đi trước và xem đề thi các năm, Tiên quyết định dành hơn 90% thời gian để ôn tập phần trắc nghiệm.
Đều đặn mỗi ngày, cô dành 10-12 tiếng ôn thi. Tiên ước tính đã luyện đến 3.000 câu trắc nghiệm. Theo Tiên, ngoài những đáp án gây nhiễu, điều thử thách ở phần thi này là thí sinh phải tự xác định yêu cầu của mỗi câu hỏi. Phần lớn cần tìm câu trả lời đúng nhưng cũng không ít câu đòi hỏi ứng viên phải dùng phương pháp loại trừ để tìm ra đáp án nào ít sai nhất.
"Có những câu dù đã suy nghĩ nát nước, áp dụng đủ loại luật nhưng vẫn không có đáp án đúng thì mình phải xem lại, tìm đáp án đỡ vô lý, ít sai nhất", Tiên nói. Ngoài ra, điểm của mỗi câu còn phụ thuộc vào độ khó, tỷ lệ thí sinh trả lời đúng. Nếu nhiều người trả lời được, câu đó sẽ ít điểm.
Lúc đầu, Tiên căng thẳng vì luyện tập mãi nhưng không cải thiện được kết quả, chỉ dừng ở 40-50% bài thi. Cô ghi chú và dán đầy giấy nhớ lên tường. Ba tuần cuối, mỗi ngày Tiên đều ôn tập với khối lượng gấp đôi, làm hết 200-300 câu trắc nghiệm, tìm cách rút ngắn thời gian suy nghĩ.
"Mình nghĩ sự kỷ luật và tinh thần kiên trì là chìa khóa để vượt qua kỳ thi này", Tiên chia sẻ.
Tiên nhận định nếu không phải là người học luật tại Mỹ, thí sinh sẽ gặp nhiều bất lợi. Vì khác biệt ngôn ngữ, chỉ riêng việc đọc và suy nghĩ bằng tiếng Anh đã tốn nhiều sức lực.
Mặc khác, hệ thống pháp luật của Mỹ rộng và có nhiều khác biệt. Tiên thấy may mắn khi được thầy cô ở Đại học Luật TP HCM bồi dưỡng nền tảng lập luận, tư duy luật pháp vững chắc.
Biết tin học trò vượt qua kỳ thi sát hạch luật sư được đánh giá khốc liệt nhất thế giới, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Luật thương mại, Đại học Luật TP HCM, rất phấn khởi. Cô nói ấn tượng với Tiên từ năm thứ hai thông qua một bài thuyết trình trong môn Luật hợp đồng.
"Tiên có khả năng tiếng Anh, tư duy pháp lý và khả năng tranh biện, diễn thuyết tốt trước đám đông. Bạn rất nghị lực và có tiềm năng, đã quyết việc gì thì luôn nỗ lực làm tốt nhất có thể", cô Bình nhận xét.
Sau khi nhận chứng chỉ hành nghề luật sư, Thủy Tiên dự định làm việc tại Mỹ thêm một thời gian, tận dụng hiểu biết về luật di trú và luật doanh nghiệp để hỗ trợ du học sinh, cũng như cộng đồng người Việt.
Lệ Nguyễn