Đây là hoạt động được tổ chức Ban vận động UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tổ chức tại Trung tâm Hội nghị thành phố, UBND TP Hải Phòng thông tin ngày 18/11.
Hội thảo dự kiến có sự tham gia của 140 đại biểu gồm nguyên lãnh đạo thành phố, các nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa, hội khoa học lịch sử và sở ban ngành liên quan.
Thông qua hội thảo, Ban tổ chức sẽ làm rõ bối cảnh Đại Việt thế kỷ 16 - thời đại Nguyễn Bỉnh Khiêm sống và phân tích thân thế, sự nghiệp, nhân sinh quan, thế giới quan, vai trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm đối với lịch sử. Từ đó tôn vinh thân thế, sự nghiệp của ông đối với quốc gia Đại Việt thế kỷ 16 cũng như xây dựng niềm tự hào của người Hải Phòng về danh nhân văn hóa.
Khu di tích Danh nhân Văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo. Ảnh Đàm Thanh
Nguyễn Bỉnh Khiêm, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh ngày 6/4/1491 âm lịch ở làng Trung An, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dưới thời vua Lê Thánh Tông - thời kỳ thịnh trị nhất của nhà Lê sơ.
Khi nhà Hậu Lê (Lê sơ và Lê trung hưng) rơi vào khủng hoảng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua 6 khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay cho Lê sơ năm 1527, xã hội dần ổn định, ông vẫn bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều Mạc.
Tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay trạng nguyên. Năm đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ngoài 40 tuổi.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ, được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi Trình Quốc Công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình.
Trong gần 20 năm (từ 53 đến 73 tuổi), Nguyễn Bỉnh Khiêm không ra ở hẳn kinh sư nhưng vẫn đảm nhiệm nhiều việc triều chính. Sử sách đều thừa nhận Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, coi ông là nhà tiên tri số một nước Việt. Ông từng đưa ra lời sấm bảo nhà Mạc chạy lên Cao Bằng dựng nghiệp, sau khi thất thủ ở Thăng Long và sẽ tồn tại ba đời. Quả nhiên, điều này đúng. Ông còn khuyên Trịnh Kiểm "giữ chùa thờ Phật được ăn oản", tìm người trong tông thất nhà Lê lập làm vua. Nhà Trịnh làm theo và từ đó nối đời cầm quyền, nhưng danh nghĩa vẫn là tôn phò nhà Lê.
Nguyễn Bỉnh Khiêm mất năm 1585. Trong rất nhiều đóng góp của cho nền văn hóa dân tộc, đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục được nhiều nhà khoa học đánh giá cao. Ngày nay, nhiều trường học được đặt theo tên ông nhằm tưởng nhớ đến bậc thầy vĩ đại.
Tại Hải Phòng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Lê Tân